Thị trường bảo hiểm: Khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Bên cạnh việc có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, trong những năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Vai trò của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được minh chứng cụ thể:
Thứ nhất, thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, củng cố các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế. Thị trường bảo hiểm đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế, góp phần củng cố cân đối lớn của nền kinh tế về đầu tư và tiết kiệm với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 17%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước. Nhờ đó, góp phần triển khai thành công chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu ngân sách.
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm còn góp phần vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, từ đó đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh với việc thực hiện tái cơ cấu toàn diện các DNBH về bộ máy, tổ chức, mạng lưới kinh doanh, năng lực tài chính, sản phẩm bảo hiểm và năng lực quản trị DN theo Quyết định 1826/2012/QĐ-TTg.
Thứ hai, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Cho đến hết năm 2015, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho trên 580.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Ngoài ra, hiện nay khoảng 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe (6 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm phi nhân thọ); hơn 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm hơn 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập khoảng 61%). Những người được bảo hiểm nói trên đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.
Thứ ba, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Cho đến nay, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết các loại hình tài sản bao gồm công trình xây dựng, tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài; mọi ngành kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; với đa dạng loại hình bảo hiểm từ bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải cho đến bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản...
Theo báo cáo của các DNBH, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực DN thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng. Một số tài sản, công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 (hơn 1.034 triệu USD), Thủy điện Sơn La (hơn 15.066 tỷ đồng), Nhà máy lọc dầu Dung Quất (hơn 3.300 triệu USD). Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.
Thứ tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế. Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương của Việt Nam, bảo hiểm là một trong các điều kiện đàm phán quan trọng góp phần vào thành công của tiến trình đàm phán. Các cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm trong các hiệp định thương mại đã góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản...
Thứ năm, thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ thông qua các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, xây dựng chương trình bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử.
Quyết liệt thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, ngày 28/10/2008 của Chính phủ: “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 (Quyết định số 315/QĐ-TTg) và triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với 3 loại hình sản phẩm bảo hiểm: Cây lúa, vật nuôi và thủy sản (tôm, cá).
Việc triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg đã được triển khai một cách đồng bộ với sự phối hợp thống nhất giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và sự tham gia tuyên truyền tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện như: xác định phạm vi bảo hiểm, xây dựng quy tắc bảo hiểm, quy trình nuôi trồng, quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh làm căn cứ để bồi thường cũng như các hướng dẫn về tài chính, ngân sách; đồng thời phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo thực hiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc tại từng địa phương, cơ sở và bổ sung, sửa đổi kịp thời cơ chế chính sách, nhằm thực hiện mục tiêu của chương trình.
UBND 20 tỉnh, thành phố nơi thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, giao trách nhiệm cho các cơ quan tài chính, nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp, triển khai thực hiện công tác này. Định kỳ, hàng năm, 6 tháng có sơ kết, đánh giá, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng địa bàn, từng hộ dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Qua 03 năm thực hiện, công tác thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau:
- Về số lượng hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm: Trong 3 năm triển khai có 304.017 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm nông nghiệp, trong đó:
+ Xét về diện hộ: Có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8%), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp;
+ Xét về đối tượng bảo hiểm: Có 236.397 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm cây lúa; 60.133 hộ nông dân tham gia bảo hiểm vật nuôi; 7.487 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản.
- Về tổng giá trị được bảo hiểm: Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng, trong đó cây lúa là 2.151 tỷ đồng, vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.
- Về doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp: Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394.000 triệu đồng, trong đó, thủy sản là 218.175 triệu đồng (chiếm 55,37%); cây lúa là 91.919 triệu đồng (chiếm 23,33%); vật nuôi là 83.906 triệu đồng (chiếm 21,3%).
- Về bồi thường: Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là 701,8 tỷ đồng.
Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy, các cơ chế chính sách đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương, các DNBH tổ chức triển khai thực hiện. Công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện đã thực hiện quyết liệt và có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Các Ban chỉ đạo đã chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, chỉ đạo cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn để có điều chỉnh về cơ chế chính sách, cách làm cho phù hợp và giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh. Công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã có được kết quả quan trọng, được người dân hưởng ứng và tham gia. Các cơ quan Trung ương, địa phương và người dân đã có nhận thức tốt về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp...
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể, Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới, rất phức tạp, lần đầu làm thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm; địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất rộng, trải dài trên 20 tỉnh, thành phố; thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều, đa dạng. Do vậy, mặc dù cơ chế, chính sách đã được Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên rà soát, đánh giá và sửa đổi bổ sung kịp thời để đáp ứng được thực tế, tuy nhiên, không phải là đã phù hợp được hết nhu cầu, đặc trưng riêng có của từng địa phương. Tuy các DNBH đã đầu tư tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm nông nghiệp, nhưng so với yêu cầu triển khai vẫn còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi địa bàn triển khai rộng, phức tạp, vì vậy các DNBH còn gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ cũng như kiểm tra, giám sát rủi ro. Rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong bảo hiểm nông nghiệp diễn ra bất thường, một số nơi xảy ra tổn thất lớn, trên diện rộng do đó phạm vi, mức độ thiệt hại về mặt tài chính khá lớn, vượt quá năng lực tài chính của DNBH. Các DNBH gặp nhiều khó khăn trong công tác tái bảo hiểm cho các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài...
