Thị phần - Mối quan ngại của ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh với Fintech


Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Fintech lên ngành dịch vụ tài chính ngân hàng, các ngân hàng Việt Nam đã tích cực tìm giải pháp để chủ động, linh hoạt ứng phó với những tình thế mới. Trong tình huống này thì hợp tác, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và triển khai Fintech là giải pháp thích hợp cho các ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị phần và tầm quan trọng của thị phần

Thị phần (market share) là phần thị trường tiêu thụ một sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang chiếm lĩnh. Có nhiều loại thị phần khác nhau.

Thị phần có thể là giá trị hoặc khối lượng. Thị phần có thể được tính bằng doanh số bán hàng của doanh nghiệp/tổng doanh số của thị trường hoặc số sản phẩm doanh nghiệp bán ra/tổng số sản phẩm thị trường tiêu thụ. Nói một cách dễ hiểu thì đây chính là sự phân chia thị trường giữa các doanh nghiệp cùng ngành với nhau.

Về bản chất, thị phần chính là tỷ lệ phần trăm người tiêu dùng mà một công ty đã chiếm được từ thị trường cụ thể - lượng khách hàng của công ty. Cũng có thể gọi là thị phần khách hàng. Bởi không ai khác, chính khách hàng là những người đã đem lại doanh số tiêu thụ sản phẩm cho công ty, đó là số sản phẩm được tiêu thụ, là doanh thu bán hàng...

Thị phần có thể được chia thành các loại rất cụ thể để cho một công ty biết họ có lợi thế cạnh tranh ở thị trường nào. Trong kinh doanh ngân hàng, thị phần có thể chia theo các nghiệp vụ kinh doanh khác nhau: thị phần tín dụng, thị phần tiền gửi, thị phần thẻ…; trong mỗi nghiệp vụ lại phân chia chi tiết hơn, ví dụ thị phần tín dụng có thể chia nhỏ thành thị phần cho vay khách hàng cá nhân, thị phần cho vay doanh nghiệp…

Ví dụ năm 2018, BIDV dẫn đầu trong phân khúc cho vay khách hàng cá nhân với thị phần là 13%; đứng thứ hai là Vietcombank với thị phần là 10% và VietinBank thứ ba với thị phần là 9%; nhưng Vietcombank lại dẫn đầu thị trường về huy động vốn không kỳ hạn, với 22% thị phần; về thu phí dịch vụ 3 ngân hàng đồng dẫn đầu thị trường cùng với 11% thị phần là BIDV; Vietcombank và Techcombank. [1]

Mặc dù thị phần khách hàng không cho nhà lãnh đạo doanh nghiệp biết bất cứ điều gì về tình hình tài chính của công ty, nhưng việc biết phần trăm thị phần khách hàng của công ty sẽ cho biết về quy mô và khả năng cạnh tranh so với đối thủ.

Có thể nói, thị phần chính là thước đo để đánh giá thành công của một doanh nghiệp, chiếm được nhiều thị phần trên thị trường thì chứng tỏ họ thành công.

Dĩ nhiên, thị phần không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, nhưng dù sao vẫn là một tiêu chí cực kỳ quan trọng, không thể bỏ qua. Thị phần cũng có quan hệ mật thiết với sức mạnh thị trường, doanh nghiệp có số thị phần khách hàng lớn chứng tỏ sức mạnh thị trường của doanh nghiệp đó cũng rất lớn.

Một công ty dẫn đầu thị trường - như được xác định bởi thị phần của nó - cũng phải mở rộng thị trường để tăng trưởng cho chính mình. Việc chiếm được thị phần cao mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, ví dụ như: giúp chiếm được ưu thế lớn về các kênh phân phối; thúc đẩy doanh số tăng cao; tăng lợi nhuận thu được…

Thị phần còn là thước đo mức độ ưa thích của người tiêu dùng đối với một sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại khác. Thị phần cao hơn thường có nghĩa là doanh số bán hàng lớn hơn và là rào cản gia nhập mạnh mẽ với các đối thủ cạnh tranh khác.

