Thêm nhiều cải cách thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
(Tài chính) Ngày 01/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thuế. Ngay sau đó, ngày 10/10/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định trên. Để hiểu rõ những quy định sửa đổi, bổ sung và những hướng dẫn, bài viết phân tích những điểm mới tại hai văn bản pháp quy quan trọng này.
Những đổi mới quan trọng của Nghị định
Thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính thuế đến năm 2015, sau nhiều động thái chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ từ Chính phủ, Bộ Tài chính, chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều được cộng đồng doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) ghi nhận trước tiên là những thay đổi từ quy định pháp luật. Đó là một nghị định sửa nhiều nghị định, một thông tư sửa đổi nhiều thông tư. Điển hình, đầu tháng 10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, 4 Nghị định quy định về quản lý thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN); Thông tư 119/2014/ TT-BTC sửa đổi 7 thông tư liên quan. Không dừng lại ở đó, ngay sau khi Nghị định 91/2014/NĐ-CP được ban hanh Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này.
Một trong những quy định mới nhận được sự đồng tình cao của cộng đồng DN tại Nghị định 91/2014/ NĐ-CP là sự đổi mới trong kê khai thuế GTGT. DN được hưởng lợi trực tiếp khi Chính phủ cho phép chuyển khai thuế GTGT từ tháng sang quý. Như vậy, số lần khai thuế GTGT từ 12 lần/năm như trước đây, đã giảm xuống còn 4 lần/năm đối với NNT có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống. Chính phủ cũng quyết định bỏ quy định về khai thuế TNDN theo quý mà chỉ cần thực hiện khai quyết toán năm. Như vậy, số lần khai thuế TNDN cũng đã giảm xuống còn 1 lần/ năm. Nghị định mới cũng bổ sung quy định về đối tượng được áp dụng biện pháp ưu tiên trong quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cùng với những đổi mới trên, Nghị định 91/2014/NĐ-CP còn tạo ra các điểm nhấn mạnh mẽ về cải cách ở các lĩnh vưc như:
Thứ nhất, miễn thuế tối đa 3 năm đối với thu nhập thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ. Nếu như trước đây, thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là một năm thì với quy định mới, Chính phủ quy định ưu đãi tối đa là 3 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Mặt khác, Nghị định cũng bổ sung quy định miễn thuế thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam tối đa không quá 5 năm kể từ ngày có doanh thu từ bán sản phẩm, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm. Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi này phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ hai, miễn, giảm thuế liên quan đến các dự án đầu tư. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới theo quy định và thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện - kinh tế xã hội thuận lợi). Theo quy định mới bổ sung, địa bàn có điều kiện - kinh tế xã hội thuận lợi là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các độ thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 1/1/2009. Trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa.
Thứ ba, về thu nhập miễn thuế: Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng chính sách xã hội; thu nhập của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; thu nhập từ hoạt động có thu do thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của các quỹ tài chính Nhà nước: Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, Quỹ Bảo hiểm Y tế, Quỹ Hỗ trợ học nghề, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam, Quỹ Viễn thông công ích, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân tại nước ngoài, Quỹ Phát triển nhà, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Quỹ Phát triển đất và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quyết định thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, người nộp thuế thực hiện tạm nộp số thuế TNDN của quý chậm nhất vào ngày ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Đối với những DN phải lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào báo cáo tài chính quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế TNDN tạm nộp hàng quý. Đối với những DN không phải lập báo cáo tài chính quý thì DN căn cứ vào số thuế TNDN của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để xác định số thuế TNDN tạm nộp hàng quý. Trường hợp tổng số bốn lần tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán thì DN phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý bốn của DN đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán
Thứ tư, gia hạn nộp thuế tối đa 2 năm. Nghị định cũng sửa đổi quy định thời gian gia hạn nộp thuế tại Nghị định số 83/2013/NĐ-CP. Theo đó, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước. Số thuế được gia hạn đối với trường hợp chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán NSNN không vượt quá số tiền NSNN còn nợ. Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh; không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chu kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày; các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác…
Hướng dẫn cụ thể của Thông tư
Ngày 10/10, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP với những sửa đổi, bổ sung rất đáng quan tâm sau:
Về thuế thu nhập doanh nghiệp:
Theo quy định hướng dẫn của Thông tư 151/2014/ TT-BTC, DN được phép bổ sung khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN.
Bộ Tài chính cũng quy định, chênh lệch do đánh giá tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình DN trong trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ không được xem là thu nhập chịu thuế. Đồng thời, cho phép tăng thời gian được miễn thuế đối với thu nhập từ “hợp đồng công nghệ” và “sản phẩm công nghệ mới”, cụ thể: Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng và tối đa không quá 3 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thu nhập từ bán sán phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam được miễn thuế tối đa không quá 5 năm.
Về thuế giá trị gia tăng:
Về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào, Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định, thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả thuế GTGT đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này và thuế GTGT đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa trong các trường hợp sau đây không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành: Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh; tài sản cố định, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo; tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.
Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.
Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định, đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá, dịch vụ mua từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hoá, dịch vụ bằng văn bản, hoá đơn GTGT và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Về chênh lệch do đánh giá lại tài sản để góp vốn, để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN, được xác định: Chênh lệch tăng hoặc giảm do đánh giá lại tài sản là phần chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản ghi trên sổ sách kế toán và tính một lần vào thu nhập khác (đối với chênh lệch tăng) hoặc giảm trừ thu nhập khác (đối với chênh lệch giảm) trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại DN có tài sản đánh giá lại. Chênh lệch tăng hoặc giảm do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất (SDĐ) để: góp vốn khi DN nhận giá trị quyền SDĐ được phân bổ dần giá trị đất vào chi phí được trừ, điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN, góp vốn vào các dự án đầu tư xây dựng nhà, hạ tầng để bán tính 01 lần vào thu nhập khác (đối với chênh lệch tăng) hoặc giảm trừ thu nhập khác (đối với chênh lệch giảm) trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại DN có quyền SDĐ đánh giá lại. Riêng chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị quyền SDĐ góp vốn vào DN để hình thành tài sản cố định thực hiện sản xuất kinh doanh mà DN nhận giá trị quyền SDĐ không được trích khấu hao và không được phân bổ dần giá trị đất vào chi phí được trừ thì phần chênh lệch này được tính dần vào thu nhập khác của DN có quyền SDĐ đánh giá lại trong thời gian tối đa không quá 10 năm bắt đầu từ năm giá trị quyền SDĐ được đem góp vốn. Trường hợp sau khi góp vốn, DN tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn góp bằng giá trị quyền SDĐ thì thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp bằng giá trị quyền SDĐ phải tính và kê khai nộp thuế theo thu nhập chuyển nhượng bất động sản. DN nhận tài sản góp vốn, nhận tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN được trích khấu hao hoặc phân bổ dần vào chi phí theo giá đánh giá lại...
Như vậy, cùng với việc ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC (thay thế 7 Thông tư trước đó) Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Thông tư 151/2014/ TT-BTC mới được ban hành và có hiệu lực từ 15/11/2014 không chỉ cải cách mạnh mẽ về quản lý mà còn giảm được gần 290 giờ DN nộp thuế, vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao là giảm 200giờ vào năm 2014.