Trên cơ sở kết quả công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, các bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh báo cáo tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết thúc chương trình thí điểm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp về việc tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng đề cương để yêu cầu các địa phương liên quan cùng tham gia đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian qua, làm rõ lợi ích, vai trò và cả hạn chế, vướng mắc của chính sách cần được khắc phục; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp cho những vùng có điều kiện khó khăn nhưng có lợi thế đối với sản phẩm cụ thể; Làm việc với một số địa phương để thảo luận, làm rõ những điều kiện, yêu cầu cần thiết, để có thể tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm trong lĩnh vực thủy sản, bảo đảm phù hợp với yêu cầu hội nhập và quản lý nhà nước.
Chủ động, kịp thời chi trả bảo hiểm khi doanh nghiệp bị thiệt hại
Ngay sau khi xảy ra sự kiện tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh từ ngày 13/5/2014 đến ngày 15/5/2014, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, kinh doanh, giải quyết các thiệt hại của DN. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn DNBH xác định nguyên nhân gây ra các thiệt hại, nhanh chóng giải quyết bồi thường bảo hiểm cho các DN bị thiệt hại.
Về phía các DNBH đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các DN bị thiệt hại hoàn thiện hồ sơ, khẩn trương giải quyết dứt điểm công tác bồi thường bảo hiểm.
Đến nay, theo báo cáo của các DNBH, các DNBH đã tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm cho 462 DN bị thiệt hại với tổng số tiền là 910,4 tỷ đồng.
Điều này góp phần khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt hại đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm cho ngư dân
Ngày 07/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân (hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên).
Để tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện về bảo hiểm (Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; Thông tư số 116/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn một số vấn đề tài chính đối với các DNBH thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; Thông tư số 97/2015/TT-BTC ngày 23/6/2015 sửa đổi Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 115/2014/TT-BTC), đồng thời chấp thuận cho 04 DNBH triển khai (Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm PVI) và chấp thuận quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm cũng như các hướng dẫn về tài chính, ngân sách.
Cùng với đó, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền; thành lập các đoàn công tác làm việc trực tiếp địa phương để nắm tình hình thực tiễn ở cơ sở, giải thích chính sách chế độ và tham gia góp ý với địa phương về những nội dung cần triển khai; đồng thời chỉ đạo, giám sát các DNBH trong việc tổ chức triển khai nghiệp vụ, thiết lập mạng lưới đại lý, ban hành quy trình khai thác, giám định, bồi thường, theo dõi hợp đồng bảo hiểm; chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng thực hiện công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm đảm bảo nghĩa vụ cam kết khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.
Qua hơn 01 năm triển khai, việc thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã đạt được kết quả nhất định được chính quyền địa phương ủng hộ và ngư dân hưởng ứng tham gia. Tính đến 29/2/2016:
- Tổng số phí bảo hiểm là 290 tỷ đồng, trong đó: phí bảo hiểm thân tàu là 249 tỷ đồng; phí bảo hiểm ngư lưới cụ là 7 triệu đồng; phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 34 tỷ đồng;
- Tổng số tiền bảo hiểm là 27.882 tỷ đồng, trong đó: giá trị bảo hiểm thân tàu là 18.968 tỷ đồng; ngư lưới cụ là 1.005 tỷ đồng; tổng số tiền bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 7.909 tỷ đồng;
- Tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 11.477 tàu (chiếm khoảng 40% tổng số tàu trên 90CV trên toàn quốc); tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 112.994 thuyền viên.
- Về địa bàn thực hiện: Đến nay đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên (02 tỉnh, thành phố chưa phát sinh doanh thu phí là do số lượng tàu trên địa bàn không lớn).
- Về chi trả bồi thường: Hiện nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tổn thất tàu cá. Các DNBH đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định thiệt hại, xác định phạm vi bảo hiểm, để xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật. Đến nay, các DNBH đã chi trả trên 40 tỷ đồng cho các chủ tàu có tổn thất, trong đó gần 30 tỷ đồng cho các chủ tàu bị tổn thất toàn bộ (điển hình là trường hợp bồi thường 4 tỷ đồng cho tổn thất tàu cá của ông Trần Kim Trung – Bình Định; 2,7 tỷ đồng cho tổn thất tàu của bà Phạm Thị Bê, 3,1 tỷ đồng cho tổn thất tàu của ông Nguyễn Văn Trung– Quảng Ngãi và 3,8 tỷ đồng cho tổn thất tàu của ông Huỳnh Văn Trí – Quảng Nam).
Thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm hỗ trợ cho ngư dân để yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Công tác triển khai chính sách bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Các Bộ, ngành đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin cũng như chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Các DNBH, tái bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PVI, Vinare) đã có nhiều nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố liên quan giám sát, chỉ đạo các DNBH, DN tái bảo hiểm đẩy mạnh hơn nữa triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.