Thị trường chứng khoán thế giới: Trông đợi giá dầu

TS. HỒ HỒNG HẢI - Đại học Ngoại thương Hà Nội

(Tài chính) Thị trường chứng khoán thế giới năm 2014 có nhiều dấu hiệu tích cực với các chỉ số chứng khoán tại các thị trường lớn như: Mỹ, Anh, Nhật Bản… đều tăng điểm mạnh. Đà tăng này có tiếp tục được duy trì trong năm 2015 hay không còn phụ thuộc vào giá dầu thế giới, chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Toàn cảnh thị trường chứng khoán thế giới năm 2014

Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu năm 2014 có nhiều dấu hiệu tích cực. Thể hiện rõ nhất là chỉ số chứng khoán toàn cầu của Morgan Stanley MSCI World tăng khoảng 9,3%. Hơn nữa, chỉ số Shanghai - index và BSE - index của Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh ở mức hai con số, tương ứng là 50% và 33%. Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán của khu vực châu Âu hầu như không tăng và đặc biệt là chỉ số RTS của Nga giảm mạnh làm bốc hơi 44% giá trị chứng khoán trong vòng chưa đầy 6 tháng. Tâm lý chung trên thị trường toàn cầu là bất ổn, do xung đột vũ trang ở Nga và Trung Đông đi kèm với lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh nhằm trừng phạt hành động chiếm đóng Crimea của Nga. Bên cạnh đó, bất ổn còn đến từ những đồn đoán trên thị trường về việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng của Mỹ.

Mỹ

Sau cuộc khủng hoảng kéo dài, TTCK Mỹ có dấu hiệu phục hồi bắt đầu từ quý IV/2013. Tính chung cả năm 2014, chỉ số Dow Jones tăng 7,5% (lên ngưỡng 17.823 điểm), đánh dấu năm tăng điểm thứ 6 liên tiếp trong khi S&P 500 tiến 11,4% (lên ngưỡng 2.058 điểm) và Nasdaq tăng vọt 13,4% (lên ngưỡng 4.736 điểm), ghi nhận năm tăng điểm thứ ba liên tiếp của cả hai chỉ số này. Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ thể hiện thông qua các chỉ số việc làm và chỉ số trên thị trường bất động sản. Việc làm tăng nhanh thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1999 (Theo Financial Times). Thị trường nhà đất phục hồi mạnh xóa tan những nghi ngờ trên thị trường về đà phục hồi chậm dần. Chính phủ Mỹ đã đạt được thành công lớn trong 2 năm gần đây khi chính sách vĩ mô đã gặt hái được một thành quả hiếm gặp là hồi phục kinh tế nhanh trong khi duy trì lạm phát thấp. Nguyên nhân chính của hồi phục kinh tế nhanh chóng là các DN Mỹ duy trì được tăng trưởng ổn định với nền tảng tài chính vững chắc. DN với nền tảng mạnh là cơ sở để giảm thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế và gia tăng lợi suất đầu tư chứng khoán. Một yếu tố quan trọng khác là giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh trong năm qua sau đà tăng giá mạnh trong suốt thời kỳ khủng hoảng. Tính đến tháng 12/2014, giá dầu Brent đã giảm trên 40% so với cùng kỳ năm 2013. Giá dầu giảm đã làm tổng thu nhập của các hộ gia đình tăng thêm khoảng 100 tỷ USD (theo tính toán của Morgan Stanley). Hơn nữa, giá lương thực thế giới giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái làm sức mua của thu nhập từ hộ gia đình tăng...

Thị trường chứng khoán thế giới: Trông đợi giá dầu - Ảnh 1

Với những kết quả khả quan từ quý IV/2013, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục cắt giảm các gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm mục đích đưa lãi suất dần về trạng thái tự điều chỉnh theo thị trường. Từ tháng 1/2014, FED cắt giảm 10 tỷ USD hàng tháng trong các gói kích cầu và dự tính sẽ cắt giảm toàn bộ vào giữa năm 2015.

