Thị trường chứng khoán: Tự doanh chứng khoán kỳ vọng tương lai tươi sáng

Theo Tô Lan/Tinnhanhchungkhoan.vn

Hàng loạt công ty chứng khoán tạm ghi lỗ tự doanh trong quý I khi phải đánh giá lại tài sản tài chính theo giá thị trường tại thời điểm cuối quý. Nhưng với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong gần một tháng qua, tình hình quý II có thể sẽ khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ðối với công ty chứng khoán, các tài sản là tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) khi thoả mãn điều kiện tài sản tài chính được phân loại vào nhóm nắm giữ để kinh doanh - tức được mua hoặc tạo ra chủ yếu cho mục đích mua đi/bán lại trong thời gian ngắn; có bằng chứng về việc kinh doanh công cụ đó nhằm mục đích thu lợi ngắn hạn; hoặc công cụ tài chính phái sinh (ngoại trừ các công cụ tài chính phái sinh được xác định là một hợp đồng bảo lãnh tài chính hoặc một công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả).

Có thể hiểu đơn giản, đây là hoạt động được phân vào mảng tự doanh của công ty chứng khoán.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, danh mục tự doanh của công ty chứng khoán không chỉ là khoản tự đầu tư của bộ phận này, mà còn có thể bao gồm cả những cổ phiếu mà công ty đang làm dịch vụ “gom” hộ các nhà đầu tư và sẽ bán lại với mức giá (đã kèm phí) thương lượng trước; hoặc có thể là những thoả thuận nhà đầu tư bán cho công ty chứng khoán và cam kết mua lại với giá và kỳ hạn nhất định.

Các tài sản tài chính FVTPL được ghi nhận theo giá gốc và được tiếp tục ghi nhận sau ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lý.

Khoảng chênh lệch tăng/giảm do đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL theo giá thị trường so với kỳ trước sẽ khiến tổng doanh thu và tổng chi phí công ty chứng khoán tăng/giảm tương ứng, qua đó tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chính vì việc đánh giá lại tại thời điểm cuối mỗi quý và ghi nhận theo giá trị hợp lý đã đẩy các công ty chứng khoán vào trạng thái báo lỗ nặng mảng tự doanh khi mà phần chênh lệch giảm đột biến so với cùng kỳ, kéo theo chi phí hoạt động công ty tăng mạnh.

Tuy nhiên, khi nào chưa hiện thực hoá giao dịch thì công ty chứng khoán còn chưa mất tiền. Mảng tự doanh của công ty chứng khoán có thể cải thiện ở các quý sau, nếu diễn biến thị trường thuận lợi, nhất là với những danh mục tự doanh có những cổ phiếu chất lượng.

Nhìn vào danh mục tự doanh của nhiều công ty chứng khoán, không khó để nhận ra, chủ yếu là các cổ phiếu đầu ngành, nằm trong rổ VN30 và những cổ phiếu đang có cơ bản khá tốt, hoặc có những câu chuyện riêng như REE, FPT, VNM, MSN, MBB, GEX, MML, DIG, HPG, CTD, HT1, KDH…

Trong một tháng qua, cổ phiếu DBC tạo ấn tượng với mức tăng 81%, từ mức 13.704 đồng/cổ phiếu lên 24.800 đồng/cổ phiếu, thậm chí có lúc lên đến 28.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 104% (phiên 17/4).

Hiện giá cổ phiếu DBC đang có sự điều chỉnh. Ðà tăng của cổ phiếu này đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh khi nhu cầu về thực phẩm (thịt lợn) tăng mạnh trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng có xu hướng tích trữ nhiều hơn.

Giá thịt heo ghi nhận tại các siêu thị cũng tăng tốt.

Cùng ngành thực phẩm, cổ phiếu “họ” Masan như MSN và MML cũng tăng rất tốt, 21% và 29% trong 1 tháng qua. Ðà tăng đến từ kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu tăng cao trong mùa dịch và những lợi thế cạnh tranh mà những doanh nghiệp này sở hữu.

Chẳng hạn, MML (chuyên sản xuất và cung cấp thịt mát Meat Deli) có lợi thế là đơn vị tiên phong công nghệ thịt mát cộng hưởng với lợi thế về hệ thống phân phối từ Tập đoàn mẹ Masan, đặc biệt sau thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+.

MWG đang đẩy mạnh chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh và ghi nhận những tín hiệu tích cực qua từng năm.

Doanh thu bán hàng của chuỗi này trong những tháng đầu năm tăng tốt, nhưng với việc đóng cửa nhiều cửa hàng (ở chuỗi Ðiện Máy Xanh, Thế giới di động, trong khi tỷ trọng đóng góp của Bách Hoá Xanh chưa quá lớn) theo yêu cầu yêu cầu đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu ở các vùng dịch cũng là yếu tố lo ngại khiến giá cổ phiếu này giảm sâu trong giai đoạn tháng 3 vừa qua.

Nhưng triển vọng của MWG cũng nằm ở chính điểm này, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát thì cơ hội tăng trưởng cho MWG được giới đầu tư trông chờ.

HPG là cổ phiếu có biến động mạnh trong quý I, giảm hơn 38% trong quý đầu năm, nhưng cũng có những đợt hồi phục mạnh mẽ.

Chỉ trong một tháng qua, HPG trở lại với mức tăng 28% trước thông tin kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng 27% và kỳ vọng việc đẩy mạnh đầu tư công nhằm kích cầu kinh tế sẽ thúc đẩy tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Trong khi đó, ở những cổ phiếu khối bất động sản như DIG, KDH… được giới đầu tư kỳ vọng sẽ có một năm tăng trưởng tốt nhờ kế hoạch bàn giao nhiều dự án trong năm nay và kế hoạch chuyển nhượng dự án, chào bán dự án mới.

Tuy nhiên, yếu tố “thiên nga đen” Covid-19 đã tác động không nhỏ đến cổ phiếu nhóm này. Ghi nhận của phóng viên, thậm chí một doanh nghiệp bất động sản ở Ðà Nẵng đang tiến hành bàn giao dần căn hộ cho khách, nhưng vì giãn cách xã hội và dịch lan rộng, nhiều khách cũng thay đổi kế hoạch nhận sản phẩm.

Ðiều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản tạm thời chậm hạch toán doanh thu, lợi nhuận từ dự án.

Ba tuần đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đã trình diễn màn tăng ấn tượng với mức tăng 120 điểm, nhiều cổ phiếu trên thị trường đã hồi phục 20 - 40% từ đáy.

Ở khối tự doanh chứng khoán cũng ghi nhận đà bán ròng tích cực. Ðiều này mở ra những kỳ vọng, khối tự doanh công ty chứng khoán được hoàn nhập một phần dự phòng, thậm chí ghi nhận lãi.