Fintech và thị phần kinh doanh của ngân hàng

Hoạt động kinh doanh ngân hàng đã có từ rất lâu. Nói đến hoạt động kinh doanh ngân hàng thì phải nói đến những hoạt động mang tính nghiệp vụ của những ngân hàng cụ thể, có cơ sở vật chất mà người ta có thể nhìn thấy sự hiện hữu của nó.

Ngân hàng nào có nhiều chi nhánh, nhiều địa điểm giao dịch được coi là đã đem lại tiện lợi cho khách hàng và có thị phần lớn trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng luôn có một đội ngũ nhân viên đông đảo. Để có thể thực hiện được một giao dịch với ngân hàng, từ việc gửi tiền đến đi vay hay thanh toán đều cần thiết phải có thủ tục giấy tờ gắn liền.

Thời gian giao dịch cũng phải là giờ hành chính và hầu hết các giao dịch đều cần có sự hiện diện của các hai bên - ngân hàng và khách hàng. Quan điểm này đang dần bị thay thế bởi sự ra đời và phát triển của Fintech.

Vậy Fintech là gì? Phải chăng Fintech đang thực hiện kinh doanh ngân hàng - lấn chiếm thị phần của ngân hàng?

Fintech - viết tắt của từ công nghệ tài chính “financial technology” - là một thuật ngữ bao trùm cho bất kỳ loại đổi mới công nghệ nào được sử dụng để hỗ trợ hoặc cung cấp các dịch vụ tài chính. [2]

Với sự linh hoạt trong hoạt động và giải pháp công nghệ có tính đột phá, các công ty Fintech đã thổi luồng gió mới vào hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng khi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hướng tới việc nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng.

Fintech với những lợi thế về tốc độ, đơn giản, hiệu quả, tôn trọng quyền riêng tư và tiềm năng đã cho phép chia sẻ với khách hàng nhiều hơn, trao cho họ quyền kiểm soát và quyết định trong các giao dịch tài chính và các hoạt động đầu tư.

Thực sự cho đến nay, sự phát triển của Fintech đã và đang lấn dần “sân chơi”- thị phần của các ngân hàng. Các công ty Fintech lấy công nghệ làm cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của họ. 

Điều này dẫn đến nhiều thay đổi trong lĩnh vực tài chính, làm phát sinh một loạt các mô hình kinh doanh, ứng dụng và quy trình giao dịch sản phẩm mới. Đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ thanh toán, tín dụng và tư vấn đầu tư tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn hoặc blockchain…

Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống đã được Fintech nâng cấp lên một tầm mới. Chẳng hạn như Revolut, cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng.

Revolut là một thẻ Mastercard bằng nhựa, trên đó một tài khoản được ghi không phải bằng một mà bằng ba loại tiền tệ cùng một lúc: đô la Mỹ, Euro, bảng Anh có thể được tự do trao đổi với nhau với tỷ giá ưu đãi nhất trong nội bộ ngân hàng. Đồng thời, khách hàng có thể quản lý tiền trên thẻ bằng ứng dụng dựa trên Android hoặc IOS. Ứng dụng có thể hoạt động (gửi chuyển khoản) với 23 loại tiền tệ. Trong tương lai, hứa hẹn sẽ bổ sung các loại tiền tệ khác. [3]

Một số công ty Fintech nhận nhiệm vụ chuyển tiền ra nước ngoài. Trước đây, điều này chỉ có ở ngân hàng. TransferWise là dịch vụ chuyển tiền mới nổi. Dự án cung cấp mức giá thấp mang tính cách mạng cho chuyển khoản quốc tế; ví dụ: sử dụng dịch vụ, có thể chuyển khoản với chi phí 1 Euro. Ở một số điểm đến, TransferWise đã cạnh tranh với Western Union.

TransferWise chuyển hơn 735 triệu đô la mỗi tháng và có hơn 1 triệu người dùng. Cũng có những nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tự hoạt động mà không có sự tham gia của ngân hàng. Ví dụ như Stripe, một công ty trị giá 5 tỷ đô la Mỹ, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc và hầu hết các nước Tây Âu.