Châu Âu

Trong năm 2014, chỉ số chứng khoán Anh (FTSE 100) tăng trưởng âm ở mức -2,4%, phản ánh mức điều chỉnh lớn trên thị trường trong năm so với mức tăng trưởng gần 15% vào năm ngoái. Việc đảo chiều mạnh mẽ của chỉ số trung bình trên thị trường phản ánh sự bất ổn trong niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường này. Nguyên nhân của sự bất ổn có thể kể đến là cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland về việc tách khỏi Khối Liên hiệp Anh và Bắc Ailen, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như những bất ổn trên lãnh địa Trung Đông. Mặc dù vậy, năm 2014 cũng có nhiều tín hiệu khả quan với tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh xuống còn 6,2%, tương đương với năm 2008. Tốc độ tăng GDP cũng đạt mức 3%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (1%).

Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng chứng kiến hiện tượng đảo chiều trong năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số thất nghiệp giảm, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu tăng mạnh thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư. Ngay cả Hy Lạp cũng cho thấy, tốc độ phục hồi nhanh chóng và tiến đến tăng trưởng. Tuy nhiên, nền kinh tế trong khu vực này 6 tháng cuối năm có dấu hiệu tăng chậm, đưa mức bình quân của TTCK cả năm 2014 của toàn khu vực vào khoảng 2,8%. Trong nửa cuối của 2014, nền kinh tế khu vực Eurozone bị ảnh hưởng mạnh bởi lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu đối với Nga, vì kim ngạch xuất khẩu trung bình của Liên minh châu Âu (EU) vào Nga là 120 tỷ Euro, trong khi Nga là bên cung cấp khí đốt chủ yếu cho cả EU.

Thị trường chứng khoán thế giới: Trông đợi giá dầu - Ảnh 2

Hậu quả là, tại thời điểm ban hành lệnh cấm đối với một số mặt hàng của Nga xuất khẩu vào EU vào tháng 10/2014, chỉ số chứng khoán DAX của Đức (đối tác số 1 của Nga tại châu Âu) giảm xuống còn 587 điểm, mất 13,5% so với đầu năm và đưa mức tăng trưởng cả năm về gần mức 0%. Tính chung cả năm 2014, chỉ số DAX của Đức tăng 2,65% (dừng ở ngưỡng 9.805,55) và chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,07% (ở ngưỡng 4.272,75 điểm). Trong bối cảnh đó, các dự báo về triển vọng kinh tế của khu vực EU cũng không mấy khả quan. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm và đồng Euro đang có giá cao là những quan ngại lớn của giới đầu tư vào khu vực này.

Nhật Bản

TTCK Nhật Bản tăng trưởng mạnh trong năm 2014. Tính chung trong năm, chỉ số Nikkei 225 tăng 7,12%. Chỉ số TOPIX tăng 8,51% từ đầu năm đến giữa tháng 12 cho thấy, tác dụng tích cực của hàng loạt chính sách của Thủ tướng Abe. Chương trình cải tổ kinh tế của Thủ tướng Abe tập trung vào việc tăng chi tiêu Chính phủ ngắn hạn, tăng các gói nới lỏng định lượng để thúc đẩy chỉ số giá, cải cách về thuế và cải tổ thị trường lao động nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi thời kỳ giảm phát kéo dài. Mục tiêu cụ thể là tăng trưởng GDP và đưa lạm phát lên 2%. Kết quả là, tỷ lệ lạm phát tính đến giữa tháng 11/2014 đã vượt chỉ tiêu ở mức 2,1% nhưng tốc đố tăng GDP không được cải thiện. Tính đến hết quý III/2014, GDP đã giảm 1,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm đặc biệt trong chính sách của Thủ tướng Abe là tăng thuế tiêu dùng từ 5 lên 8% và dự kiến tăng lên 10% vào tháng 10/2015. Thuế tăng trong khi GDP khá trì trệ và chỉ số giá tăng ảnh hưởng trực tiếp lên thu nhập của hộ gia đình và cầu tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến khả năng Chính phủ phải tiếp tục bơm vào nền kinh tế các gói nới lỏng định lượng và tăng chi tiêu Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản xoay hướng quản lý quỹ lương hưu (GPIF) có giá trị khoảng 1,300 tỷ USD như một phần của chính sách nới lỏng định lượng.

