Thị trường chứng khoán tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng
Câu chuyện nâng hạng đang thu hút sự quan tâm của giới phân tích cũng như nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, nhất là khi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, các thành viên thị trường nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt để đáp ứng tiêu chí nâng hạng của các tổ chức xếp hạng.
Hiện nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi.
Có thể được nâng hạng vào tháng 9/2025
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo sửa đổi 4 thông tư quan trọng nhằm nâng hạng TTCK lên mức mới nổi vào năm 2025. Một trong những thay đổi chính là việc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ 100% tiền trước khi giao dịch (pre-funding) cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Theo dự thảo, công ty chứng khoán (CTCK) sẽ đánh giá rủi ro để xác định mức ký quỹ khi đặt lệnh mua và nếu tổ chức nước ngoài không thanh toán đủ, CTCK sẽ xử lý phần cổ phiếu đã mua. Một thay đổi quan trọng khác là rút ngắn thời gian thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài từ T+1 sang sáng ngày T+2.
SSI Research đánh giá thay đổi này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.
Bên cạnh quy định gỡ vướng giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo mới cũng yêu cầu tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) phải công bố thông tin bằng tiếng Anh.
“Việc sửa đổi này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như sẽ giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin”, SSI Research nhận xét.
Theo đó, SSI Research kỳ vọng thông tư sẽ sớm được triển khai trong quý IV/2024 và là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.
Việc chuyển từ thị trường cận biên lên mới nổi không chỉ là thay đổi tên gọi, mà còn là sự thay đổi về chất với dòng vốn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp. Được FTSE nâng hạng sẽ tạo cơ hội lớn giúp TTCK Việt Nam thu hút sự chú ý từ MSCI, đặc biệt khi danh sách các thị trường có tiềm năng nâng hạng lên mới nổi đang ngày càng hạn chế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ đề xuất trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024 sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán với một số điểm mới liên quan đến nâng hạng TTCK.
Trong đó, thành viên bù trừ bao gồm CTCK, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh.
Điều luật mới cũng cho phép Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) được thành lập pháp nhân riêng để triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), qua đó giảm thiểu rủi ro cho VSDC.
Đây được coi là những bước đi quan trọng để giải quyết một cách căn bản, dài hạn vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) trên cơ sở tổ chức và triển khai thành công hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế CCP, qua đó tiến gần tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi.
Cơ hội thêm rộng mở
Việc nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu rõ ràng cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.
Đồng thời, nâng hạng TTCK không chỉ thu hút nguồn vốn dành cho TTCK niêm yết, mà còn thu hút cả nguồn vốn dành cho thị trường vốn cổ phần chưa niêm yết.
Cụ thể, nâng hạng TTCK sẽ trực tiếp góp phần nâng cao tiêu chuẩn về thị trường vốn cổ phần của Việt Nam, sẽ thu hút nguồn vốn lớn hơn và mở rộng thêm số lượng cũng như chất lượng các nhà đầu tư vốn cổ phần vào Việt Nam.
Qua đó sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam trong một năm, dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới.
Khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, SSI Research ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF có thể đạt tới 1,6 tỷ USD, chưa kể đến dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các chính sách nhằm tạo điều kiện nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, kết hợp với những cải cách nhằm nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực tài chính là một yếu tố quan trọng góp phần đạt được những mục tiêu đó.
"Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi", ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra lưu ý, TTCK khi được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích nên thách thức lớn nhất là đảm bảo đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng.
Vì vậy, để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự “khỏe mạnh”, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả các nhà đầu tư tham gia trên thị trường.