Thương mại cũng cần “ta về ta tắm ao ta”
Quá xưa rồi cái thời sản xuất và tiêu dùng tự cung tự cấp, hàng hóa làm ra chủ yếu bán trong nước do còn ít ỏi và còn vì sự hội nhập kinh tế của nước ta với các nước khác chưa mấy phát triển, khả năng ta có hàng cũng như khả năng ta đem hàng đi giao lưu với thế giới còn kém, còn ít.
Nhưng rồi cũng đến lúc sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp trong nước phát triển theo với công cuộc đổi mới đất nước, hàng hóa nhiều lên, cần bán, nên cùng với việc tiếp tục tiêu thụ trong nước, các nhà sản xuất, kinh doanh đã nhanh chóng hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đẩy mạnh hội nhập với kinh tế toàn cầu. Hàng hóa của ta đi đến với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như các châu lục trên thế giới, bước đầu đã thu được hiệu quả đáng mừng cả về số lượng hàng bán được cũng như lợi nhuận thu về khiến cho nhiều doanh nghiệp mải mê với việc làm hàng xuất khẩu mà xem nhẹ việc bán hàng trong nước.
Trong khi thị trường nội địa lại ngày càng phong phú tiềm năng do dân số mỗi năm mỗi tăng, kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân cũng cao lên theo, sức mua của người tiêu dùng trong nước tăng hơn rất nhiều. Hàng hóa trong nước không đủ đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng thì người tiêu dùng đi mua hàng ngoại nhập vừa đẹp, vừa dễ mua, vì nước ta mở rộng hội nhập và thực hiện các Hiệp định thương mại đã rộng mở thị trường cho các nhà đầu tư, kinh doanh thương mại dịch vụ các nước.
Đến một lúc kia, các nhà sản xuất, kinh doanh thương mại trong nước mới như choàng tỉnh mà bảo nhau, tại sao mình lại sơ sẩy đến thế khi bỏ rơi thị trường nội địa với sức mua lớn đến vậy, mình lại vô tình nhường cho các nhà kinh doanh nước ngoài, còn mình thì chật vật, vất vả đi tìm thị trường ngoại, bán hàng khó khăn, phải làm gia công, thu lợi lãi thấp, hay bán hàng thô giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài đứng tên hàng qua chế biến bán giá cao gấp nhiều lần. Ngộ ra sự kém cỏi, lại được Chính phủ nhắc nhở, định hướng, các chuyên gia kinh tế mách nước, số đông các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước mấy năm trở lại đây đã có sự điều chỉnh phương hướng là đi cả hai chân: xuất khẩu và bán hàng tại thị trường nội địa.
Điểm qua sự bán lẻ cũng có thể thấy việc các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước đã rất ý thức được việc “ta về ta tắm ao ta”. Báo cáo của Bộ Công thương cho biết: tổng mức bán lẻ hàng hóa sáu tháng đầu năm 2018 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ 2017. Điều này cho thấy sức mua ở thị trường nội địa đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Là do nhà nước có chính sách đổi mới và thuận lợi hóa lưu thông, tập trung hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là cung ứng nông sản thực phẩm thiết yếu trên cơ sở cơ cấu lại kinh tế vùng và liên vùng. Đang cố gắng khắc phục sự yếu kém trước đây là kém chủ động, cung cấp hàng hóa thiếu tính bền vững do thiếu sự liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển và người tiêu dùng. Cũng đang nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại vốn còn lạc hậu và thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao.
Ở nước ta, từ lâu rồi, cho đến hiện nay, chợ truyền thống vẫn là nơi tiêu thụ nhiều và tốt sản phẩm, tính hết năm 2017 cả nước có 8 539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối. Hầu hết các chợ này vẫn mua bán hàng kiểu truyền thống, không có chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, chưa thể hiện được khả năng điều tiết giá cả thị trường, điều phối hàng giữa các chợ và các vùng miền. Vai trò của chợ đầu mối là không nhỏ trong tiêu thụ hàng hóa, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng, góp phần thức đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, nâng cao năng lực kinh doanh của các nhà bán buôn bán lẻ.
Song cơ sở vật chất của phần nhiều các chợ đầu mối cũng như chợ truyền thống còn yếu kém, lạc hậu, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm, hỗ trợ đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp chợ rất khó khăn. Phần lớn các chợ hiện vẫn còn rất yếu kém trong các việc giữ gìn an toàn thực phẩm, phòng chữa cháy, xã hội hóa đầu tư chợ còn vướng nhiều rào cản. Cần phải nhanh chóng vượt qua những yếu kém đó để các chợ truyền thống, chợ đầu mối góp phần tích cực hơn,đem lại nhiều lợi ích hơn trong việc tái chiếm lĩnh, phát triển thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia kinh tế, Bộ Công thương và chính quyền các cấp, nhất là cấp địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa, cụ thể, thiết thực hơn việc quản lý hàng hóa tại các chợ, nhất là chợ đầu mối, thực hiện quy hoạch hiệu quả các vùng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu của thị trường nội địa. Năm 2018 Bộ Công thương đưa ra chỉ tiêu phấn đấu: tổng mức bán lẻ cả nước đạt khoảng 4.269 đến 4.288 tỷ đồng, tăng 10 – 15% so với 2017.
Bộ cũng nhấn mạnh các việc cần làm ngay: phát triển hạ tầng thương mại, tăng cường quản lý nhà nước, nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư tư nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn vào đầu tư hạ tầng thương mại theo hình thức PPP, chọn một số chợ đầu mối để nâng cấp, gia tăng vai trò bán buôn hàng nông sản, tiến lên là chợ đấu giá nông sản. Trên tổng thể, cũng theo Bộ Công thương, cần nâng cao hiệu quả quản lý và điều tiết thị trường, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu. Phát huy phong trào “Người Việt Nam mua hàng Việt Nam".
Tiếp tục thúc đẩy ngành thương mại dịch vụ phát triển với sự phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng và doanh nghiệp, hướng đến một ngành thương mại dịch vụ hiện đại. Thu hẹp khoảng cách giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Khắc phục tình trạng hệ thống kết cấu thương mại bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh phân bố không đều, mới chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển mạnh ở các thành phố thị xã, thị trấn, tiếp tục khai thác sự góp phần bán hàng nội địa của con số khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa.
Cũng cần đẩy mạnh việc phát huy hàng hóa uy tín, chống hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa. Cần giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa bằng các biện pháp hỗ trợ của nhà nước, của các cơ sở khoa học công nghệ, kể cả việc chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước.
Cũng cần xem xét lại các chính sách giúp doanh nghiệp nội địa mở rộng kinh doanh trên chính thị trường nội địa, cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài, không để bị thua trên sân nhà, hoàn thiện luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách đối với thị trường nội địa cũng như phân bổ ngân sách hỗ trợ.
Để nâng cao an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, khiến cho người tiêu thụ trong thị trường nội địa yên tâm mà mua hàng sản xuất trong nước, sắp tới Trung tâm mã số mã vạch quốc gia sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn. Lúc đó các giải pháp, cơ sở dữ liệu mà các công ty này xây dựng sẽ kết nối được với nhau, tạo hiệu quả mang tính quốc gia cũng như quốc tế.