Đảm bảo các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023
Từ ngày 27 - 30/6, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023 sẽ được tổ chức trên cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với 14 địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố.
Từ ngày 27-30/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023 sẽ được tổ chức trên cả nước.
Theo đó, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với 14 địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố. Tổng số gần 2.300 điểm với hơn 44.000 phòng thi.
Để đảm bảo quyền lợi và điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, có một số mốc thời gian quan trọng các thí sinh cần lưu tâm để thực hiện đúng thời hạn:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Trong đó, 14h ngày 27/6, thí sinh sẽ phải có mặt ở các điểm thi để làm thủ tục dự thi.
Thí sinh lưu ý, số phòng thi, số báo danh và đối sánh kỹ các thông tin trong thẻ dự thi. Nếu có bất cứ sai sót nào cần báo ngay cho giám thị.
Ngày 28 và 29/6, thí sinh bước vào làm bài thi môn Ngữ văn, Toán, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội và môn Ngoại ngữ. Theo Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Theo kế hoạch, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được công bố vào 8h ngày 18/7. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 20/7. Muộn nhất ngày 22/7, các Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
GS.TS. Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản giữ ổn định theo định hướng như năm 2022. 75% đề thi sẽ nghiêng về các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu. Có nghĩa các em học tốt kiến thức cơ bản THPT, đặc biệt của lớp 12, có thể làm được tốt 75% câu hỏi này.
Đây cũng là cơ sở tốt nhất cho việc đánh giá kết quả và xét tốt nghiệp THPT. 25% còn lại là các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, để các thí sinh đạt các mức điểm 8, 9, 10.
“Đây là cơ sở để phân loại học sinh, một trong những cơ sở để các trường xét tuyển đại học”, ông Chương nói. Theo ông Chương, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố để nhận thấy rõ điều này.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đông nhất cả nước (chiếm 1/10 thí sinh của cả nước).
Cụ thể, năm nay, Hà Nội có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là trên 102.000 lượt thí sinh đăng ký, trong đó có trên 88.800 thí sinh dự theo chương trình giáo dục phổ thông, trên 13.200 thí thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên, số thí sinh tự do cũng lớn nhất cả nước với hơn 3.600 thí sinh tự do. Hà Nội đã bố trí 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Là địa phương có quy mô thí sinh dự thi lớn nhất cả nước, từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, TP. Hà Nội sẽ triển khai công tác hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; tiếp tục hoàn thiện chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi; chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến của dịch bệnh, mưa bão, cấp điện để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức Kỳ thi.
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của kỳ thi và đặc thù có số lượng thí sinh lớn nhất trong các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, công tác tổ chức kỳ thi của Hà Nội đòi hỏi mức độ cao hơn về tính chu đáo và các điều kiện bảo đảm an toàn.
Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Thành phố cần ưu tiên các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất cho khâu in sao đề thi và chấm bài thi trắc nghiệm khách quan, đồng thời với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ ở mọi khâu; tổ chức tập huấn quy chế thi đầy đủ, nghiêm túc cho cán bộ coi thi; chủ động xây dựng phương án dự phòng ứng phó với các tình huống như ùn tắc giao thông, mất điện, úng ngập…
Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT 2022 có khoảng 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, xét kết quả học tập THPT (học bạ) chiếm khoảng 37,18%, nhiều thứ hai chỉ sau phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2022, tổng số chỉ tiêu đại học trong toàn quốc là 560.000. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 521.000 thí sinh trúng tuyển, gần 83,4% xác nhận nhập học. Trong số này, 37% nhập học bằng phương thức xét tuyển học bạ, chỉ xếp sau phương thức xét điểm thi tốt nghiệp (gần 48%).