Dòng tiền sẽ phân hóa?
Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn điều chỉnh khá mạnh sau khi tăng tốc đáng kể trong thời gian gần đây. Đặc biệt những cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm nhanh hơn nhiều nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ.
Điều này cũng là tất yếu khi thời gian qua đà tăng mạnh của thị trường chủ yếu nhờ kéo các mã trụ, trong khi các mã còn lại tăng không đáng kể hoặc thậm chí còn giảm so với đỉnh cao đã đạt được trong những tháng đầu năm nay.
Hầu hết giới phân tích hiện nay đều kỳ vọng dòng tiền sau khi chốt lời ở nhóm vốn hóa lớn sẽ chảy sang nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, theo đó sẽ giúp chỉ số duy trì được ở mức cao như hiện nay. Tuy nhiên, điều này nếu có xảy ra thì khả năng sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các cổ phiếu trong nhóm midcap và penny, theo đó những doanh nghiệp nào có kết quả kinh doanh thật sự nổi bật hoặc tăng trưởng đột biến trong năm nay mới kỳ vọng thu hút được dòng tiền nóng này.
CTCP phát triển nhà Thủ Đức (TDH) doanh thu 9 tháng đã tăng 91% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế 9 tháng cũng tăng đến 84% so với cùng kỳ năm 2016. Với kế hoạch lợi nhuận năm nay là 130 tỷ đồng, dự kiến kết quả kinh trong năm 2017 của doanh nghiệp này có thể vượt 10 – 20% kế hoạch năm đã đề ra.
Có thể thấy doanh thu và lợi nhuận của TDH đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, cộng thêm việc TDH là cổ phiếu có lợi suất cổ tức cao và giá trị cổ phiếu đang thấp hơn nhiều giá trị sổ sách thì nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn đầu tư. Giá cổ phiếu của TDH đã tăng từ mức quanh 8.000 đồng/CP hồi đầu năm nay lên vùng 17.000 đồng/CP hồi giữa năm nay và sau đó điều chỉnh về vùng 13.000 đồng/CP, trước khi có dấu hiệu hồi phục trở lại kể từ tháng 11 đến nay.
CTCP đầu tư LDG (LDG) có doanh thu 9 tháng đầu năm nay đạt 436 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 186 tỷ đồng, tăng đến 145% so với cùng kỳ năm 2016. Với kế hoạch lợi nhuận năm 2017 dù đặt ra khá tham vọng ở mức 250 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016 thì kết quả kinh doanh 9 tháng qua đã đạt tiến độ 74% và dự kiến doanh nghiệp này cũng có thể đạt hoặc thậm chí vượt mức kế hoạch.
Giá cổ phiếu của LDG đã tăng rất mạnh từ mức quanh 5.000 đồng/CP hồi đầu năm nay lên gần vùng 20.000 đồng/CP. Đặc biệt nếu có thể sớm bán thành công dự án Grand World Phú Quốc thì lợi nhuận của LDG có thể ghi nhận đột biến trong thời gian tới và có thể hỗ trợ cho đà đi lên tiếp của giá cổ phiếu.
CTCP phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng 4,3% lên mức 542,6 tỷ đồng, trong đó riêng phần lãi tài chính từ thương vụ chuyển nhượng dự án Lotus Hotel trong Quý 2/2017 đã là 354,9 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là trong 6 tháng đầu năm, KBC đã thực hiện một số hợp đồng lớn về bán đất tại các khu công nghiệp Quang Châu và Tràng Duệ, tuy nhiên vẫn chưa được hạch toán vào kết quả kinh doanh do đó doanh thu trong quý 4 dự kiến có thể tăng mạnh khi ghi nhận các thương vụ này.
Giá cổ phiếu KBC đã giảm từ mức hơn 17.000 đồng/CP xuống tận vùng 12.000 đồng/CP vo trước khi có dấu hiệu bật lại mạnh mẽ từ tháng 11 đến nay. Với kết quả nguồn vốn đầu tư FDI tăng mạnh trong năm nay và triển vọng thời gian tới thì những doanh nghiệp có quỹ đất KCN dồi dào như KBC dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh đột biến như CTCP địa ốc Đất Xanh (DXG) đạt lợi nhuận sau thuế 9 tháng ở mức 669 tỷ đồng, tăng mạnh 3,85 lần so với kết quả cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận 700 tỷ đồng. CTCP Nam Long (NLG) có lãi sau thuế 9 tháng gần 465 tỷ đồng, tăng đột biến 146% so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên chỉ mới hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Có thể thấy cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản và cơn sốt giá đất trong thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản đã có kết quả kinh doanh cải thiện ấn tượng. Với nhu cầu mua nhà cuối năm thường tăng mạnh và quý 4 thường là điểm rơi lợi nhuận thì dự kiến các doanh nghiệp bất động sản kể trên sẽ vượt kế hoạch năm đã đề ra.
Trong khi đó, với việc giá cao su đang trên đà phục hồi, các doanh nghiệp cao su đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trở lại. Cao su Phước Hòa (PHR)lãi sau thuế 222 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 119% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó riêng quý 3 lãi sau thuế trên 58 tỷ đồng.
Cao su Tây Ninh (TRC) cũng báo lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2017 lên đến 106 tỷ đồng, tăng trưởng 143% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Cao su Đồng Phú (DPR) cũng ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt hơn 577 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi trong khi lợi nhuận trước thuế đạt gần 222 tỷ đồng, tăng đến 119% so với cùng kỳ 2016.
Sau một giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng và trải đều ra hầu hết các mã cổ phiếu, thì thời gian tới dự kiến dòng tiền sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ hoặc tăng trưởng đột biến như đã nói. Ngoài ra, những doanh nghiệp có game thoái vốn như FPT, VCB, BMP,...hoặc game thâu tóm như MSN khả năng cũng sẽ thu hút được dòng tiền trong thời gian tới, khi đó sự phân hóa sẽ ngày càng diễn ra sâu sắc hơn.