Sử dụng tài khoản Stripe, khách hàng có thể liên kết thẻ ngân hàng để thanh toán mà không cần chờ xử lý thanh toán trên bất kỳ trang web nào. Điều này thuận tiện cho cả người mua và người bán - đại diện của Stripe nói rằng cứ hai người dùng Internet ở Hoa Kỳ thì có một người đã thực hiện thanh toán trực tuyến bằng hệ thống của họ. [3]

Với dịch vụ tín dụng P2P, để thực hiện thanh toán P2P từ tài khoản ở ngân hàng khác, người dùng không cần phải đến ngân hàng của mình, mà chỉ cần sử dụng một trong các trang web hoặc ứng dụng di động.

Cho vay P2P cũng đang phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh, có nhiều khả năng thay thế cho vay truyền thống. Các công ty Fintech cũng đi trước các ngân hàng trong các ngành khác: thanh toán vi mô, hợp tác với các doanh nghiệp blockchain và các công ty khởi nghiệp tiền điện tử....

Một kỳ tích khác nữa là sự xuất hiện của NeoBank. NeoBank là ngân hàng không có các chi nhánh và các giao dịch được thực hiện thông qua các trang web và ứng dụng di động. Đây chính là sản phẩm của Fintech, một minh chứng điển hình là Fintech đang không chỉ đơn thuần thực hiện một phần các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Atom là một NeoBank ở Anh, có giấy phép hoạt động ngân hàng. Đây là ngân hàng không có chi nhánh, mọi thứ đều dựa trên hoạt động của ứng dụng di động dành cho iPhone hoặc Android. Để nhận dạng khách hàng, nhận dạng khuôn mặt và giọng nói được sử dụng thay vì ID đăng nhập và mật khẩu không an toàn.

Cả người sáng lập và khách hàng của ngân hàng đều thấy rằng việc chụp ảnh tự sướng hoặc đọc to một cụm từ thuận tiện hơn nhiều so với việc quan tâm đến sự an toàn của mật khẩu. Năm 2016, ngân hàng này lọt vào danh sách 10 công ty Fintech hàng đầu ở Anh. Atom còn có nhiều chương trình khác nhau dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến tháng 4/2016, Atom có ​​tổng cộng 110 triệu bảng Anh trong tài khoản khách hàng.

Một dự án khác của Anh, Monzo Bank Ltd, được thành lập vào năm 2015, là đối thủ cạnh tranh với Atom. Monzo cung cấp thẻ trả trước - loại thẻ không cần mở tài khoản ngân hàng, giống như SIM điện thoại, nạp tiền vào thẻ và chi tiêu - và các dịch vụ tài chính khác.

Khách hàng có quyền truy cập vào bất kỳ hoạt động nào của ngân hàng thông qua một thiết bị dựa trên Android hoặc IOS. Đây là một trong số ít ngân hàng cung cấp quyền truy cập vào API của họ. Với Monzo Bank sổ séc và các văn phòng hiện có là những phương thức lỗi thời cần phải loại bỏ.

Một trong những NeoBank đầu tiên của Nga được coi là Ngân hàng Tinkoff, do doanh nhân người Nga Oleg Tinkov tạo ra vào năm 2006 trên cơ sở Ngân hàng Khimmash mà ông đã mua. Là ngân hàng số, không có bất kỳ chi nhánh nào và tất cả các dịch vụ khách hàng được thực hiện thông qua các kênh liên lạc điện tử.

