Thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi thế nào sau năm 2025?


Trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đã đề xuất thêm phương án chỉ thi 4 môn cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Nhiều chuyên gia, địa phương đã đề xuất thêm phương án chỉ thi 4 môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Nhiều chuyên gia, địa phương đã đề xuất thêm phương án chỉ thi 4 môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Đề xuất phương án chỉ thi 4 môn

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - khi lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới học hết lớp 12 - với ba phương án: Thi 6 môn, thi 5 môn và thi 4 môn. Nhiều ý kiến cho rằng, nên giảm số môn thi để giảm áp lực cho thí sinh.

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hai phương án được đưa ra lấy ý kiến.

Phương án 1: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn, gồm 4 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả Lịch sử).

Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đã đề xuất thêm phương án ba: Thí sinh chỉ thi 4 môn, gồm hai môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Theo đó, cả ba phương án đều thống nhất ở nhóm môn lựa chọn sẽ thi hai môn và còn có ý kiến khác nhau về số môn thi thuộc nhóm môn bắt buộc.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, khi lấy ý kiến của gần 18.000 cán bộ, giáo viên về ba phương án thi, phương án thi 4 môn cũng được 59,8% thầy cô lựa chọn, 40% chọn phương án thi 6 môn. Phương án thi 5 môn và ý kiến khác chiếm tỷ lệ lựa chọn rất nhỏ, chỉ 0,2%.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định phương án thi 4 môn có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh khi các em giảm được hai môn so với số môn thi hiện nay, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội khi số buổi thi còn 3 buổi, giảm 1 số buổi thi so với hiện nay.

Lựa chọn này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh; phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.

Đề thi tốt nghiệp có thay đổi?

Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại đây, đề thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều thay đổi.

Đặc biệt, đến năm 2025, khi chương trình mới đã phủ toàn bộ các khối lớp theo hướng phát triển và đánh giá năng lực, đề thi tốt nghiệp THPT cần giảm bớt học thuộc, tăng cường vận dụng để phù hợp định hướng chương trình giáo dục mới.

"Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lựa chọn cẩn thận đội ngũ chuyên gia, giáo viên, làm công tác ra đề.

Hiện nay các trường phổ thông học nhiều bộ sách giáo khoa. Dĩ nhiên, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức, mọi đề thi đều làm tốt nhưng tôi cho rằng, đội ngũ ra đề thi cần được tập huấn, định hướng sao cho đảm bảo khoa học, theo mục tiêu đánh giá năng lực của chương trình 2018", ông Bình cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, không nên thay đổi đề thi đột ngột mà từng bước thay đổi theo lộ trình để phù hợp với các vùng miền.

"Mọi thay đổi đều có khó khăn nhưng nếu chuẩn bị kỹ càng, có cơ sở thực tiễn, thực hiện theo lộ trình sẽ tốt hơn", ông Nguyễn Quốc Bình nói.

Theo Anh Thư/kinhtemoitruong.vn