Thị trường bảo hiểm: Gam màu tối trong bức tranh sáng

Theo toquoc.gov.vn

(Tài chính) Thị trường bảo hiểm tại Việt Nam từng được xem là “mảnh đất” màu mỡ và triển vọng này vẫn còn ở phía trước nếu có những chuyển biến đột phá cả khuôn khổ pháp lý lẫn mô hình kinh doanh từ chính các doanh nghiệp.

Thị trường bảo hiểm: Gam màu tối trong bức tranh sáng
Ngành bảo hiểm vẫn được xem như một bức tranh sáng màu, song, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn tồn tại những gam màu tối. Nguồn: internet

Theo dự báo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt trên 51.600 tỷ đồng, tăng khoảng 9,7% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 11,5%; phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm tăng khoảng 5 - 7%.

Mặc dù ngành bảo hiểm vẫn được xem như một bức tranh sáng màu, song, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn tồn tại những gam màu tối.

Còn nhiều mảng tối

Ở một góc nhìn khác, ngành bảo hiểm cũng không nằm ngoài mục đích lợi nhuận “tối thượng” trong kinh doanh. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, trục lợi trong một môi trường chưa được quản lý chặt chẽ vẫn diễn ra với cường độ ngày càng phức tạp.

Nhiều sai phạm diễn ra trên thị trường bảo hiểm với tính chất nghiêm trọng không ngừng gia tăng, có doanh nghiệp bảo hiểm này chiếm dụng đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm khác, số lượng các đại lý tăng cao với tần suất chóng mặt và kéo theo sai phạm xảy ra do quản lý lỏng lẻo, gây thiệt hại cho khách hàng.

Theo ghi nhận, bên cạnh lợi nhuận “siêu khủng” của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, số lượng doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chiếm tới gần 50%. Điều này gây ra thực trạng trục lợi, nhất là trong sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm công trình, nhà xưởng…

Trong khi đó, các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh cũng nở rộ như đua nhau giảm phí, mở rộng điều khoản, nới lỏng điều kiện tham gia bảo hiểm… Những điều này đã kéo theo chi phí đầu vào của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tăng cao và khó kiểm soát, gây nguy cơ hụt vốn, mất thanh khoản.

Giới phân tích tài chính cho rằng, bên cạnh ngân hàng và thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm cũng là một trụ cột quan trọng trong khu vực dịch vụ tài chính trong khi tài chính lại là hoạt động kinh doanh hết sức nhạy cảm.

“Nếu doanh nghiệp không kiểm soát được dòng tiền, mất thanh khoản, dẫn đến mất khả năng thanh toán, khách hàng đồng loạt đòi lại phí bảo hiểm sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn thị trường tài chính tiền tệ, tất yếu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung”, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cảnh báo.

Bên cạnh những mảng tối, trong năm 2013 vừa qua thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn khách quan. Đối với bảo hiểm nhân thọ, kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm nên dù vẫn có nhu cầu bảo hiểm nhưng năng lực tài chính của họ có hạn kéo hợp đồng bảo hiểm giảm theo.

Còn đối với bảo hiểm phi nhân thọ, do sản xuất kinh doanh đình trệ bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng sản xuất gia tăng kéo theo nhu cầu mua bảo hiểm xuống mức rất thấp, nhất là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây lắp.

Ngoài ra, theo ông Phùng Đắc Lộc, nhiều cơ sở sản xuất trước đây kinh doanh thuận lợi, được các ngân hàng thương mại sẵn sàng cho vay bao gồm cả tiền mua bảo hiểm. Giờ đây, sự hỗ trợ này không còn. Do đó, dù đã rất nỗ lực, trong năm 2013 ngành bảo hiểm chỉ tăng trưởng trên 9%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 10 – 12%.

Tạo khuôn khổ, niềm tin

Kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm đòi hỏi niềm tin ở khách hàng rất lớn.

Về phía công ty bảo hiểm, năng lực vốn, công nghệ, trình độ quản lý kinh doanh được xem là những yếu tố quyết định tạo nên sức mạnh cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, nếu không từng bước hoàn thiện các điều kiện căn bản đó sẽ rất khó cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm hiện nay rất đa dạng phân khúc sản phẩm, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần củng cố năng lực nền tảng, mở rộng phân khúc, củng cố và gia tăng thị phần, đặc biệt là từng bước xây dựng niềm tin từ khách hàng.

TS. Hoàng Văn Oanh (giảng viên chính sách- Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, các công ty bảo hiểm không chỉ phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn phải chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng, giải quyết nhanh chóng, hợp lý công tác bồi thường tổn thất trong các trường hợp xảy ra rủi ro được bảo hiểm.

“Khi tham gia đầu tư vào các công trình, các dự án có vốn lớn, các công ty bảo hiểm cần chú trọng công tác thẩm định để đảm bảo mức độ an toàn, tính thanh khoản cũng như khả năng sinh lời cho đồng vốn”, TS. Hoàng Văn Oanh nhấn mạnh.

Bên cạnh phát huy nội lực, đẩy mạnh những sản phẩm đặc thù, các công ty bảo hiểm cũng cần hợp tác với nhau trên cơ sở chia sẻ lợi ích với nhau. Chẳng hạn, thông qua Hiệp hội Bảo hiểm, các thành viên mở rộng thị trường theo hướng tác động tích cực, bổ sung điểm yếu cho nhau. Qua đó, tránh trục lợi, cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, nhất là việc tuân theo các Hiệp định đã và sẽ ký kết cũng như tuân thủ cam kết quốc tế, Việt Nam cần phải minh bạch hơn trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, trong đó ngành bảo hiểm không nằm ngoài khuôn khổ này. Đồng thời, đây còn là vận hội mới cho thị trường kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động kinh doanh bảo hiểm để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, phù hợp với yêu cầu hội nhập; bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, đổi mới phương thức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tiến dần tới thực hiện các nguyên tắc và chuẩn mực quản lý bảo hiểm quốc tế.