"Thâu tóm" doanh nghiệp Việt hậu COVID-19: Nguy và cơ
Đã đến lúc cần lựa chọn dòng vốn FDI để phục vụ cho các lĩnh vực thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước khi Việt Nam đang thiếu, chưa có, thay vì thu hút vốn FDI trên mọi lĩnh vực...
Dòng vốn FDI để phục vụ cho các lĩnh vực thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước khi Việt Nam đang thiếu, chưa có, thay vì thu hút vốn FDI trên mọi lĩnh vực như hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT về thu hút vốn FDI, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/4/2020) đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch chuyển tất yếu của dòng vốn
Dòng vốn FDI 4 tháng đầu năm sụt giảm là hệ quả tất yếu do dịch COVID-19. Tuy nhiên, kết quả này vẫn khả quan khi cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016 - 2018 và chỉ giảm nhẹ so với các nước trong khu vực.
Số dự án đăng ký mới vẫn chiếm phần lớn dòng vốn FDI. Cụ thể, có 984 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với 4 tháng đầu năm năm 2019.
Bên cạnh đó, có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt trên 3,07 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, dòng vốn FDI trong thời gian vừa qua tăng mạnh vào góp vốn, mua cổ phần. Cụ thể, có tới 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,7% giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể thấy, doanh nghiệp nước ngoài đang dần tăng mạnh đầu tư vào các doanh nghiệp nội (tăng 32,9%) hơn là đăng ký mới (giảm 9,1%).
Tại một số địa phương, dòng vốn này có sự chênh lệch lớn, như tại TP. HCM, dòng vốn FDI đăng ký mới chỉ là 369 dự án với gần 200 triệu USD, trong khi góp vốn và mua cổ phần là hơn 1 tỉ USD.
Thực tế, dòng vốn dịch chuyển từ đầu tư mới sang mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu. Từ năm 2018 đã có những ghi nhận chuyển biến rõ rệt. Năm 2019, hình thức đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng chiếm tỉ trọng lớn và tốc độ tăng nhanh.
Đáng chú ý, dòng vốn này tập trung chủ yếu vào các ngành, lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm 40,6% tổng vốn; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 508,2 triệu USD, chiếm 20,5%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 250,3 triệu USD, chiếm 10,1%; các ngành còn lại đạt 713 triệu USD, chiếm 28,8%.
Việc doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch dần từ đầu tư mới sang mua bán sáp nhập là hệ quả hiển nhiên của sức phát triển kinh tế nội tại.
Cụ thể, trên từng lĩnh vực từng là thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay cũng đã xuất hiện các “tay chơi” nội có đủ tiềm lực để cạnh tranh. Như đối với bán buôn, bán lẻ, sửa chửa xe máy, ô tô… hiện nay đang gồm VinCommerce của Masan, Bách hóa xanh của FPT hay những doanh nghiệp như VinFast, Thaco…
Điều này khiến cho hệ số sinh lời khi xây dựng một dự án mới của doanh nghiệp FDI là không cao, ít nhất là không còn tốt so với thời điểm trước đây.
Do đó, thay vì xây dựng mới, các doanh nghiệp này đã lựa chọn việc góp vốn, mua cổ phần, vừa tận dụng được cơ sở hạ tầng có sẵn của các doanh nghiệp góp vốn, lại hưởng được những cơ chế, chính sách ưu đãi.
Nguy cơ mất thị trường
Việc các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh vào góp vốn còn giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận được với hệ sinh thái doanh nghiệp ngoại, đảm bảo được sự cung ứng không đứt gãy trong chuỗi liên kết hàng hóa trên thế giới.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều lo ngại cho thị trường nội địa khi xuất hiện những doanh nghiệp nước ngoài thông qua các thương vụ M&A để chiếm lĩnh thị trường.
Trong vài năm qua, chúng ta đã nói nhiều về việc các doanh nghiệp Thái Lan chiếm lĩnh nhiều mảng thị trường tại Việt Nam, như ThaiBer mua lại Sabeco, Central Group mua lại Big C, hay C.P Group hiện đang chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam…
Đến nay, không thể phủ nhận việc nhiều ngành hàng, lĩnh vực trên thị trường Việt Nam đã thuộc về tay các doanh nghiệp nước ngoài. Hay nói chính xác hơn là không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại, khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi từ nghiên cứu sản xuất ban đầu thành gia công sản xuất.
Đáng chú ý hơn, những ngành hàng sản xuất này hiện nay trong nước đã có đủ tiềm năng, công nghệ để tự đứng ra làm, nhưng không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài với nguồn lực mạnh hơn rất nhiều.
Trong khi đó, nhiều ngành sản xuất trong nước hiện yếu, và thiếu cả về công nghệ lẫn nguồn vốn thì đang rất khó để thu hút vốn FDI như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, môi trường…
Do đó, đã đến lúc cần lựa chọn dòng vốn FDI để phục vụ cho các lĩnh vực thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước khi Việt Nam đang thiếu, chưa có, thay vì thu hút vốn FDI trên mọi lĩnh vực như hiện nay.
Doanh nghiệp FDI cần phải là những có thể lấp được những khoảng trống, phải tạo ra bứt phá cho sản xuất trong nước. Và đặc biệt, các doanh nghiệp FDI phải liên kết được với các doanh nghiệp trong nước để tạo ra sự kết nối cho tất các các doanh nghiệp cùng đi lên, cùng phát triển.