Thị trường chứng khoán: Khi nợ tiền được trả bằng “giấy”

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Không phải khoản nợ tiền nào cũng được trả bằng tiền, đó là khi nợ được trả bằng “giấy” thông qua phương thức giải quyết công nợ bằng phát hành cổ phần để cấn trừ. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phần để cấn trừ nợ không tạo ra dòng tiền mới cho doanh nghiệp nhưng lại có tác dụng vốn hóa khoản nợ, giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán: Khi nợ tiền được trả bằng “giấy”
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một trong những lợi thế để thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết trên sàn là có thể kêu gọi vốn dễ dàng hơn, đặc biệt là những cổ phiếu có thanh khoản cao. Thị trường chứng khoán đã giúp nhiều doanh nghiệp niêm yết huy động vốn dài hạn cho phát triển dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động hay đặc biệt còn có thể “xóa nợ” thành công.

“Xóa nợ” được đề cập ở đây là trường hợp doanh nghiệp sau khi vay nợ, có thể từ tổ chức tín dụng, các tổ chức hay cá nhân, đã dùng hình thức phát hành cổ phần để cấn trừ công nợ (một cách chứng khoán hóa khoản nợ - tái cấu trúc các tài sản thiếu tính thanh khoản nhưng lại có thu nhập cao bằng tiền trong tương lai như các khoản phải thu, các khoản nợ chuyển đổi thành chứng khoán và đưa ra giao dịch trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán của các nhà đầu tư). Một hình thức cũng khá phổ biến trên thị trường chứng khoán và đang trở thành trào lưu gần đây.

Theo thống kê từ giữa năm đến nay, có 7 doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch phát hành cổ phần để cấn trừ công nợ, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm ưu thế hơn hẳn. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi sự đi xuống của thị trường nhà đất trong những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp rất áp lực với tồn kho, dòng tiền và nợ vay. Việc có được nguồn tiền để trả nợ đến hạn không dễ dàng gì khiến doanh nghiệp tìm đến con đường đổi nợ bằng cổ phần, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi và dễ hấp thụ lượng cổ phiếu mới được đẩy vào. Ngoài ra, trong thời gian qua, thanh khoản của thị trường bất động sản khá thấp và thường xuyên trong tình trạng “ngủ đông”, do đó đây cũng là một giải pháp “cứu cánh” dành cho các doanh nghiệp nắm giữ tài sản và khoản nợ thế chấp (thường là bất động sản) thành chứng khoán có tính thanh khoản cao hơn.

Các doanh nghiệp công bố phát hành cổ phần để cấn trừ nợ từ giữa năm 2014 đến nay
Thị trường chứng khoán: Khi nợ tiền được trả bằng “giấy” - Ảnh 1
Giá đóng cửa cổ phiếu tính vào ngày 11/12/2014

Với phát hành cấn trừ nợ, doanh nghiệp không thu về tiền mặt, không tạo được dòng tiền mới nhưng sẽ loại bỏ được “cục nợ” bởi lượng cổ phần này được dùng để trực tiếp bù đắp cho các khoản công nợ của công ty.

Điển hình như Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) đã phát hành xong 30 triệu cp bằng mệnh giá vào cuối tháng 08/2014 để cấn trừ công nợ với Hoàng Quân Mê Kông (HQM), Việt Kiến trúc và Xây dựng Nhà Bình Thuận. Trước đó, trong năm 2013, HQC cũng từng phát hành 18 triệu cp để cấn trừ công nợ cho HQM và Việt Kiến Trúc. Được biết, nợ phải trả của HQC đến giữa năm 2014 là 2,450 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ.

Tham gia vào phong trào phát hành cấn trừ nợ còn có một số gương mặt khác như Khoáng Sản Bắc Kạn (HNX: BKC), HĐQT công ty  thống nhất sẽ vay 25 tỷ đồng của Công ty Thiên Mã trong 8 tháng kể từ 06/05/2014, sau đó BKC sẽ phát hành cổ phần để trừ nợ. Ngoài ra, HĐQT BKC cũng sẽ phát hành cổ phần cấn trừ nợ với Công ty ANB và hai cá nhân khác. Đầu tư Địa ốc Khang An (HOSE: KAC) cũng dự kiến phát hành riêng lẻ 10 triệu cp để hoán đổi công nợ với các chủ nợ vào quý 4/2014 hoặc quý 1/2015, giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp.

Việc chuyển nợ thành vốn góp thông qua việc phát hành cổ phần để cấn trừ công nợ còn giúp làm đẹp sổ sách bằng việc giảm đáng kể nợ vay mà không cần phải bỏ khoản tiền nào ra. Một khi sổ sách đã “đẹp” hơn, doanh nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp tục vay vốn nếu có nhu cầu.

Đặc biệt, việc phát hành cổ phần của các doanh nghiệp cho các chủ nợ có thể nhằm mục đích khuyến khích sự tham gia chung của họ vào hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách trở thành cổ đông. Tuy nhiên, cũng có khả năng nhiều chủ nợ không mặn mà gì với doanh nghiệp nhưng không còn cách nào khác để thu hồi ngay nợ vay, do đó chấp nhận phương án phát hành cổ phần để cấn trừ nợ.

Ở một khía cạnh khác, là lợi thế của nhóm những doanh nghiệp có thanh khoản cổ phiếu cao. Doanh nghiệp đã thực hiện vay nợ ở chính trong nội bộ các công ty hay cá nhân liên quan và đổi nợ bằng cách phát hành cổ phần cấn trừ công nợ. Do cũng là “vai phải vai trái” của chính doanh nghiệp nên tất cả các khâu từ vay nợ đến kế hoạch phát hành cổ phần và phát hành thành công đều rất thuận lợi. Sau khi lượng cổ phiếu mới phát hành được niêm yết và hết thời hạn giới hạn chuyển nhượng, họ tung cổ phiếu ra thị trường, sẽ chuyển hết qua vai các cổ đông hay nhà đầu tư mới giao dịch trên sàn.

Trao đổi với ông Hoàng Thạch Lân về vấn đề có hay không khả năng phát hành cấn trừ nợ của doanh nghiệp sẽ trở thành tiền lệ xấu khi doanh nghiệp cứ “thoải mái” vay nợ rồi sau đó sẽ phát hành cổ phần để trả nợ vay, và rủi ro nào cho cổ đông, ông Lân cho biết điều này là hoàn toàn có thể. Việc vốn hóa khoản nợ sẽ giúp giảm áp lực nợ vay cũng như chi phí lãi vay. Mặc dù “nói thì dễ nhưng làm thì khó” vì vấn đề này vẫn phải phụ thuộc vào quyết định của ĐHĐCĐ, nếu các “ông chủ” doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối thì có thể hoàn toàn quyết định được vấn đề này.

Nhưng dù với mục đích gì đi chăng nữa, đây cũng là một giải pháp hữu ích giúp doanh nghiệp giảm được gánh nặng nợ vay, tăng vốn hoạt động và các chỉ số tài chính cũng trở nên “đẹp” hơn. Điều quan trọng là nhà đầu tư nhỏ lẻ cần lưu ý khi biểu quyết về các vấn đề phát hành cổ phần để cấn trừ nợ này. Bởi nếu thông qua, không ai khác chính là các cổ đông sẽ là người gánh nợ của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các kế hoạch phát hành cổ phần không phải để cấn trừ công nợ nhưng sau đó được chuyển đổi thành mục đích này, chẳng hạn như để bổ sung vốn lưu động – ông Lân chia sẻ thêm.