Nâng cao năng lực quản trị công ty cho mục tiêu nâng hạng thị trường
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang tập trung cho mục tiêu lên hạng thị trường, các doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao năng lực quản trị công ty, vượt lên trên sự tuân thủ, đáp ứng các thông lệ quốc tế.
Quản trị công ty tốt là một trong những yếu tố rất quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó tại Việt Nam. Ông Trần Bằng Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Solutions – Giải pháp Phát triển Đông A đã có những chia sẻ về vai trò của quản trị công ty, đặc biệt trong nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về mức độ quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay?
Ông Trần Bằng Việt: Khi doanh nghiệp niêm yết, lên sàn, chắc chắn họ phải tuân thủ những yêu cầu, tiêu chuẩn do Luật Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định. Có thể thấy, danh sách các doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là không ít. Điều này có hai mặt, một mặt là còn nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt lắm, mặt khác cho thấy, cơ quan quản lý đang làm rất chặt chẽ và nỗ lực minh bạch hóa thị trường. Do đó, mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp có xu hướng ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế, mức tuân thủ tốt này mới chỉ đáp ứng được ở thị trường cận biên thôi. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, các doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn. Khi đó, các doanh nghiệp không chỉ phải tuân thủ mà còn phải vượt trên cả sự tuân thủ.
Với những yêu cầu khắt khe của thị trường mới nổi, có một thực trạng là, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được. Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 80 doanh nghiệp mới vượt trên sự tuân thủ này, đáp ứng được các yêu cầu về quản trị theo thông lệ quốc tế, có công bố thông tin song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh.
Ví dụ như là hiện nay, trong báo cáo thường niên của chúng ta có những yêu cầu về vấn đề tích hợp những nội dung về phát triển bền vững, báo cáo phát triển bền vững. Các doanh nghiệp vượt lên sự tuân thủ đã chủ động lập báo cáo phát triển bền vững, tách biệt thành một báo cáo độc lập và thậm chí là tuân thủ những chuẩn mực cao nhất về báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tôi nhắc lại, quản trị công ty không đơn thuần là tuân thủ các quy định của pháp luật mà phải vượt lên trên sự tuân thủ.
Phóng viên: Vậy, theo ông, để vượt lên trên sự tuân thủ, các doanh nghiệp niêm yết cần cải thiện yếu tố gì?
Ông Trần Bằng Việt: Có hai yếu tố đặc biệt được chú ý đến để cải thiện chất lượng quản trị công ty là tính liêm chính và minh bạch.
Khi nói về tính minh bạch, chúng ta nói về hệ thống, bộ máy doanh nghiệp. Bởi minh bạch chính là kết quả của hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ về việc tuân thủ pháp luật và điều lệ công ty và trách nhiệm giải trình của bộ máy quản lý như hội đồng quản trị.
Trong khi đó, đối với liêm chính, chúng ta nói về cá nhân, cam kết của thành viên hội đồng quản trị, cổ đông lớn… đối với thị trường, với nhà đầu tư, với sự tuân thủ là như thế nào.
Chúng ta cũng nhắc rất nhiều về câu chuyện người lãnh đạo phải làm gương cho tổ chức của mình. Người lãnh đạo trong trường hợp này chính là chủ tịch hội đồng quản trị, với một số doanh nghiệp còn là người sáng lập (founder).
Nếu như lãnh đạo doanh nghiệp không có tầm nhìn lớn, quyết tâm mạnh mẽ quản lý, yêu cầu hệ thống bộ máy doanh nghiệp nâng chất, nâng tầm, nâng quản trị công ty lên thì bộ máy công ty đó chỉ chạy cho vừa phải, tuân thủ theo tính chất là để cho có hoặc là để cho nó đầy đủ về mặt hình thức.
Vì vậy, vai trò của người lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Người lãnh đạo công ty không chỉ biết làm mà còn phải truyền được động lực cho tất cả cấp dưới của mình, cùng tham gia vào quá trình giám sát, thúc đẩy để phát huy tính minh bạch, vượt lên sự tuân thủ.
Phóng viên: Quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế là một trong những yếu tố rất quan trọng đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường. Làm sao để nâng cao và lan tỏa nhận thức của người lãnh đạo về quản trị công ty?
Ông Trần Bằng Việt: Cơ quan quản lý nhà nước luôn nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế phục hợp với bối cảnh thực tế để các doanh nghiệp tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, đáp ứng các tiêu chuẩn theo những chính sách mới, nghị định mới theo cách thức khác nhau là khó khăn. Đôi khi, doanh nghiệp cần một động lực hơn là một nghị định. Họ không muốn bắt buộc phải làm gì mà muốn biết sẽ làm theo cách nào là tốt nhất, tại sao nên làm. Khi đó, sự chia sẻ của các chủ tịch với nhau có thể mang lại nhiều lợi ích hơn. Đó là lý do Câu lạc bộ Chủ tịch ra đời (tháng 7/2024).
“Gió tầng nào, mây tầng đó”, các chủ tịch cùng ngồi với nhau, nói chuyện với nhau theo ngôn ngữ và mối quan tâm của người lãnh đạo sẽ cực kỳ quan trọng trong việc lan tỏa nhận thức về quản trị công ty, thay đổi hiện trạng của doanh nghiệp Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!