Thêm quy định sử dụng đất công nghiệp trong nội đô vào Luật Đất đai

Theo Ban Mai/enternews.vn

Để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, yêu cầu đặt ra với TP. Hà Nội lúc này cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng.

Cần sớm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành.
Cần sớm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành.

Việc di dời trụ sở các bộ, ngành, nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô được đặt ra từ nhiều năm qua và đã trở thành yêu cầu bức thiết, nhất là trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật khu vực này đang chịu sức ép quá tải.

Chây ỳ di dời

Chính phủ cũng đã có quyết định về sử dụng quỹ đất sau khi di dời, ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe... Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án di dời vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo các chuyên gia, giai đoạn trước đây khi Hà Nội chưa mở rộng, trên địa bàn thành phố có nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch cách nội thành Hà Nội khoảng 25 - 35 km.

Cụ thể, phía tây Hà Nội có Khu công nghiệp Thượng Đình; phía nam là Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Minh Khai; phía tây bắc có Khu công nghiệp Chèm; phía đông bắc (bên kia sông Hồng) có các nhà máy xe lửa Gia Lâm, các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Yên Viên...

Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của đô thị, những khu công nghiệp này nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm và hạn chế, trong đó có nhiều khu công nghiệp nằm ở vùng lõi trung tâm bắt đầu gây ô nhiễm nặng nề.

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra.

Năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Trong đó có nhà máy Dệt kim Đông Xuân ở đường Minh Khai (phường Vĩnh Tuy), Nhà máy sản xuất thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân), Công ty CP thương mại Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình), Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường có địa chỉ 460 Trần Quý Cáp, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân)…

Song, đến nay nhiều cơ sở sở hữu quỹ đất lớn nằm trong danh sách cần di chuyển gấp nhưng vẫn chây ỳ. 

Sử dụng quỹ đất chưa hiệu quả

Mới đây, tại Kết quả giám sát của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô cũng nêu rõ, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học... còn chưa đạt hiệu quả.

Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng. Tuy nhiên, thực tế hàng loạt chung cư cao tầng được xây dựng trên nền các khu đất này.

Trên đường Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp nhẹ như Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội... nhưng đã được thay thế bởi hơn 20 tòa nhà chung cư cao tầng, tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại...

Đoàn giám sát đánh giá, qua 5 năm thi hành Luật Thủ đô, việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghề nghiệp ra khỏi nội thành còn nhiều bất cập, chậm được triển khai; việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch đối với một số loại công trình công cộng trong khu vực nội thành chưa đồng bộ; Công tác giám sát việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị trên địa bàn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền TP. Hà Nội phải khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch, di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.

Nói về thực trạng này, KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, yêu cầu đặt ra với thành phố lúc này cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.

"Việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn" - KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.