Thấy gì từ diễn biến lãi suất cho vay?
Lãi suất cho vay trung và dài hạn đã gắng gượng ở mức 9 - 11% trong nhiều tháng qua và khó có thể giảm theo chủ trương của Chính phủ. Một số ngân hàng lớn đã quyết định giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu năm nay, trong khi các ngân hàng nhỏ và vừa vẫn chưa có động thái về việc này. Đầu năm 2019 đã có 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khẳng định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay. Ảnh: Trần Việt
Thành công trong điều hành dù lãi suất chưa giảm
Chủ trương giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã được quán triệt ngay từ đầu năm 2018 tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và Công điện 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về công tác điều hành lãi suất trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9 - 11%/năm. Đây là mức lãi suất duy trì từ đầu năm 2018 đến giữa tháng 1 năm nay.
Kết quả điều hành lãi suất nêu trên đã nhận được đánh giá tích cực. Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, việc duy trì được lãi suất ở mức như vậy là quá thành công và đây là kết quả từ sự phối hợp điều hành của các cơ quan chức năng khác nhau. “VND giảm giá không đáng kể so với các đồng tiền khác, đặc biệt là so với USD. Bên cạnh đó, lạm phát có mức tăng vừa phải. Đây là những yếu tố góp phần kiềm chế lãi suất trong năm qua”, ông Tín nói.
Giữ được lãi suất ở mặt bằng như vậy cho thấy nỗ lực của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, song lại chưa đạt được kỳ vọng theo chủ trương giảm lãi suất. Chia sẻ quan điểm về diễn biến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nói: “Đúng là năm qua và tháng đầu năm nay, các ngân hàng có muốn cũng khó có thể giảm lãi suất cho vay bởi lãi suất huy động không giảm. Nếu cố tìm cách giảm, các ngân hàng có thể bị giảm lợi nhuận. Mặt khác, không ít ngân hàng vẫn ôm khối nợ xấu khá lớn, do đó, họ buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, khoản này cũng ăn mòn lợi nhuận nên mong muốn giảm lãi suất cho vay là bất khả thi”.
Ở đầu vào của nguồn vốn cho vay, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng và đạt mức tăng đáng kể cuối năm ngoái. Đây là lực cản lớn với nỗ lực kiềm chế giá vốn đầu ra trên thị trường. Đặc biệt, lãi suất huy động dài hạn của nhiều ngân hàng đã vọt trên mức 8%, trong khi lãi suất cho vay dài hạn vẫn gắng gượng ở ngưỡng 9 - 11% là điều tưởng như không thể.
Bình luận về điều này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất cho vay ngắn hạn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước là khá hợp lý với biên độ lợi nhuận khoảng 3%, còn lãi suất cho vay dài hạn 9 - 11% là chưa phù hợp lắm trong điều kiện hiện nay.
“Những khoản tín dụng cho bất động sản, cho các dự án BOT khó có mức lãi suất 9 - 11% bởi đây là dạng tín dụng có rủi ro cao. Mặt khác, những ngân hàng lớn với tiềm lực tài chính dồi dào có thể chấp nhận biên lợi nhuận thấp để cung ứng vốn trung và dài hạn ở mức vừa phải. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ và vừa, đặc biệt là các ngân hàng đang chật vật xử lý nợ xấu, thì khó có thể chấp nhận chịu thiệt”, ông Hiếu nói.
Ngân hàng nhỏ khó giảm lãi suất cho vay
Về định hướng điều hành lãi suất trong năm 2019, NHNN cho biết sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Trên thị trường, ngay từ đầu năm 2019, đã có 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khẳng định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay, trong khi các ngân hàng khác chưa hề có tín hiệu về việc này.
TS. Bùi Quang Tín phân tích: “Các ngân hàng nhỏ hẳn là khó giảm lãi suất, bởi vì họ phải huy động vốn đầu vào với chi phí lớn hơn, việc kiểm soát và xử lý nợ xấu cũng không dễ dàng, cơ chế quản trị điều hành không tốt bằng các ngân hàng lớn nên chi phí điều hành sẽ tốn kém hơn”.
Như vậy, về lý thuyết, các ngân hàng nhỏ có thể sẽ càng khó khăn hơn trong cuộc cạnh tranh cho vay vốn. Song thực tế trên thị trường hiện nay, theo ông Hiếu, ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn có các phân khúc khách hàng khác nhau. “Ngân hàng lớn thường chọn các doanh nghiệp lớn với năng lực tài chính và khả năng trả nợ cao hơn. Trong khi đó, đối tượng khách hàng của các ngân hàng nhỏ là các doanh nghiệp nhỏ hoặc những dự án không có khả năng chạm tới nguồn vốn vay của các ngân hàng lớn. Và cuộc chơi trên thị trường trong thời gian tới vẫn sẽ như vậy”, ông Hiếu nhấn mạnh.