Thấy gì khi lãi suất huy động giảm sâu?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Những ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại lớn đã công bố giảm lãi suất huy động với mức giảm khá sâu. Động thái này phản ánh điều gì? Người dân gửi tiền tiết kiệm có nên lo ngại hay không?

Những ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại lớn đã công bố giảm lãi suất huy động với mức giảm khá sâu. Nguồn: internet
Những ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại lớn đã công bố giảm lãi suất huy động với mức giảm khá sâu. Nguồn: internet

Thông tin này thoạt đầu có thể khiến người gửi tiền tiết kiệm lo lắng, vì việc giảm lãi suất huy động được nhiều ngân hàng thương mại lớn đồng loạt công bố. Ví dụ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố đưa lãi suất huy động giảm từ 0,2 đến 0,6% cho từng kỳ hạn; Ngân hàng Nông nghiệåp và PTNN Việt Nam (Agribank) giảm từ 0,2 đến 0,7 %, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm từ 0,2 đến 0,4%... Thế nhưng, nếu phân tích kỹ, chỉ những món tiền gửi có kỳ hạn ngắn từ 1 đến 2 tháng mới bị giảm nhiều. Với các kỳ hạn dài trên 12 tháng đến 24 tháng, mức giảm không đáng kể, thậm chí có một số ngân hàng vẫn giữ nguyên. Động thái này cho thấy nhiều điều mừng hơn là lo.

Về phía người gửi tiền, những khoản gửi ngắn hạn đang từ mức lãi suất 5%, nay giảm về 4% hoặc 4,2%/năm có thể là một sự sụt giảm đáng kể, nhưng điều này chỉ áp dụng với những khoản gửi theo phương thức lĩnh lãi theo kỳ hạn, còn nếu tính lãi cuối kỳ, thì vẫn áp dụng mức lãi suất khá hấp dẫn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực ra người gửi tiền cũng không thiệt thòi nhiều nếu so sánh với lạm phát năm qua và kỳ vọng lạm phát trong năm nay. Năm 2014, lạm phát cả năm là 4%, năm nay, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu lạm phát không vượt quá 5%. Như vậy, với những khoản tiền gửi ngắn hạn vẫn có thể bảo toàn giá trị đồng tiền. Đối với người có tiền nhàn rỗi, nếu tính toán đúng và chia khoản tiền gửi thành nhiều kỳ hạn khác nhau thì vẫn bảo đảm lãi và đáp ứng được các nhu cầu tài chính cần thiết.

Về phía ngân hàng thương mại, việc giảm lãi suất huy động đang phản ánh ba thực tế đáng mừng. Thứ nhất, thanh khoản của các ngân hàng tiếp tục được củng cố, ngân hàng đang rủng rỉnh nguồn vốn huy động. Thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất huy động của kỳ hạn ngắn khá thấp nhưng tỷ trọng món gửi ngắn hạn vẫn chiếm đa số trong tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Thứ hai, các ngân hàng thương mại đang tích cực thực hiện lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Vì chỉ có hạ lãi suất đầu vào mới có điều kiện hạ lãi suất đầu ra. Với các khoản vay mới của doanh nghiệp và cả cá nhân, sẽ được hưởng lãi suất mới thấp hơn từ 1 đến 1,5%, tùy từng đối tượng khách hàng. Điều này có lợi lớn cho doanh nghiệp, và qua đó, tác động tốt đến nền kinh tế. Thứ ba, các ngân hàng thương mại đang tích cực tái cơ cấu tỷ trọng sử dụng nguồn vốn huy động theo hướng ưu tiên các món vay dài hơi để đáp ứng nhu cầu và chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ trước đến nay, do tỷ trọng vốn ngắn hạn luôn chiếm đa số trong nguồn vốn huy động, trong khi doanh nghiệp lại có nhu cầu cao về vốn trung và dài hạn, nên các ngân hàng thường phải co kéo để có được nguồn vốn cho vay theo chu kỳ luân chuyển vốn của sản xuất. Nay, hạ lãi suất của các kỳ hạn gửi ngắn, mà vẫn không làm suy giảm tổng nguồn vốn huy động, thì rõ ràng có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay trung, dài hạn. Điều này cũng thể hiện ở việc các ngân hàng thương mại đồng thời giảm lãi suất cho vay, từ 0,8 đến 1,2% (trong khi NHNN kêu gọi giảm từ 1 đến 1,5% đối với lãi suất đầu ra).

Đây là cố gắng lớn của các ngân hàng thương mại nhằm mục đích phục vụ ngày càng tốt hơn các nhu cầu về vốn của nền kinh tế, là việc làm tất yếu vì thời cơ đang tốt, các yếu tố tác động lạm phát đang bị kiềm chế và thực tế phục hồi của doanh nghiệp đang đòi hỏi tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, khi việc tham gia tại Cộng đồng kinh tế ASEAN đang đến gần, thách thức bắt nhịp và bảo đảm cạnh tranh của thị trường vốn ngày càng thêm gay gắt, khi doanh nghiệp Việt sắp phải đương đầu những thách thức mới trong cuộc hội nhập kinh tế khu vực. Đây mới chỉ là những động thái ban đầu trong lộ trình giảm lãi suất cho vay, mà NHNN đang thúc đẩy ngành ngân hàng thực hiện.