Thao túng báo cáo tài chính và những hệ lụy đặt ra
Thao túng báo cáo tài chính là vấn đề lo ngại, gây nên nhiều hệ lụy cho thị trường chứng khoán, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ
Thao túng báo cáo tài chính
Sau sự kiện Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành, mã chứng khoán TTF niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh xảy ra vào tháng 2/2016, với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất trên báo cáo tài chính, nhiều công ty niêm yết khác cũng đã bị phát hiện có vấn đề về báo cáo tài chính.
Khi sự việc bị vỡ lở, giá cổ phiếu lao dốc không phanh, nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại lớn dẫn tới niềm tin của họ vào tính minh bạch trên thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vấn đề được nhận diện là không phải nằm ở hàng tồn kho như công bố của TTF, mà là gần 10 năm TTF đã đẩy khống doanh thu lên nhiều lần, sau đó “chế biến” thành hàng tồn kho có giá trị lên đến 2.200 tỷ đồng. Khi sự việc vỡ lở, không phải 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất, mà vấn đề nằm ở chỗ tồn tại doanh thu khống suốt gần 10 năm.
Sau sự kiện này nhiều DN khác cũng bị phát hiện có dấu hiệu thao túng báo cáo tài chính. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng có lý do DN Việt Nam đã nhanh chóng du nhập chiêu thức này từ DN nước ngoài.
Trường hợp khác, khi TOSHIBA phá sản, qua điều tra phát hiện Công ty này đã tận dụng lợi thế thương mại để khai khống doanh thu và lợi nhiều nhiều năm, thậm chí kéo dài đến 20 năm. Chiêu thức gian lận của TOSHIBA gia nhập Việt Nam quá nhanh.
Hệ quả của việc DN “nhào nặn” số liệu trên báo cáo tài chính còn biểu hiện qua tình trạng số liệu trên báo cáo tài chính trước kiểm toán của không ít DNNY khác xa so với sau kiểm toán, thậm chí có DN chuyển từ lãi trước kiểm toán báo cáo tài chính sang lỗ.
Theo chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do năng lực lập báo cáo tài chính của DN còn hạn chế. Đội ngũ kế toán ở nhiều công ty, trong đó có DN niêm yết chưa mạnh. Mặt khác, hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán của Việt Nam còn không ít khiếm khuyết so với thông lệ và chuẩn mực quốc tế (còn thiếu nhiều chuẩn mực tế toán). Vì thế chế độ kế toán của Việt Nam không bao phủ hết các tình huống trên thị trường với nhiều ngành nghề đa dạng. Điều này khiến cho đội ngũ kế toán khó xử lý trong thực tế.
Ngoài ra, tình trạng số liệu tài chính trước và sau kiểm toán chênh lệch lớn là có lý do từ ý đồ can thiệp vào báo cáo tài chính của DN vì mục đích khác nhau. Chẳng hạn như với DN trên sàn, họ can thiệp vào báo cáo tài chính để “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng…
Đó là chưa kể, theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, nếu DN bị lỗ trong 3 năm liên tiếp, thì sẽ bị buộc hủy niêm yết, nên không loại trừ khả năng DN tìm cách “làm đẹp” số liệu tài chính, để không bị rơi vào thua lỗ triền miên dẫn đến bị buộc phải rời sàn niêm yết.
Câu hỏi đặt ra là khi sai lệch số liệu trên báo cáo tài chính kiểm toán xảy ra, thì đâu là lỗi của DN niêm yết, đâu là trách nhiệm của công ty kiểm toán? Theo các chuyên gia chứng khoán, ở đây cần rõ ràng, việc lập báo cáo tài chính là trách nhiệm của DN. Trách nhiệm của kiểm toán là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính dựa trên kết quả kiểm toán. Cho nên kiểm toán chỉ có trách nhiệm với phần ý kiến của họ trên báo cáo tài chính của DN.
Hệ lụy đặt ra
Thao túng báo cáo tài chính đang diễn ra đáng quan ngại và nó gây nên nhiều hệ lụy trực tiếp thị trường chứng khoán và niềm tin của nhà đầu tư. Có hai nhóm nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư nước ngoài. Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, xét về thực chất họ chẳng có quyền gì ngoài quyền mua và bán cổ phiếu, hoạt động chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông không đáng kể.
Còn với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều khi họ không thông thạo thị trường, do bị rào cản ngôn ngữ, các quy định pháp lý. Việc thao túng báo cáo tài chính ảnh hưởng đến quyền lợi của họ ngay. Có trường hợp nhà đầu tư “cháy” tài khoản vì DN công bố thông tin gian lận dẫn đến giá cổ phiếu sập sàn nhiều phiên, nhưng nhà đầu tư không bán được.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn chú trọng bảo vệ hai nhóm nhà đầu tư trên, đặc biệt là trước các rủi ro về gian lận báo cáo tài chính. Không bảo vệ tốt nhà đầu tư nhỏ, thì ảnh hưởng đến tính đa dạng của thị trường.
Với nhà đầu tư nước ngoài, khi vào một quốc gia đầu tư, thì họ hiểu rằng quyền lợi của họ được bảo vệ như thế nào. Nếu không hiểu được vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.
Muốn giảm thiểu hành vi thao túng báo cáo tài chính, theo các chuyên gia chứng khoán, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tối ưu cấu trúc quản trị công ty, tăng cường chất lượng kiểm toán, với các doanh nghiệp niêm yết việc chuyển đổi sang áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là thiết yếu. Nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình phương pháp tốt nhất trong việc phát hiện ra các hành vi thao túng báo cáo tài chính, từ đó thực thi quyền giám sát các công ty niêm yết trên thị trường…