Trong vòng chưa đầy 5 năm, giá trị của ngân hàng đã tăng gấp 7 lần. Hiện tại, Ngân hàng Tinkoff phục vụ hơn 4 triệu khách hàng Nga. Tính đến ngày 1/4/2016, hơn 5,8 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành, chiếm 9,7% tổng khối lượng của thị trường Nga. Vào ngày 22/2/2017, cơ quan Moody’s đã nâng xếp hạng của ngân hàng này từ B2 lên B1. [3]

Một NeoBank khác của Nga - Modulbank. Modulbank hợp tác độc quyền với các doanh nhân, cung cấp nhiều giải pháp khác nhau cho các doanh nghiệp nhỏ và cửa hàng bán lẻ. Modulbank không có chi nhánh, dịch vụ khách hàng được cung cấp thông qua trang web của công ty và các ứng dụng di động. Và nhiều NeoBank khác, như: Moven (Mỹ); WeBank (Trung Quốc); Mybank (Trung Quốc); Ngân hàng Fidor (Đức); Ngân hàng Starling (Anh)… [3]

Rõ ràng, Fintech không chỉ đang “lấn sân” các ngân hàng mà còn đang thay đổi diện mạo ngành tài chính - ngân hàng. Theo một khảo sát của PwC trong báo cáo Fintech toàn cầu năm 2017, tỷ lệ khách hàng sẵn sàng hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán chiếm 84%, ngân hàng điện tử chiếm 68%, tài chính cá nhân là 60%, cho vay cá nhân chiếm 56%, tiếp theo đó là tiết kiệm, bảo hiểm và quản lý tài sản. [4]

Tóm lại Fintech đã làm thay đổi các sản phẩm dịch vụ tài chính và kênh phân phối, định hình lại nhu cầu thị trường và thị phần cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng.

Theo khảo sát của PwC trong báo cáo Fintech toàn cầu năm 2017 đại đa số (88%) chuyên gia tham gia khảo sát cho biết rằng họ lo lắng một phần hoạt động kinh doanh của họ đang có nguy cơ đối với các công ty Fintech độc lập. Doanh nghiệp của họ gặp rủi ro là do sự phát triển của Fintech và đã tăng lên ước tính 24% doanh thu. [4]

Hướng đến mục tiêu duy trì và mở rộng thị phần - Sự nỗ lực thay đổi của các ngân hàng Việt Nam

Fintech trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã thay đổi công nghệ và kỳ vọng của khách hàng, bằng sự kết nối người cho vay với người đi vay, thanh toán hóa đơn bằng một ứng dụng trên smartphone, quản lý danh mục đầu tư bằng robot tự động...

Fintech làm cho các ngân hàng ngày càng khó khăn trong việc duy trì các mô hình hoạt động hiện tại của họ. Rõ ràng, mất thị phần trong cạnh tranh với Fintech là một thách thức và là mối quan ngại của ngành Ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ sự phát triển của Fintech buộc ngân hàng phải đối đầu, phải thay đổi để phát triển, để mở rộng thị phần thì đó lại là cơ hội mà Fintech đem lại, bởi lẽ muốn tồn tại thì không thể không thay đổi.

Fintech đã phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, số lượng các công ty Fintech từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 đã tăng lên 150 công ty vào tháng 6/2020. Trong đó 34 công ty là các tổ chức trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép và 40 công ty trong lĩnh vực P2P lending.

Năm 2019, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech Việt Nam lên tới 400 triệu USD, là nước thứ hai tại ASEAN sau Singapore  trong thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm 36% tổng vốn đầu tư Fintech của cả khu vực. [5]

Cũng như các định chế tài chính khắp thế giới, các định chế tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng nhận định rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng ngày càng lớn của Fintech trong hoạt động kinh doanh tài chính ngân hàng.

Có tới 87,5% chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng cho rằng “Sự trỗi dậy của các công ty Fintech đang là thách thức với đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung”. [6]

Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Fintech lên ngành dịch vụ tài chính ngân hàng, các ngân hàng Việt Nam đã tích cực tìm giải pháp để chủ động, linh hoạt ứng phó với những tình thế mới. Một số ngân hàng sử dụng sức mạnh thương hiệu và công nghệ để tự mình thử nghiệm với Fintech.

Bên cạnh việc triển khai ứng dụng các công nghệ số của các ngân hàng như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng, các ngân hàng Việt Nam đã nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ các công nghệ mới vào sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị.

