Thêm nhiều lực đẩy hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025” đảm bảo nguyên tắc quy định; đồng thời, chủ trì xem xét bố trí dự toán NSNN hàng năm để thực hiện Chương trình theo quy định của Luật NSNN.
Với mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, ngày 8/2/2022 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025”.
Theo đó, Chương trình sẽ triển khai thực hiện 3 hoạt động chính: Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; hoạt động quản lý Chương trình.
Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững.
Hỗ trợ phát triển tối thiếu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm. Hình thành cơ sở dữ liệu và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Xây dựng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững thành công điển hình để lan tỏa, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững; thu hút các nguồn lực hợp pháp, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp để triển khai các sáng kiến hướng tới kinh doanh bền vững.
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm kinh phí đóng góp, tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình, các Quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài để thực hiện Chương trình.
Kinh phí ngân sách nhà nước cả Trung ương và địa phương (vốn chi thường xuyên) sẽ hỗ trợ một phần cho các hoạt động như: tổ chức xây dựng tài liệu, phổ biến thông tin, truyền thông; bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác hỗ trợ, quản lý về kinh doanh bền vững; xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm.
Các hoạt động xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình triển khai Chương trình, xây dựng khung đánh giá, giám sát Chương trình và hoạt động tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm được sử dụng không quá 10% tổng kinh phí NSNN hỗ trợ thực hiện Chương trình. Các hoạt động khác sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Về ngân sách Trung ương bố trí cho các hoạt động của Chương trình do các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện. Ngân sách địa phương bố trí cho Chương trình do các địa phương thực hiện.