Thêm áp lực đối với mặt bằng lãi suất cho vay

Theo tapchithue.com.vn

Quý I/2016, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động. Điều này có thể kéo lãi suất cho vay gia tăng, gây áp lực đối với mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ các DN mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra từ đầu năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) ghi nhận, lãi suất liên ngân hàng quý I/2016 cao hơn so với cùng kỳ năm 2015; lãi suất huy động ngắn hạn biến động nhẹ ở kỳ hạn 6-12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng (phổ biến từ 7-8%/năm).

Trên thực tế, động thái tăng lãi suất huy động đã manh nha ngay từ cuối năm 2015. Cụ thể, trong tháng 12/2015, khoảng 11 ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm khoảng 0,1-0,5%/năm, kèm theo những khuyến mãi hấp dẫn. Sang tháng 1/2016, thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn hạn. Chưa dừng lại ở đó, 2 tháng còn lại của quý I/2016, một số ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy lãi suất huy động lên mức trên 8%/năm. Không chỉ các ngân hàng nhỏ, nhiều ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV cũng gia nhập làn sóng tăng lãi suất huy động. Đơn cử, Vietcombank đã tăng lãi suất huy động thêm 0,3-0,5%/năm, BIDV tăng thêm khoảng 0,3%/năm.

Trước động thái trên, các chuyên gia kinh tế đã tỏ ra quan ngại về tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, bởi tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động là 89,3%, tăng gần 1,4% so với cuối năm 2015 (thống kê của NHNN). Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), ông Bùi Quốc Dũng khẳng định, thanh khoản không phải là yếu tố gây áp lực lên lãi suất. Một số ngân hàng tăng lãi suất chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu SXKD.

Trong khi đó, báo cáo của NFSC chỉ rõ: Nguyên nhân chủ yếu đợt tăng lãi suất dài hạn do tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng trên 30%, đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng thương mại. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại tăng tỷ trọng huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn nhằm đón đầu trước quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN.

Theo NHNN, lãi suất huy động tăng cũng là tín hiệu cho thấy sự gia tăng nhu cầu vay vốn của người dân và DN. Việc các ngân hàng tăng mức lãi suất dài hạn lên trên 8%/năm là không vi phạm quy định. Mặc dù lãi suất huy động có chiều hướng tăng lên nhưng chỉ mang tính thời điểm và chưa gây sức ép đối với lãi suất cho vay.

Ở thời điểm hiện tại, có thể thấy, lãi suất cho vay vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, không ít DN vẫn tỏ ra lo ngại, thời gian tới, nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, thì nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng theo bởi các ngân hàng cũng cần đảm bảo lợi nhuận để duy trì hoạt động. Điều này sẽ gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để mở rộng hoạt động SXKD.

Đồng cảm với DN, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, trong ngắn hạn, có thể việc tăng lãi suất huy động chưa tác động đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong những hợp đồng tín dụng, các ngân hàng thường có quy định điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng hay 6 tháng. Đến thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay được quy định trong các hợp đồng tín dụng có thể tăng lên. Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cũng bày tỏ quan ngại: “Với mức lãi suất được dự báo sẽ tăng lên so với mặt bằng năm 2015, liệu DN vẫn có thể mở rộng SXKD như năm trước?”.

Mặc dù ngay từ đầu năm 2016, định hướng chung trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN là cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2015, trong điều kiện cho phép có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống thêm khoảng 0,3-0,5%/năm để hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tài chính ngân hàng cũng như nhiều công ty chứng khoán, nền kinh tế khởi sắc, nhu cầu về tín dụng gia tăng thì khả năng giảm lãi suất là khó.