Có nhiều ngân hàng đã sở hữu chuỗi sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ nổi bật như Trung tâm dữ liệu mới Data Center; Chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS; Hệ thống ERP tài chính; Hệ thống iServices - Intelligent Services Processing chạy trên máy tính bảng. Hiện tại, hầu hết kênh phân phối, tiếp cận người tiêu dùng được các ngân hàng sử dụng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội.

Hệ thống internet banking, mobile banking… đã và đang được hoàn thiện ở hầu hết các ngân hàng. Số lượng giao dịch tài chính ngân hàng qua kênh internet tại Việt Nam năm 2019 đạt hơn 200 triệu lượt, với doanh số trị giá hơn 10 triệu tỷ đồng [7].

Đến tháng 10/2020, giao dịch thanh toán qua internet tăng 8,3% về số lượng giao dịch và tăng 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019; số lượng giao dịch qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị gần 9,6 triệu tỷ đồng tăng tương ứng 123,9% và 125,4% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019 [8].

Việc NHNN cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) chính thức triển khai phương thức định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) để mở tài khoản từ xa cho khách hàng từ ngày 5/3/2021 cũng là minh chứng cho sự thay đổi của ngân hàng Việt.

Nhờ ứng dụng công nghệ này mà các ngân hàng hiểu rõ hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Các NHTM đang làm mới hơn, tốt hơn các dịch vụ ngân hàng, cải thiện các quy trình để cung cấp dịch vụ cho khách hàng được nhanh hơn, kịp thời hơn và yên tâm hơn.

Như phát hành thẻ thanh toán quốc tế trong vòng 5 phút của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Với dịch vụ này, chỉ 5 phút sau khi đăng ký mở thẻ thành công tại quầy, khách hàng nhận ngay thẻ thanh toán để bắt đầu giao dịch và tận hưởng ưu đãi hoàn tiền không giới hạn đến 2% cho mọi chi tiêu [9].

Hay việc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho phép mở tài khoản trùng số điện thoại của khách hàng từ tháng 3/2021 cũng là một cách cải tiến dịch vụ đáng ghi nhận để thoả mãn nhu cầu về sở thích và sự tiện lợi của khách hàng.

Có thể nói, sự cố gắng của các NHTM Việt Nam thời gian qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên, mọi việc không đơn giản, đặc biệt là rất khó để các ngân hàng có thể tích hợp công nghệ mới vào hệ thống máy tính cũ.

Theo CEO của một công ty Fintech ở Mỹ Latinh thì “Các tổ chức tài chính truyền thống quá chậm chạp trong việc triển khai mọi thứ. Đối với một công ty khởi nghiệp, không mất nhiều thời gian để thích ứng với hoàn cảnh mới và thay đổi cho phù hợp.” [10].

Một vài gợi ý

Trong hoàn cảnh mà việc bứt phá để vượt lên, giành lại và mở rộng thị phần không phải dễ dàng với các ngân hàng truyền thống của Việt Nam thì hợp tác, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và triển khai Fintech là giải pháp thích hợp cho các ngân hàng.

Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa đang tạo điều kiện cho người dân Việt Nam làm quen hơn với việc thanh toán không dùng tiền mặt và chấp nhận sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích, dịch vụ thanh toán trên các thiết bị di động - điều này cho thấy Việt Nam có môi trường khá thuận lợi cho việc triển khai và ứng dụng Fintech. Sau đây là một vài gợi ý xoay quanh vấn đề triển khai và ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Cởi nút thắt về vốn

Dù phương án triển khai và ứng dụng Fintech như thế nào - đầu tư mạo hiểm hay mua bán sáp nhập thì vốn vẫn là điều kiện tiên quyết cho sự thành công. Vốn để triển khai, ứng dụng Fintech không hề nhỏ.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, ngân sách chung cho công nghệ trong các ngân hàng trên toàn thế giới tăng trung bình 5-6%/năm. Tổng chi phí cho công nghệ thông tin của các ngân hàng trên toàn cầu đã vượt 430 tỉ đô la năm 2016 và dự kiến sẽ lên trên 500 tỉ vào năm 2020 [11] [12].

