Thị trường bán lẻ Việt Nam: Lối đi nào cho doanh nghiệp nội?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Hiện nay, ở Việt Nam, các siêu thị nước ngoài có doanh số lớn gấp 20 - 30 lần so với các doanh nghiệp trong nước. Nếu không có cơ chế thuận lợi, sự liên kết cũng như chiến lược phù hợp, thì việc “thua ngay trên sân nhà” của doanh nghiệp nội là điều tất yếu xảy ra.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Lối đi nào cho doanh nghiệp nội?
Các siêu thị nước ngoài có doanh số lớn gấp 20 - 30 lần so với các doanh nghiệp trong nước. Nguồn: internet
Cơ hội và thách thức

Theo Bộ Công Thương, theo lộ trình, năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Việc các nhà bán lẻ thế giới vào Việt Nam là một điều tích cực bởi họ đã tạo ra cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam được thụ hưởng những dịch vụ hiện đại, văn minh của thế giới.

Nhưng, có một thực tế đó là, trong khi các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài đang từng bước chinh phục và phát triển mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam, thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng bị thu hẹp.

Theo số liệu từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó, các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm khoảng 40%.

Hiện nay, các nhà phân phối nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam tương đối mạnh ở cả tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm lâu đời. Thực tế, về vốn, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào vốn trên 100 triệu USD. Hơn nữa, các siêu thị nước ngoài cũng có doanh số lớn gấp 20-30 lần so với các doanh nghiệp trong nước.

Điều này cho thấy, tương quan lực lượng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ là tương đối cao.

Tuy nhiên, trong buổi giao lưu trực tuyến về thị trường bán lẻ do Báo Công Thương tổ chức diễn ra ngày hôm qua (13/11), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan lại cho rằng, dù các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang áp đảo, nhưng thị phần của doanh nghiệp nội vẫn đang mở rộng và có nhiều cơ hội phát triển. Vì vậy, không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Điều bà Loan lo ngại, chính là việc dù nói doanh nghiệp nội và ngoại được ưu đãi như nhau, nhưng thực tế, doanh nghiệp ngoại vẫn đang được ưu ái hơn doanh nghiệp nội. Đơn cử như về mặt bằng, các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin nhưng không được giải quyết.

Trong khi đó, chỉ cần một thời gian không lâu sau đó, những vị trí kinh doanh “vàng” được doanh nghiệp trong nước nhắm đến lại nhanh chóng “rơi” vào các tay doanh nghiệp ngoại.

Cần các giải pháp đồng bộ

Thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ Việt Nam đang mất dần lợi thế của mình. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và cả các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phân phối bán lẻ mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy thị phần trong nước.

Đồng thời, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nên thực hiện mô hình liên kết giữa người bán hàng và nhà sản xuất. Và Tổng công ty Hapro là minh chứng cho điển hình này.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành của Hapro cho biết trong buổi Hội thảo về thị trường bán lẻ ngày 13/11, hiện nay, Hapro đã đi theo chương trình liên kết thương mại giữa các tỉnh trong toàn quốc về nguồn hàng, tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong nội bộ của các tỉnh.

Nhờ sự tham gia đó, đơn vị đã tìm kiếm từ nguồn hàng địa phương, nguồn hàng thực phẩm, nông sản và nguồn hàng vùng, miền như hoa quả vùng miền để đưa vào hệ thống phân phối. Việc làm này hỗ trợ thương mại nội địa giữa địa phương và doanh nghiệp rất tốt.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần phải tập trung xây dựng thị trường, không chỉ ở thành thị, mà phải xây dựng hệ thống bán lẻ cả ở những vùng nông thôn, vì hệ thống bán lẻ ở khu vực này vẫn còn yếu kém và bất cập.