Thị thực điện tử: Người nước ngoài vẫn quan tâm về mức phí

Theo chinhphu.vn

Sau gần 1 tháng thí điểm áp dụng thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Hầu hết công dân các nước nằm trong diện thí điểm khi được hỏi đều cho biết rất phấn khởi và đánh giá cao quy định mới này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ ngày 1/2/2017, Nghị định số 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ cho phép công dân của 40 nước trên thế giới được nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch, tìm kiếm đối tác kinh tế…. thông qua hệ thống thị thực điện tử (e-visa). Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc cải cách hành chính về thủ tục xuất nhập cảnh của Chính phủ Việt Nam.

Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, nhiều du khách quốc tế đã đăng ký để được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam. Với những du khách từng đến Việt Nam trước đây, khi được hỏi về vấn đề này đều cho biết, ưu điểm lớn nhất của việc cấp thị thực điện tử là giảm được nhiều thời gian so với trước đây.

Guy Klages, một Technical Writer (hiện đang sống tại San Jose, California, Mỹ) cho biết: “Khi tôi đi xin visa Việt Nam vào năm 1998, đã phải lái xe mất một giờ đến San Francisco, xếp hàng một giờ, trả 120 USD tiền mặt cho visa nhập cảnh cá nhân, lái xe về nhà, đợi thêm 7 ngày và sau đó lái xe một giờ đến San Francisco để nhận.

Sau đó vào năm 2013, tôi đã vui mừng rằng có thể được cấp visa đi lại nhiều lần trong một năm chỉ với 120 USD và trả thêm 30 USD để được nhận visa chỉ trong 15 phút, tiết kiệm cho tôi lần lái xe thứ hai.

Và bây giờ tôi thực sự phấn khởi khi visa tiếp theo của tôi được làm online và việc thanh toán chỉ thực hiện bằng thẻ tín dụng. Thời hạn chờ là 3 ngày cũng không tệ. Tôi hi vọng điều này khuyến khích mọi người ghé thăm Việt Nam nhiều hơn, địa điểm yêu thích của tôi”.

Tương tự, Ekart Dutz, doanh nhân người Đức, hiện đang định cư tại Việt Nam, chủ nhà hàng The Loop (49 Thảo Điền, Q.2 TPHCM) chia sẻ: “Mỗi người nước ngoài khi nói về visa đều muốn càng nhanh càng tốt, càng ít chi phí thì càng tốt. Những người như tôi khi đã có thẻ cư trú tại đây đều biết là lệ phí mỗi năm mỗi tăng nên làm visa thật khiến chúng tôi mệt mỏi. Tuy nhiên, so với ở Đức, giá cũng tăng cho các dịch vụ tương tự, vì vậy Việt Nam cũng không đến nỗi tệ. Tổng thể, e-visa là tuyệt vời và tôi hi vọng được mở rộng hơn nữa”.

Thừa nhận ưu điểm về thời gian chỉ mất 3 ngày, hay không cần có mặt trực tiếp, thanh toán phí visa qua mạng... nhưng mức phí xin cấp cũng được người nước ngoài thường xuyên đi lại quan tâm.

Doanh nhân người Pháp Frederic Charles, hiện đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện thương hiệu Olio Di Oliva (Ý) tại thị trường Đông Nam Á nói: “Tôi gắn bó với Việt Nam đã lâu vì vợ tôi là người Việt. Một thời gian dài chúng tôi sống tại TPHCM, sau đó chuyển đến Mỹ để các con được học tập tốt, do đó tôi mang hai quốc tịch là Pháp và Mỹ và hẳn nhiên phải xin visa để được làm việc tại Việt Nam. Người nước ngoài chúng tôi thường làm visa bằng 3 con đường (đường bộ, đường không và đường thủy) tùy theo phương tiện sử dụng. Khi đi công tác ở Campuchia, tôi thường đến cửa khẩu Mộc Bài để làm visa Việt Nam, đi đường hàng không thì làm visa tại sân bay. Có rất nhiều người môi giới cho dịch vụ này, thường tôi trả tiền phí và họ lo hết”.

“Tại sân bay, tôi thường trả 25 USD, nhưng tại cửa khẩu Mộc Bài tôi phải trả tới 160 USD cho visa một năm. Có người đứng sẵn ở đó và viết tên tôi vào tờ giấy, sau đó trở lại với visa trên tay. Việc chính phủ Việt Nam triển khai e-visa là điều tốt cho chúng tôi để tránh tiêu cực ở những nơi làm dịch vụ, đúng ra cần làm sớm hơn vì các nước khác đã có từ lâu. Ở Thái Lan họ miễn phí visa có thời hạn một tháng cho người nước ngoài”, Frederic Charles cho biết thêm.