Bên cạnh nguồn huy động trong nước thì thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng tầm phát triển của Fintech Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng là rất quan trọng.

Nâng cao chất lượng quản lý bộ dữ liệu

Bộ dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá và vô cùng quan trọng của mỗi doanh nghiệp nói chung và nói riêng đối với các ngân hàng, quản lý bộ dữ liệu như thế nào chính là vấn đề sống còn của các ngân hàng.

Với bộ dữ liệu lớn và chất lượng, các ngân hàng có thể nâng cấp hoạt động marketing, đổi mới cách thức cung cấp dịch vụ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, phát hiện và ngăn chặn hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật,  kiểm soát rủi ro, giảm thiểu chi phí,… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

Tuy hầu hết các ngân hàng đều hiểu giá trị của bộ dữ liệu, nhưng nhìn chung phần lớn vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai quản trị dữ liệu toàn ngân hàng. Kết quả khảo sát của PwC năm 2019 cho thấy, chưa đến một nửa số NHTM có chính sách và quy trình quản lý dữ liệu toàn hàng hay quy định vai trò của các bên có liên quan đến dữ liệu.

Hơn 66% trong số 33 lãnh đạo của các NHTM cho biết quy định các tiêu chí đánh giá để đo lường chất lượng dữ liệu chưa được vận hành. Chỉ 18% NHTM đã xây dựng kiến trúc công nghệ (nền tảng, công cụ…) để hỗ trợ quản lý dữ liệu toàn hàng.[13]

Quản lý bộ dữ liệu thực sự không phải là một công việc đơn giản mà phức hợp nhiều hoạt động khác nhau, do vậy để nâng cao chất lượng hoạt động quản lý bộ dữ liệu, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc mở rộng, tăng cường bổ sung làm giàu thêm bộ dữ liệu; thường xuyên kiểm tra đảm bảo tính xác thực của dữ liệu tránh tình trạng sai sót hay dữ liệu giả; tăng cường việc bảo quản tránh bị thất thoát hoặc lợi dụng dữ liệu cho những hoạt động phi pháp; và đặc biệt là việc tối ưu hoá việc phân tích và ứng dụng dữ liệu.

Bên cạnh khai thác bộ dữ liệu một cách hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì việc cung cấp dịch vụ dữ liệu, kết nối với Cổng dữ liệu quốc gia cũng là vấn đề phát huy tính hiệu quả của bộ dữ liệu.

Lưu ý hơn đến dịch vụ khách hàng cá nhân

Dù tham gia thị trường sau nhưng Fintech đã nhanh chóng nhận ra rằng cơ hội phát sinh ở nơi  khách hàng được cung cấp những gì tốt nhất.

Mặt khác, Fintech không tập trung vào dịch vụ khách hàng theo nghĩa truyền thống mà tiến hành theo hướng hiểu và làm hài lòng khách hàng, phát triển nhu cầu của khách hàng bằng việc sử dụng thiết kế mới về sản phẩm cơ bản và thực hiện chúng.

Họ hiểu rằng những sản phẩm cần thiết được thiết kế không theo khuôn mẫu mà dựa trên nhu cầu và đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng vào những thời điểm khác nhau tuỳ theo tương tác với khách hàng.

Khác với các ngân hàng truyền thống, các dịch vụ của Fintech có thể nhận ở bất cứ đâu và họ cung cấp quyền truy cập suốt ngày đêm vào các dịch vụ mà khách hàng có thể nhận thông qua các kênh phi truyền thống, chẳng hạn thông qua mạng xã hội, mở rộng nhiều lựa chọn của khách hàng.

Fintech có thể chiếm và nắm bắt những phân khúc các ngân hàng truyền thống bị bỏ qua khi cung cấp sản phẩm như tìm ra giải pháp cho khách hàng có xếp hạng tín dụng thấp để cho vay, mở ra thị trường P2P lending dành cho những khách hàng không có tài sản thế chấp.

