Thế giới qua tỷ lệ %
(Tài chính) 2014 là năm của những kỷ lục, từ số lượng tỷ phú đến nhiệt độ cao nhất từ trước nay hay giá dầu giảm sốc. Những con số phần trăm dưới đây đã phản ánh rõ ràng nhất thế giới đã thay đổi như thế nào trong năm vừa qua.
100 - 200% là tỷ lệ tăng số vụ biểu tình lật đổ chính quyền trên thế giới so với năm 2013. Năm nay, các chính phủ như Thái Lan hay Burkina Faso đều đổ vỡ khi những người biểu tình đổ xuống đường phản đối chính quyền rầm rộ. Trong khi đó, ở Ukraine, người biểu tình cũng lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych, biến nước này trở thành một trong những điểm nóng nhức nhối của thế giới năm 2014.
19% là tỷ lệ tăng số lượng các tỷ phú trên khắp thế giới trong năm 2014 theo như bản danh sách các tỷ phú hàng năm của Forbes. Tính đến tháng 3 năm nay, có khoảng 1645 tỷ phú trên thế giới, trong đó 268 là người mới, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ khi Forbes bắt đầu thống kê số người giàu nhất thế giới từ năm 1987. Trong số các tỷ phú này, số nữ tỷ phú đã tăng lên 25%, mức tăng cao nhất từ trước tới nay mặc dù với 172 nữ tỷ phú, phái yếu vẫn chỉ chiến một phần khiêm tốn là 10% trong tổng danh sách chung.
15% là mức tăng dự kiến của việc lắp đặt các robot công nghiệp trên toàn thế giới kể từ năm ngoái. Năm nay tiếp tục đà phá kỷ lục của năm 2013 về số lượng robot công nghiệp được bán ra cao nhất, một phần là nhờ việc gia tăng tự động hóa trong sản xuất. Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới trong việc mua robot công nghiệp.
0,6%: là tỷ lệ tăng sản lượng lúa mỳ trên toàn thế giới kể từ năm ngoái. Tỷ lệ tăng nhỏ nhưng lại thể hiện một thực tế hoành tráng. Bởi theo Hội đồng Ngũ cốc Thế giới, tỷ lệ đó thể hiện mức tăng sản lượng lúa mỳ cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù vậy, Nga, một trong những nhà cung cấp lúa mỳ chính của thế giới, đã phải hạn chế xuất khẩu mặt hàng này do đồng nội tệ giảm dẫn đến giá lương thực và một số mặt hàng khác trong nội địa tăng cao.
1,2%: một tỷ lệ tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa cực lớn. Đó là mức chênh giúp nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ lần đầu tiên vào năm 2014, theo IMF. Như vậy là sau hàng thập kỷ, Mỹ buộc phải ngậm ngùi nhường chức quán quân về nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đất nước gấu trúc. IMF đã sử dụng công cụ sức mua tương đương để đo lường GDP của hai quốc gia để phân định. Tuy nhiên, nếu sử dụng các công cụ khác. Mỹ vẫn được coi đứng đầu thế giới về kinh tế trong ít nhất một thập kỷ nữa.
1.22 độ F: tuy không phải tính theo tỷ lệ % nhưng đây là con số mà nhiệt độ toàn cầu đã vượt qua mức trung bình của thế kỷ 20. Điều này đã khiến cho 2014 trở thành năm ấm nhất kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu đo nhiệt độ trái đất, nó cũng phá kỷ lục trước là 0,02 độ F được thiết lập năm 2010.
40% là tỷ lệ giảm giá dầu kỷ lục từ đỉnh 2014 hồi hè. Giá dầu hiện nay đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm rưỡi qua do nhu cầu toàn cầu giảm sút và nguồn cung năng lượng thay thế đang được mở rộng. Tờ Financial Times đã đánh giá, giá dầu giảm cho tới nay là cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu năm nay và những tác động của nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ kinh tế thông thường.