Thị trường chứng khoán thế giới: Trông đợi giá dầu - Ảnh 3

Các nền kinh tế mới nổi

TTCK của một số nền kinh tế mới nổi lại có xu hướng biến động trái chiều trong năm 2014. Trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng tới 57,12% nhờ những cú bứt phá trong 2 tháng cuối năm với việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ. và chỉ số BSE-Index (Ấn Độ) tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ 2 con số trong năm 2014 thì chỉ số Russia RTS (Nga) giảm nhanh và mạnh. Tại Nga, chỉ số RTS-Index tụt giảm không phanh do những bất ổn liên quan đến cuộc chiến ở Crimea, căng thẳng lên cao trong quan hệ với Ukraine và đòn trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và EU. Ở chiều ngược lại, TTCK Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng rất mạnh với tốc độ tương ứng là 50% và 33%. Biến động ngược chiều của các nền kinh tế lớn trong khối thị trường mới nổi làm lợi suất bình quân trên toàn khu vực chỉ tăng khoảng 3%.

Đà tăng trưởng tại TTCK Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều khả năng tiếp diễn vì một số lợi thế trong dài hạn như thị trường non trẻ có tốc độ tăng nhanh, tầng lớp trung lưu chiếm tỷ trọng lớn ngày càng giàu có, kim ngạch thương mại giữa các nền kinh tế mới nổi tăng, do chính sách tự do hóa của Ấn Độ và Trung Quốc...

Những vấn đề ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới

Một trong những điểm nhấn của TTCK toàn cầu là chương trình điều phối các gói nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chính phủ Mỹ đã liên tục bơm tiền mặt vào nền kinh tế thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Theo đó, FED mua 85 tỷ USD trái phiếu hàng tháng trong cả năm 2013, lập một kỷ lục trong 37 tháng mua trái phiếu liên tiếp. Với những kết quả khả quan về việc làm và phục hồi kinh tế, Mỹ đã bắt đầu cắt giảm lượng trái phiếu mua vào từ cuối tháng 12/2013 còn 75 tỷ USD mỗi tháng và tiến dần tới cắt toàn bộ gói nới lỏng định lượng vào khoảng tháng 6/2015.

Việc Chính phủ Mỹ cắt giảm gói nới lỏng định lượng thứ 3 vào trung tuần tháng 10 đã lấy mất 150 điểm của chỉ số S&P500. Trước đó, việc kết thúc gói QE1 và QE2 cũng lần lượt làm chỉ số S&P500 mất 9 và 11,6%. Điều này cho thấy tiền mặt của Chính phủ Mỹ là động lực rất mạnh của hồi phục kinh tế.

Thị trường chứng khoán thế giới: Trông đợi giá dầu - Ảnh 4

Chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ cũng có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi. Một lượng lớn trái phiếu chính phủ bị thu hồi trong thời gian dài làm lãi suất trên thị trường Mỹ duy trì ở mức rất thấp. Điều này khuyến khích các nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường mới nổi tuy rủi ro cao nhưng có mức lợi suất hấp dẫn. Vì vậy, các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil là bên hưởng lợi của chính sách tiền tệ lỏng ở Mỹ. Tuy nhiên, khi Chính phủ Mỹ cắt giảm dần lượng tiền mặt trong lưu thông, TTCK của các nền kinh tế mới nổi ngay lập tức bị ảnh hưởng vì nỗi lo dòng vốn sẽ quay ngược trở về Mỹ.

Theo nhận định của Morgan Stanley, 5 nền kinh tế Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Indonesia là những nền kinh tế “mong manh dễ vỡ” vì liên tục có tốc độ tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát cao.

Ngoài ra, các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan và Brazil lại có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng và chịu tác động lớn khi thị trường bất động sản nguội lạnh. Sự suy yếu của những nền kinh tế lớn trong khu vực làm ảnh hưởng đến cả các quốc gia thuộc Mỹ Latinh vì các sản phẩm xuất khẩu của họ chủ yếu nhằm vào các thị trường mới nổi. Hơn nữa, đòn trừng phạt của Mỹ, Anh và EU nhằm vào Nga làm trầm trọng hơn những bất ổn trong khu vực này.

Vào tháng 10/2014, EU gần như “đóng băng” quan hệ thương mại có kim ngạch 120 tỷ Euro với Nga. Đồng thời, Mỹ can thiệp làm giảm giá mạnh mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga là dầu mỏ đã đưa nền kinh tế Nga vào bờ vực suy thoái. Kết quả là, kể từ đầu tháng 7 đến nay, TTCK Nga đã “bốc hơi” gần 44%. Căng thẳng giữa Nga và khối NATO thực sự là một mối đe dọa đối với TTCK toàn cầu.