Triển khai và ứng dụng Fintech thông qua hợp tác với Fintech

Hợp tác với Fintech có lẽ là lựa chọn phù hợp. Nhờ sự đổi mới của Fintech, việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính chưa bao giờ trở nên dễ dàng như ngày nay đặc biệt là ở thị trường chưa được khai thác như vùng nông thôn nơi còn thiếu vắng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế hiện đại.

Tuy nhiên, nhìn nhận kỹ sẽ thấy Fintech chỉ làm việc trong lĩnh vực công nghệ, mở rộng và sáng tạo cách cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến khách hàng chứ không một sản phẩm hay dịch vụ ngân hàng mới nào được sáng tạo và cung ứng bởi các công ty Fintech.

Từ thẻ đến các giao dịch thanh toán, chuyển tiền điện tử, đến P2P lending… tuy được làm mới, được nâng cấp về giao diện, về tiện ích nhưng vốn dĩ chúng đều là các dịch vụ ngân hàng. Như vậy, việc hợp tác với Fintech không chỉ là cơ hội cho ngân hàng mà còn là cơ hội cho cả các công ty Fintech.

Cách tiếp cận lĩnh vực ngân hàng của Fintech là tập trung vào những gì mà các ngân hàng truyền thống chưa hoàn thiện như chậm áp dụng công nghệ mới; không lấy khách hàng làm trọng tâm; quy mô quá lớn để có thể phản ứng nhanh với sự thay đổi.

Fintech nắm bắt một số phân khúc nhất định của lĩnh vực ngân hàng và tạo ra các giải pháp có trọng tâm hẹp nhưng hiệu quả cao, tương ứng với kỳ vọng của khách hàng. Đặc biệt, Fintech phát triển mảng thị phần chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các ngân hàng truyền thống, đó là mảng khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mảng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Nếu như phần lớn nhu cầu vay vốn của các DNVVN bị từ chối vì không có tài sản thế chấp, vì sổ sách kế toán chưa đúng chuẩn thì một công ty Fintech (được tư vấn và hỗ trợ bởi VIB), đã đưa ra được giải pháp để doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, có thể tiếp cận vốn ngân hàng mà không cần tài sản thế chấp.

Rõ ràng Fintech đã lấp đầy những khoảng trống, những mảng khuyết của ngân hàng truyền thống. Tuy vậy, Fintech, nếu không có vai trò của ngân hàng truyền thống thì sự phát triển trong lĩnh vực ngân hàng cũng chỉ có giới hạn.

Ngân hàng truyền thống - đó là bề dày kinh nghiệm trong việc phát triển sản phẩm, là sự từng trải trong quản trị rủi ro, là sự tầm cỡ về quy mô vốn, khách hàng… đó là những lợi thế mà Fintech không dễ gì có được. Sự hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho cả hai và lợi ích chung cho nền kinh tế trong việc nâng cấp, phổ cập, xã hội hoá dịch vụ tài chính- ngân hàng.

Lường trước những rủi ro và chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa

Rủi ro mà ngân hàng có thể phải đối mặt khi hợp tác với Fintech như rủi ro đơn vị hợp tác mới, rủi ro pháp lý khi triển khai, ứng dụng các sản phẩm mới và vấn đề an ninh mạng.

Do vậy cần phải (i) lựa chọn kỹ càng đơn vị hợp tác, dù ngân hàng không có quyền quản lý trực tiếp, nhưng ngân hàng vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý nếu rủi ro phát sinh; (ii) cần phải nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý các sản phẩm mới để tuân thủ đúng các quy định hiện hành vì vấn đề về các quy định tài chính ở các đơn vị mới thường lỏng lẻo, không được chặt chẽ như ngân hàng;

Việc cải tiến, điều chỉnh khung pháp lý và các quy định để thích ứng với các thay đổi đang diễn ra, sao cho những điều chỉnh này không chỉ phù hợp với việc triển khai ứng dụng sản phẩm mới mà còn phù hợp với những thành viên mới tham gia để họ ngày càng trở thành một phần của chuỗi cung ứng dịch vụ tài chính và hơn thế nữa, để đảm bảo sự vào và ra khỏi hệ thống tài chính của họ không làm gián đoạn hoạt động sẵn có của các dịch vụ hoặc rộng hơn là không phá vỡ sự ổn định tài chính.

