Thị trường chứng khoán 2018: Vốn ngoại sẽ chảy vào đâu?

Theo Xuân Tiên/nhadautu.vn

Dù chưa hết năm 2017, nhưng có thể nhìn nhận năm vừa qua là quãng thời gian thành công của thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó có động lực không nhỏ từ vốn ngoại.

TTCK có động lực không nhỏ từ vốn ngoại. Nguồn: NDH
TTCK có động lực không nhỏ từ vốn ngoại. Nguồn: NDH

Điểm sáng vốn ngoại

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính 11 tháng đầu năm của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), thị trường chứng khoán là điểm nhấn của nền kinh tế. VN Index tăng hơn 40% kể từ đầu năm 2017 để vượt mốc 900 điểm và là chỉ số chứng khoán có mức tăng trưởng xếp thứ 3 trên thế giới từ đầu năm 2017. Giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu tới cuối tháng 11 tăng lên xấp xỉ 66% GDP.

TTCK khởi sắc có động lực không nhỏ tới từ nguồn tiền dồi dào từ bên ngoài. Theo thống kê từ NFSC, giá trị mua ròng của khối ngoại trên TTCK trong tháng 11 ước đạt 343 triệu USD (trong đó mua ròng 405 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 62 triệu USD). Luỹ kế 11 tháng đầu năm, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1,77 tỷ USD (750 triệu USD trái phiếu, 1,02 tỷ USD cổ phiếu), tăng gấp 6 lần cùng kỳ 2016.

Giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh do tăng mua ròng mạnh các cổ phiếu lớn. Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 59% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và trên thị trường trái phiếu là 5,3%.

NFSC nhận định khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. Việc dứt khoát cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước và đẩy mạnh niêm yết các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục là lực đẩy thu hút dòng vốn nước ngoài trong năm 2018. 

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù có quy mô khiêm tốn khoảng 124 tỷ USD và xếp hạng ở thị trường cận biên, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển vượt bậc, thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường vốn - TTCK Việt Nam, với hơn 1,8 triệu tài khoản giao dịch đã được mở; trong đó có trên 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài và 45 quỹ đầu tư (đa số là quỹ ngoại).

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa qua cho biết sẽ tập trung triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó tiếp tục các chính sách thu hút vốn ngoại, ví dụ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường dịch vụ tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… nhằm cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

"Đất lành chim đậu"

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dòng tiền trong ngắn hạn sẽ tìm đến những cổ phiếu trong danh mục thoái vốn của SCIC, có thể kể đến như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Mobifone, PV Oil, PV Power...

Về trung và dài hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán sẽ dẫn dắt thị trường với các yếu tố vĩ mô hỗ trợ. 

Đối với nhóm ngân hàng, ngoài động lực tăng trưởng kinh tế ổn định, chủ trương làm sạch, minh bạch hoá hệ thống tín dụng của nhà làm luật sẽ giúp các nhà băng trở nên khoẻ mạnh hơn và có dư địa tăng trưởng cao hơn. 

Với nhóm chứng khoán, thị trường giao dịch ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn là dấu hiệu rõ ràng của năm 2018 thành công đối với các công ty chứng khoán. 

Trong khi đó, thị trường bất động sản ấm lên nhờ nhu cầu thực của người dân trong nước và Việt kiều đang tăng dần. Ngoài ra, lãi suất duy trì ở mức thấp cũng kích thích cả nguồn cầu lẫn nguồn cung.

Vốn ngoại hướng tới các doanh nghiệp minh bạch thông tin 

Ngoài các doanh nghiệp có nhiều lợi thế đặc biệt như DNNN đang trong quá trình IPO, thoái vốn, còn không ít công ty niêm yết cũng thu hút được dòng vốn khối ngoại khi chủ động thực hiện minh bạch thông tin và hoạt động IR (quan hệ nhà đầu tư).

Đơn cử như Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (MCK: NT2) ngày 10/11 vừa qua đã tổ chức thành công Hội thảo Gặp gỡ và đối thoại nhà đầu tư sau khi hoàn thành đại tu lần đầu nhà máy điện Nhơn Trạch 2. Nhờ đó, khối ngoại liên tục mua ròng NT2 và giúp cổ phiếu tăng trưởng từ mức 24.000 đ/cp lên tới mức 32.500 đồng/cp trong vòng 3 tháng qua..

Hay điển hình Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (MCK: VPI) mới niêm yết trên HNX vào ngày 28/11 vừa qua đã được khối ngoại mua tới 9 triệu cổ phiếu chỉ sau vài phiên chào sàn. Trước khi niêm yết, VPI cũng có tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư để giới thiệu về tiềm năng của công ty. 

Đầu tư khá bài bản cho công tác IR phải kể tới Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (MCK: TCH). Vào ngày 26/4/2017 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí minh (HOSE), TCH đã tổ chức Chương trình Gặp gỡ nhà đầu tư theo hình thức Livestream qua kênh truyền hình và mạng xã hội. Lần đầu tiên được một công ty đại chúng tổ chức theo hình thức khá thu hút này, hàng nghìn nhà đầu tư đã có thể theo dõi cùng một lúc và tương tác, đặt câu hỏi với Ban lãnh đạo công ty. Cuối tháng 11 vừa qua, TCH cũng cùng các công ty chứng khoán như HSC, MBS, SSI đã tổ chức các buổi Talkshow để giới thiệu và cập nhật hoạt động kinh doanh của Công ty.

Với hoạt động minh bạch thông tin, sau sự kiện gặp gỡ đối thoại với nhà đầu tư hồi tháng 4/2017, TCH đã sớm lọt vào bộ chỉ số quốc tế MSCI Frontier Markets SmallCap Index. Hay mới cuối tuần trước, một trong hai quỹ ETF lớn nhất đầu tư vào Việt Nam là V.N.M ETF cũng đã lựa chọn TCH vào kỳ review cuối cùng của năm 2017. Giá trị quỹ mua vào TCH kỳ này là lớn nhất trên thị trường, lên tới 8 triệu USD. 

Có thể nói hoạt động IR, minh bạch thông tin của công ty niêm yết thời gian qua cho thấy thái độ nghiêm túc đối với thị trường cũng như cổ đông, nhà đầu tư, là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến bước phát triển nhanh chóng. Với sự chuyên nghiệp của các công ty niêm yết, 2018 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công trong thu hút vốn ngoại.