Thị trường bất động sản: Lạc quan vào tương lai

Trí Dũng

Trong 6 tháng đầu năm 2012, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Giá nhà đất sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc, tính thanh khoản yếu, thậm chí mất ở một vài phân khúc. Những tháng cuối năm, thị trường đang được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn khi đón nhận những tín hiệu tốt của nền kinh tế và đặc biệt dòng tiền vào thị trường này đang dần được khơi thông. Liệu kỳ vọng trên có thành hiện thực, đây vẫn đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội…

Còn nhớ, vào thời điểm cuối quý I/2012, khi thị trường bất động sản gần như rơi vào trạng thái đóng băng, mọi kiến nghị nhằm vực dậy thị trường đều hướng đến giảm lãi suất ngân hàng; đưa bất động sản ra khỏi danh mục lĩnh vực hạn chế cho vay. Tuy nhiên, những động thái nới lỏng tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước đã có tác động nhất định đến thị trường, một số người có nhu cầu thực đã quan tâm, nhưng giao dịch thành công không nhiều, phần lớn những nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có niềm tin vào thị trường, vẫn còn tâm lý chờ giá cả hạ hơn nữa. Tình hình giao dịch trên thị trường nhìn chung vẫn rất ảm đạm. Và đến thời điểm này, với không ít thông tin tích cực hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể hồi phục trở lại ngay.

Hầu hết các phân khúc bất động sản đều sụt giảm cả về giá trị và giao dịch, thậm chí nhiều dự án còn không có giao dịch. Thực trạng giao dịch BĐS qua Sàn giao dịch và không qua Sàn giao dịch nhìn chung đều ảm đạm trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, gần đây với thông tin lãi suất giảm cùng với đó là bất động sản được loại ra khỏi danh sách hạn chế cho vay đã có tác động nhất định lên thị trường. Nhiều người dân có nhu cầu ở thực đã tính đến chuyện mua nhà ở tại các dự án có giá cả hợp lý, do đó giao dịch nhiều hơn. Nhưng đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều trong tâm lý chờ đợi giá cả hạ hơn nữa, họ vẫn chưa có niềm tin vào thị trường.

Theo thống kê của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, giao dịch diễn ra ở phân khúc nhà ở bình dân từ 1,2 đến 2,5 tỷ đồng/căn. Những dự án bất động sản sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành xây dựng được người dân quan tâm hơn. Một số dự án đất nền biệt thự, liền kề ở vùng ven Thủ đô có mức giảm giá khá cao lên đến 50% so với quý I/2010. Tình hình bất động sản khó khăn kéo dài như trên đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này có tiềm lực hạn chế gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều đơn vị phải nói lời “chia tay” với thị trường, đặc biệt là những đơn vị vay ngân hàng nhiều.

Đánh giá về điều này, theo TS. Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Hậu quả của sự kiệt sức như hiện nay của thị trường là xuất phát điểm từ năm 2011. Năm 2011 thị trường BĐS đã chứng kiến tất cả những gì gọi là bất lợi: Giá giảm mạnh, giao dịch đình trệ, rất hiếm công trình khởi công hay kết thúc chu trình đầu tư. Nguồn tiền chảy vào thị trường cũng giảm mạnh. Hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nhà nước không có chức năng chính là kinh doanh BĐS đã phải thoái vốn khỏi lĩnh vực này... Nhiều mảng thị trường tụt dốc khá sâu, thậm chí đã xuất hiện một số đợt bán tháo. "Giao dịch trầm lắng, giá giảm mạnh, bán cắt lỗ..." là những câu cửa miệng của giới đầu tư trong năm ngoái và những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, dường như những gì đen tối nhất đã ở lại phía sau khi bước vào năm 2012 sau nhiều nhận định của các chuyên gia bởi "thị trường BĐS có thể đã chạm "đáy" của chu kỳ khủng hoảng". Đó là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực bất động sản hiện nay. Sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng, tới cuối quý I/2012, tình hình thị trường đã bắt đầu có những chuyển biến. Những thông tin mới rất có giá trị như: nới van tín dụng với bất động sản, lãi suất sẽ giảm về khoảng 10% vào cuối năm 2012 (trung bình mỗi quý giảm 1%), Nhà nước sẽ bỏ tiền mua bất động sản trong nỗ lực tái cơ cấu ngành ngân hàng... được dự báo là có tác động rất tốt tới thị trường trong nửa cuối năm nay.

Hơn nữa, theo dự báo về tình hình thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2012 của Sở Xây dựng Hà Nội, thị trường sẽ có những bước chuyển biến tích cực vào cuối năm 2012, do một số tín hiệu tốt đang ủng hộ thị trường. Một là, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 2196 chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tăng cường hơn nữa quản lý thị trường bất động sản, thực hiện tái cơ cấu hàng hóa để phù hợp với nhu cầu thị trường, đầy mạnh phát triển loại hình nhà ở xã hội…; Hai là, lạm phát và lãi suất đều giảm, đồng thời Chính phủ cũng đã bắt đầu thực hiện chủ trường nới lỏng tín dụng cho bất động sản; Ba là, kiên quyết xử lý vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng để khơi thông nguồn vốn.

Ngoài ra, theo Sở Xây dựng Hà Nội nhu cầu về nhà ở trong trung và dài hạn vẫn còn rất lớn và sẽ tăng theo tốc độ đô thị hóa nhanh. Thị trường thời gian qua do thắt chặt tín dụng nên đã thanh lọc để phát triển tốt hơn. Còn theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thì, thị trường bất động sản 6 tháng cuối 2012 sẽ chưa thể sôi động ngay và vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ 5 Đề án liên quan đến phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

Nhìn về tương lai, chuyên gia Trần Kim Chung dự báo, tầm nhìn 2015 là sáng sủa đối với thị trường bất động sản. Từ 2012 đến 2015, chắc chắn sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh thị trường. Theo đó, sẽ có chủ thể sẽ rời bỏ thị trường và một số mới sẽ gia nhập. Ông Trần Kim Chung nói: "Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đi ngang hoặc đi xuống chút ít. Từ cuối 2012, thị trường bất động sản bắt đầu đi lên và đạt đỉnh vào khoảng cuối 2014, đầu 2015". Đương nhiên, trong giai đoạn tới, thị trường bất động sản còn phải vượt qua được sức ỳ của quá trình chuyển giai đoạn từ tiền tệ hóa lên tài chính hóa. Do đó, thị trường cần sự hỗ trợ có điều kiện từ hệ thống pháp lý về các công cụ tài chính mới sắp ra đời. Điều này cũng có nghĩa các cơ quan hữu quan phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu và ban hành các chính sách liên quan đến thị trường.