Thị trường bất động sản “nóng” nhờ sửa đổi chính sách đất đai

Theo An Vũ/reatimes.vn

Trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu tốt. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, số lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép nhiều, thị trường giao dịch sôi nổi. Theo các chuyên gia, có được kết quả này là nhờ một số chính sách đất đai, luật mới được ban hành và sửa đổi trong thời gian qua.

Chính sách đất đai gắn liền với hoạt động của thị trường bất động sản. Nguồn: internet
Chính sách đất đai gắn liền với hoạt động của thị trường bất động sản. Nguồn: internet

Hàng loạt chính sách đất đai hỗ trợ doanh nghiệp 

Để bảo đảm cho sự phát triển ổn định của thị trường bất đông sản, thời gian qua Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) không ngừng nỗ lực trình Chính phủ các dự thảo thay đổi về chính sách đất đai giúp thị trường ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Giới chuyên gia cũng cho rằng, sự điều chỉnh các chính sách để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Nhìn lại một loạt các thay đổi này, phải kể đến điểm nhấn đầu tiên là Bộ TN&MT đã ban hành nhiều chính sách mới tháo gỡ các nút thắt để đưa nguồn lực tài nguyên và môi trường vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP được người dân, doanh nghiệp đánh giá đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về đất đai, thị trường bất động sản, đặc biệt, đã bổ sung quy định “cởi trói” một phần cho phát triển nông nghiệp.

Cụ thể, nghị định này sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung và được giới chuyên gia đánh giá rằng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đặc biệt, quy định này đã giúp người dân thuận tiện hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nói chung và thủ tục cấp sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng.

Nhờ đó, năm 2017, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp được Bộ TN&MT chú trọng với việc tiếp nhận giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; thực hiện liên thông 11 thủ tục trong 3 lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.

Không những vậy, trong tờ trình về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 2013, Bộ TN&MT cũng đưa ra phướng án “giải cứu” condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng). Theo đó, Bộ TN&MT cho rằng việc phát triển các căn hộ condotel và văn phòng officetel đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và nhu cầu văn phòng để ở của các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do đây là loại hình bất động sản mới, Luật Đất đai chưa quy định cụ thể mà mới chỉ xác định đất sử dụng cho du lịch là loại hình của đất phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai, chưa có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất cho loại hình này.

Theo đó, Bộ TN&MT đã chọn giải pháp, các công trình này nếu có chức năng để ở thì xác định là đất ở, thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50 - 70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.

Bộ TN&MT lý giải, việc quy định chế độ sử dụng đất hỗn hợp condotel và officetel sẽ phá vỡ tiêu chuẩn về loại hình tiêu chuẩn các căn hộ để sử dụng vào mục đích để ở hoặc để kinh doanh làm văn phòng làm việc. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Việc xem xét đồng bộ nhiều vấn đề lớn trong sửa đổi Luật Đất đai được kỳ vọng sẽ góp phần quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai; tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn lực tài chính từ đất đai và giải quyết vấn đề khiếu kiện.

Chính sách đưa thị trường ra khỏi vùng “nguy hiểm”

Vốn dĩ, lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một lĩnh vực đặc thù, được chi phối bởi rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Bởi vậy, bước sang năm 2018 là vừa tròn 5 năm Luật Đất đai 2013 được thực thi, cùng với một loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở được ban hành và các văn bản hướng dẫn chi tiết đã tạo hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản vận hành theo cơ chế thị trường.

Nếu chỉ nói riêng về Luật Đất đai 2013, không thể phủ nhận rằng Luật đã mở rộng hơn quyền tiếp cận đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì việc áp dụng các quy định về thu hồi đất, hình thức giao đất, cho thuê đất đã bình đẳng như nhau.

Nhìn từ thực tế thị trường cho thấy, bước vào giai đoạn 2014 đến nay, thị trường bất động sản có những tín hiệu khởi sắc so với giai đoạn trước 2013. Cụ thể là, các báo cáo đều cho thấy lượng giao dịch tại phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ đều tăng, nhiều dự án đã hoàn thành với đầy đủ các công trình hạ tầng. Các dự án mới được thiết kế, phê duyệt phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường (diện tích từ 50 - 70m2, giá bán dưới 2 tỷ đồng). Trong đó, phần lớn người mua nhà để ở, lượng mua đầu cơ giảm đáng kể.

Ngoài ra, giá nhà tại các dự án trung bình chỉ tăng nhẹ 2 - 5%, lượng hàng tồn kho bất động sản liên tục giảm qua từng tháng, quý. Cụ thể, tồn kho bất động sản ở tất cả các phân khúc đều giảm liên tục trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trên cả nước hiện còn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, giảm gần 80% so với thời điểm quý I/2013. Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng.

Giới chuyên gia dự báo, năm 2018 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sự ổn định của năm trước đó và có phần phát triển mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn là những thay đổi về chính sách đã và đang giúp thị trường bất động sản ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. 

Nói về tầm quan trọng của chính sách đất đai đối với thị thường bất động sản, tại diễn đàn “Thị trường bất động sản 2018: Tác động từ chính sách" tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 của Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét ban hành nhiều dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, xây dựng. Theo đó, những khung khổ pháp luật và chính sách sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, góp phần thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản trong thời gian tới".