Tháo gỡ vướng mắc trong xác định giá trị cổ phần khi thoái vốn, cổ phần hóa
Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Lê Thanh Tuấn - Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, việc xác định giá trị cổ phần khi cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) của SCIC đã gặp phải một số vướng mắc cần có đề xuất, kiến nghị hoàn thiện trong thời gian tới.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, qua hơn 15 năm, SCIC đã triển khai bán vốn tại 1.021 DN, thu về 50.236 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 4,1 lần). Trong giai đoạn 2019 - 2021, mặc dù còn gặp không ít khó khăn vướng mắc, SCIC đã tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2021, SCIC đã thực hiện thoái vốn thành công tại 25 DN, chênh lệch giữa giá vốn và doanh thu là gần 2.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 2,8 lần). Về công tác cổ phần hóa, trong năm 2019, SCIC đã hoàn thành CPH Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê với tổng số tiền thu được từ việc bán hết phần vốn nhà nước sau CPH là 23.640.800.880 đồng, số tiền Công ty đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN là: 23.329.038.880 đồng.
Giai đoạn 2019 - 2021, trong bối cảnh kinh tế thế giới, cũng như kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn còn gặp nhiều khó khăn, SCIC đã nỗ lực triển khai công tác bán vốn, chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền đề nghị hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế bán vốn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng bán vốn ngay sau khi Thông tư số 36/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2021.
Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, chỉ trong quý IV/2021, SCIC đã nỗ lực và triển khai bán vốn vượt chỉ tiêu kế hoạch bán vốn năm 2021 (doanh thu và chênh lệch bán vốn tương ứng đạt 165% và 275% so với kế hoạch). Công tác bán vốn nhà nước tại DN của SCIC đã được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt được hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Tại Hội thảo, đại diện SCIC cũng trao đổi về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Cụ thể, việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) vào giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn nhà nước
Theo đánh giá của SCIC việc tách riêng giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử để định giá trong nhiều trường hợp là chưa thực sự hợp lý. Theo đó, khi xác định giá trị DN, tổ chức tư vấn định giá căn cứ vào nhiều yếu tố (quy mô, đặc điểm hoạt động của DN, thời gian thực hiện, tính hợp tác và phối hợp của DN, mức độ sẵn có của thông tin tài liệu...), để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Trong đó, phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) hay phương pháp tỷ số bình quân (là các phương pháp phổ biến được áp dụng trên thị trường) sẽ không tách bạch riêng việc xác định giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử khi định giá. Về bản chất, đối với các phương pháp này, các giá trị đem lại từ thương hiệu, giá trị văn hoá lịch sử đã phản ánh trong dòng tiền thuần tự do hay doanh thu, lợi nhuận đem lại cho DN trong quá trình hoạt động.
Lý giải rõ hơn về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, ông Lê Thanh Tuấn cho rằng, nhiều DN quy mô nhỏ, địa bàn hoạt động nhỏ hẹp, thậm chí đang rất khó khăn, cơ bản không có lợi thế đáng kể về thương hiệu, cũng như giá trị văn hoá lịch sử. Việc thu thập các chi phí tạo lập giá trị thương hiệu trải qua rất nhiều năm dẫn đến rủi ro không thu thập được đầy đủ chứng từ, bằng chứng; hoặc DN thiếu hợp tác (do tỷ lệ sở hữu vốn của SCIC nhỏ), dẫn đến thời gian thẩm định giá kéo dài, tính chính xác chưa cao trong khi giá trị xác định được không đáng kể so với tổng giá trị DN. Do vậy, SCIC kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ bỏ nội dung "Việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hoá, lịch sử) được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính" mà thực hiện theo nguyên tắc thẩm định giá được Bộ Tài chính ban hành.
Theo SCIC, trong quá trình triển khai kế hoạch bán vốn từ năm 2019 - 2021, một số DN quy mô lớn SCIC quản lý bị chậm quyết toán vốn lần 2 hoặc bị vướng mắc trong việc xác định giá trị lợi thế đất trả về nhà nước khiến cho việc bán vốn tại các DN này bị chậm. Về vấn đề này, SCIC đã có Công văn số 1408/ĐTKDV-KHTH ngày 7/7/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ quyết toán vốn lần 2 tại một số tổng công ty lớn, qua đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan sớm hoàn thành công tác quyết toán vốn lần 2 theo quy định, làm cơ sở để SCIC triển khai bán vốn tại các DN này; đồng thời, cho phép SCIC thực hiện bán cổ phần tại một số DN kém hiệu quả, có khả năng mất vốn khi chưa hoàn thành quyết toán vốn lần 2.
Đối với các DN thuộc diện giải thể phá sản, việc bán vốn theo quy định tại Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP cũng khó khả thi, do không hấp dẫn nhà đầu tư, DN không lập/cung cấp được báo cáo tài chính làm cơ sở cho tổ chức tư vấn triển khai định giá, lập hồ sơ chào bán theo quy định, hầu hết tài sản bị ngân hàng niêm phong hoặc phát mại..., cá biệt có DN không có khả năng chi trả chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính.
Do vậy, SCIC cho rằng, đối với các DN chưa quyết toán vốn lần 2, SCIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với SCIC tập trung giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành quyết toán vốn lần 2 theo quy định tại Thông tư số 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018 hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC và Thông tư số 119/2021/TT-BTC ngày 23/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 83/2018/TT-BTC để có cơ sở triển khai thoái vốn. Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sửa đổi 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 cho phép bán thỏa thuận sau khi đấu giá không thành công, mà không cần thực hiện bước chào bán cạnh tranh.
Đối với việc xác định giá trị đất đai khi cổ phần hoá, thoái vốn, khi DN thuộc diện thoái vốn có hoạt động tăng vốn điều lệ, việc chuyển nhượng quyền mua trong trường hợp thời hạn phát hành của DN không đủ để SCIC thuê tổ chức thẩm định giá xác định giá khởi điểm (khoản 2, Điều 38b Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung tại khoản 20, Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP). Đặc biệt, đối với các DN có nhiều đất đai, hoặc đang triển khai đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho SCIC thực hiện nhiệm vụ thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, SCIC đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thoái vốn nhà nước để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thúc đẩy hoạt động bán vốn của SCIC như: giá trị chênh lệch quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, bán quyền mua…
Ngoài ra, để có thể tạo nguồn bổ sung danh mục thoái vốn trong thời gian tới, kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện kế hoạch sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm danh mục DN chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quyết định thay thế Quyết định số 908/QĐ-TTg.