Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thăng hoa?
Mục tiêu của VN-Index có thể lần lượt là các mốc 1.000 và 1.200 điểm trong trường hợp các yếu tố tích cực được giữ vững, dòng vốn ngoại vẫn duy trì và gia tăng, đồng thời TTCK Việt cũng được nâng hạng.
Thị trường tăng hơn 40% kể từ đầu năm lọt vào Top tăng trưởng mạnh trên thế giới đã mang lại nhiều sự hứng khởi cho nhiều nhà đầu tư. Vậy xu hướng thị trường sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới, nhà đầu tư cần lưu ý những cổ phiếu ngành nào?
Dưới đây là nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng xoay quanh vấn đề trên.
Ông có nhận định gì về thị trường trong giai đoạn hiện nay với chuỗi tăng điểm tích cực?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng: Nguyên nhân nhờ nhiều thông tin tích cực như tăng trưởng kinh tế ổn định, chứng khoán phái sinh ra đời, dòng vốn ngoại và "sóng" thoái vốn nhà nước, kinh tế Việt Nam khởi sắc, APEC 2017 vừa kết thúc…
Nhưng để kinh doanh có lợi nhuận trong năm nay thật không dễ dàng. Đầu năm thị trường tăng đều, từ bluechip đến penny đều tăng, sau đó chuyển sang nhóm penny rồi chuyển lại midcap. Cuối năm là các bluechip như HBC, HSG, KDC, nhóm chứng khoán,… đã giảm lại nhường cho các bluechip như SAB, PNJ, FPT, VCB, VCS, VIC, VNM…
Giai đoạn cuối năm hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" diễn ra liên tục do chỉ có các bluechip lớn nằm trong VN30 tăng điểm mà thôi đã khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ thậm chí mất hết lợi nhuận kiếm được từ đầu năm. Chẳng hạn trong tuần trước đã thời điểm trong 1 phiên thị trường tăng 27 điểm nhưng có tới 150 mã giảm điểm và dưới 100 mã tăng điểm.
Những mã tăng giá hiện nay chủ yếu nằm trong VN30 và khi thị trường phái sinh giao dịch thì thị trường chứng khoán cơ sở có hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng nên đây cũng là nguyên nhân.
Về chứng khoán phái sinh, hiện nay chỉ có VN30 được giao dịch và được cấp tỷ lệ margin khá cao. Khả năng dòng tiền đã tác động lên các mã trong VN30 từ phái sinh qua thị trường cơ sở, khiến thị trường bị tác động ít nhiều.
Đánh giá của ông về việc thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp của SCIC, Bộ Công thương thoái ở Sabeco...
Đây dĩ nhiên là thông tin tích cực và cũng thể hiện rõ cam kết của Chính phủ với các nhà đầu tư.
Giai đoạn hiện nay có nhiều mã như thế nên thị trường gọi là "sóng thoái vốn" và thực tế là các mã có yếu tố này đều tăng liên tục đồng thời ảnh hưởng tích cực đến thị trường do các mã này hầu hết là bluechip.
Với làn sóng này sẽ giúp thị trường tiếp tục thăng hoa từ đây đến hết năm 2017 và sang đầu năm 2018, chí ít cũng ảnh hưởng tốt về mặt điểm số.
Nhận định của ông về thị trường cuối năm nay?
Khối ngoại mua ròng trên diện rộng trong năm 2017 nhưng có sự thay đổi vào cuối năm khi họ có nhiều phiên bán ròng, tổng khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường vẫn là mua nhưng nhờ giao dịch thỏa thuận và tập trung vào các mã lớn, bluechip, các mã được thoái vốn.
Điều này cho thấy có sự chuyển dịch trong danh mục đầu tư vào cuối năm, đây là giai đoạn khối ngoại thường cơ cấu lại danh mục của mình.
Cần lưu ý họ tập trung vào những ngành nghề được xem là an toàn, mang tính “phòng thủ”, chú trọng sự ổn định và bền vững nhiều hơn, tránh những nhóm cổ phiếu mang tính chất “mạo hiểm”.
Các ngành như lương thực thực phẩm, năng lượng, hàng tiêu dùng, đồ uống, công nghệ...
Đây cũng sẽ là những nhóm NĐTNN chú ý trong năm 2018 bởi vì một khi dòng tiền của họ chuyển sang các nhóm ngành trên thì thời gian đầu tư sẽ mang tính chất dài hạn hơn.
Đánh giá của ông về triển vọng thị trường 2018 nếu TTCK Việt được nâng hạng?
Nếu TTCK được nâng hạng sẽ là thông tin vô cùng tích cực, điều này vốn đã được thị trường chờ đợi nhiều năm nay và hầu như năm nào cũng có nhắc đến.
Khi nâng hạng dòng vốn các nơi cũng sẽ đổ về nhiều hơn do thị trường được đánh giá cao hơn, bức tranh cũng đẹp và sáng lạn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Mục tiêu của VN-Index có thể lần lượt là các mốc 1.000 và 1.200 điểm trong trường hợp các yếu tố tích cực được giữ vững, dòng vốn ngoại vẫn duy trì và gia tăng, đồng thời TTCK Việt cũng được nâng hạng.
Cảm ơn ông!