(iii) An ninh mạng và những rủi ro phát sinh khi có sự gia nhập chính thức của các công ty Fintech vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, thậm chí có thể tác động lớn đến bối cảnh tài chính nên các ngân hàng cần tìm hiểu rõ các yếu tố mới trong rủi ro hoạt động khi thực hiện triển khai Fintech có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng như thế nào và các chức năng cần bổ sung để giải quyết các rủi ro này là gì.

Điều này cũng có nghĩa là các ngân hàng cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng kinh doanh để giảm thiểu sự gián đoạn trong dịch vụ hay công nghệ của nhà cung cấp Fintech.

Kết luận

Cạnh tranh thị phần giữa các ngân hàng và Fintech có thể được thay thế bằng sự cộng tác trực tiếp. Sẽ không dễ tìm được điểm trung gian cho phép các ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech hợp tác, nhưng ngay khi có một phương pháp làm việc phù hợp, cả hai bên sẽ đều có lợi.

Vì cơ hội tồn tại cho quan hệ hợp tác, cho phép tận dụng lợi thế của mỗi bên như một phần thiết kế và phát triển sản phẩm của các công ty Fintech, cũng như về nguồn lực phân phối và cơ sở hạ tầng do ngân hàng truyền thống đang sở hữu.

Chỉ trong trường hợp này, các ngân hàng sẽ có thể ngăn chặn sự chia tách của mô hình kinh doanh, do có sự tham gia của các công ty Fintech.

Bên cạnh đó, bằng cách tạo quan hệ đối tác với các ngân hàng truyền thống vững chắc, các công ty Fintech sẽ có được niềm tin và công nhận của khách hàng, điều này sẽ cho phép họ ngày càng phát triển trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tài chính 2018 của các ngân hàng;

2.https://www.bankingsupervision.europa.eu/about/ssmexplained/html/fintech.en.html;

3.https://www.forbes.ru/tehnologii/340535-finteh-servisy-i-banki-partnery-ili-konkurenty;

4. Global FinTech Report 2017- https://www.pwc.com/gx/en/industries/financial-services/assets/pwc-global-fintech-report-2017.pdf;

5. https://vietnambiz.vn/nhnn-du-kien-ban-hanh-co-che-thu-nghiem-hoat-dong-fintech-tu-nam- 2021-trong-do-co-cho-vay-ngang-hang-20200602094056945.htm;

6. https://nhadautu.vn/lan-song-fintech-va-cach-mang-cong-nghiep-40-co-lam-kho-nganh -ngan -hang-d11095.html;

7. Viện Chiến lược ngân hàng (2016), Báo cáo đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam;

8. NHNN, Báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020 tại hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021;

9.https://cafef.vn/mot-ngan-hang-tai-viet-nam-tien-phong-quy-trinh-mo-va-su-dung-the-thanh-toan-chi-trong-5-phut-20210305124009761.chn;

10.https://cafef.vn/lan-dau-tien-tai-viet-nam-mot-ngan-hang-cho-phep-mo-tai-khoan-trung-so-dien-thoai-hoan-toan-mien-phi-20210305094200462.chn;

11. https://www.pwc.com/gx/en/industries/financial-services/assets/pwc-global-fintech-report-2017.pdf;

12. http://khoinghiepsangtao.vn/phan-tich/fintech-cac-dinh-che-tai-chinh-the-gioi-phan-ung-ra-sao-truoc-lan-song-fintech-phan-3/;

13. Tài liệu Hội thảo “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính” do Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 29/9/2020.

* Theo PGS.,TS. Nguyễn Thị Nhung - Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 12 năm 2021.

** Bài đăng lại trên: https://thitruongtaichinhtiente.vn/thi-phan-moi-quan-ngai-cua-ngan-hang-trong-boi-canh-canh-tranh-voi-fintech-39596.html.