Triển vọng của thị trường chứng khoán 2015

Triển vọng của TTCK năm 2015 được đánh giá khác nhau qua lăng kính của các chuyên gia. Morgan Stanley dự báo, 2015 sẽ là một năm kinh tế thế giới “khó khăn, gập ghềnh và tăng trưởng thấp” với ngoại lệ là nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Goldman Sachs lại cho rằng, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 sẽ đạt mức khả quan là 3,5%.

Theo Goldman Sachs nền kinh tế Mỹ sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 3% cùng sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động tiêu dùng nội địa, mua nhà ở và chi tiêu cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, giá dầu giảm mạnh sẽ bù đắp ảnh hưởng tiêu cực của việc đồng USD tăng giá.

Ở khu vực đồng Euro, tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 1%, thấp hơn nhiều so với Mỹ. Hai yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng trong khu vực là đồng Euro yếu và giá dầu giảm. Tuy nhiên, nguy cơ tăng trưởng chậm kéo dài dẫn đến giảm phát, trì hoãn tiêu dùng, hạn chế sản xuất và đẩy nền kinh tế khu vực vào vòng suy thoái. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán.

TTCK Nhật Bản trong năm 2015 mang nhiều tín hiệu khả quan, tăng trưởng lợi suất cổ phiếu trung bình có thể đạt mức hai con số (từ 10 - 11%) do Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh chính sách trong năm 2014. Các nhà đầu tư trong nước được khuyến khích đầu tư vào cổ phiếu nội địa, giảm bớt phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Quỹ lương hưu 1.300 tỷ USD được tăng tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu lên 50% là động lực lớn cho TTCK. Ngoài ra, việc tăng thuế tiêu dùng lên 10% được hoãn đến 2017 là một yếu tố tích cực hỗ trợ cầu tiêu dùng.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, có 2 điểm đáng lưu tâm.

Một là, giá dầu giảm làm giảm áp lực lạm phát ở nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này cho phép ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất. Giá dầu giảm vô hình chung chuyển thu nhập từ những nước xuất khẩu dầu sang nước nhập khẩu. Kết quả là các nền kinh tế như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ hưởng lợi trong khi Nga, Ukraine, Venezuela chịu ảnh hưởng tiêu cực. TTCK tại các nước này theo đó cũng sẽ có những biến động khác nhau.

Hai là, đối với Trung Quốc, Chính phủ cần nhiều nguồn lực để giải quyết sự mất cân đối trong chiến lược phát triển tín dụng và bất động sản nên triển vọng tăng trưởng trong năm tới không xán lạn. Mặc dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc vẫn có một điểm sáng là tầng lớp trung lưu gia tăng làm tăng cầu các hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, các công ty cung cấp sản phẩm này lại đang bị định giá cao so với các công ty tương tự ở các thị trường phát triển. Nhìn chung, các nhà đầu tư không tỏ ra mặn mà với tốc độ tăng trưởng rất cao của TTCK Trung Quốc, vì nền kinh tế này tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Tóm lại, một điểm xuyên suốt trong các nhận định về triển vọng của TTCK thế giới trong năm 2015 là trông đợi những biến động của giá dầu. Biến động giá dầu sẽ quyết định kịch bản của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới. Nếu giá dầu tiếp tục giảm hoặc duy trì ở mức thấp, nền kinh tế thế giới sẽ tăng thêm khoảng 0,3% (theo tính toán của Morgan Stanley). Ngược lại, nếu giá dầu quay đầu tăng lên thì các yếu tố hỗ trợ cho quá trình phục hồi sẽ biến mất và nền kinh tế toàn cầu sẽ lại rơi vào thời kỳ bất ổn. Triển vọng của TTCK trong năm 2015 cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách nới lỏng tiền tệ tại Mỹ, EU và Nhật Bản. Ngoại trừ Mỹ và Anh có chính sách cắt giảm các gói nới lỏng định lượng dần dần, các nền kinh tế lớn khác đều có lý do duy trì chính sách tiền lỏng vì lo sợ rơi vào vòng xoáy giảm phát mới.