Thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm trũng hút vốn trong khu vực

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Ông Huỳnh Minh Tuấn, CEO Biên An Toàn, Giám đốc Kinh doanh Chứng khoán VNDirect nhận định, về mặt bằng định giá chung, hiện tại P/E của chúng ta đang ở mức quanh 16x, mức rẻ so khu vực Đông Nam Á và so với các thị trường EM Đông Á và Trung Á như Ấn Độ thì càng hấp dẫn hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm trũng hút vốn trong khu vực. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm trũng hút vốn trong khu vực. Nguồn: internet

Phóng viên: Tuần giao dịch cuối tháng 6 kết thúc với nhiều thông tin tích cực như: Cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, FED không tăng lãi suất... Ông đánh giá các sự kiện này ảnh hưởng thế nào tới TTCK Việt Nam?

Ông Huỳnh Minh Tuấn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Đây có thể nói là tổ hợp sự kiện có lợi với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam nhất trong vài năm trở lại đây kể từ khi Việt Nam tham gia WTO, CPTPP (dù hiệu ứng ít hơn).

Thường đối với thị trường chứng khoán của một nền kinh tế mới nổi được xếp hạng cận biên (FM), mức độ phản ứng tương quan thường rất cao (beta cao) với các sự kiện kinh tế và chính trị mang tầm vĩ mô toàn cầu. TTCK nhiều lần “sấp mặt” trước các sự kiện này trong quá khứ như ông Donald Trump chính thức đánh thuế, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông của Việt Nam, căng thẳng Syria… 

Do vậy, về tính hiệu ứng của nhóm sự kiện gần đây, tôi đánh giá là tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt về dài hạn. Đầu tiên câu chuyện hưu chiến “tradewar” là tương đối tích cực khi nó không gây áp lực quá lớn lên quá trình tái cấu trúc dòng vốn đầu tư toàn cầu, điều này trong quá khứ đã khiến dòng vốn ngoại thoát khỏi thị trường Việt Nam mạnh trong quý II/2018.

Tiếp đó, việc FED điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình cũng mang lại sự “an ủi” và “kỳ vọng” đáng kể cho thị trường tài chính toàn cầu vì áp lực cũng tương tự như trên đó là hiệu ứng outflow sẽ giảm và thêm nữa là tỷ giá nội tệ sẽ được bảo vệ và bình ổn hơn, đây là 2 sự kiện ảnh hưởng tích cực cho toàn cục chứ ko riêng gì Việt Nam.

Riêng hiệp định EVFTA sẽ tác động trực diện theo chiều hướng tốt với nền kinh tế Việt, khi mở ra một thị trường với hơn 740 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người lên tới gần 27.000 USD/người. Tiềm năng trong dài hạn cũng rất lớn, quan trọng là chúng ta tận dụng và thích nghi như thế nào.

Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, ông đánh giá nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi?

Nhìn chung, việc EVFTA có hiệu lực sẽ giúp khoảng 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Cụ thể, 71% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được cắt giảm thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và phần còn lại được cắt giảm thuế về 0% theo lộ trình kéo dài từ 3-7 năm. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất lớn của các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường EU như: thủy sản, dệt may, gỗ…

Tuy vậy, hiệp định EVFTA được ký kết sẽ vừa mở ra cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt.

Với nhóm cá tra, mức thuế cá tra vào EU sẽ được giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm, qua đó sẽ giúp cá tra Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh với cá Pollock, đặc biệt ở phân khúc "fish finger". Điều này đặt ra triển vọng cho những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và nhà đầu tư có thể quan tâm.

Tuy vậy, thách thức cũng đặt ra với nhóm doanh nghiệp này khi thị trường EU có xu hướng ưu tiên lựa chọn thực phẩm tự nhiên hơn và các sản phẩm chất lượng cao hơn. Do đó, các sản phẩm cá tra xuất vào thị trường này phải đáp ứng tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản).

Với nhóm dệt may, thuế xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào EU được cắt giảm theo lộ trình xuống 0% trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đây là sự ưu đãi thuế lớn nếu so với việc các doanh nghiệp dệt may đang phải chịu vùng thuế xuất khẩu dao động trong 6 - 12% tại thị trường EU.

Dù vậy, không phải nhà xuất khẩu nào cũng có thể tận dụng lợi thế thương mại này. Theo quy định về nguồn gốc xuất xứ của EVFTA, vải xuất khẩu phải có nguồn gốc từ Việt Nam, khối EU hoặc một quốc gia đã ký FTA với khối EU thì doanh nghiệp dệt may xuất khẩu mới đủ điều kiện được miễn giảm thuế theo quy định của hiệp định.

Vì vậy, chỉ có các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khép kín "Sợi - Vải - May" và có đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mới có khả năng khai thác tốt lợi thế cạnh tranh từ hiệp định này.

Một nhóm ngành khác sẽ hưởng lợi trong trung, dài hạn là ngành cảng biển. Theo đó, nhóm này có thể hưởng lợi từ nhiều yếu tố cộng hưởng như chiến tranh thương mại và các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Trong 6 tháng cuối năm, ông đánh giá các sự kiện trong và ngoài nước nào ảnh hưởng trọng yếu tới TTCK Việt Nam?

6 tháng về cuối năm 2019 sẽ có khá nhiều sự kiện mang tính trọng yếu, trong đó vẫn là những gương mặt thân quen và tiến trình tiếp diễn đàm phán tradewar hay các cuộc họp về quan điểm điều hành lãi suất của FED là trọng yếu nhất.

Ngoài ra, những xung đột điểm nóng từ việc tái định vị chiến lược vả ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ trong khu vực Trung Á hay châu Á Thái Bình Dương vẫn cần theo dõi.

Nhiều nhà đầu tư tại các diễn đàn đã “mơ mộng” về con số 1.000 điểm của VN-Index, thậm chí là vượt đỉnh lịch sử VN-Index xác lập hồi tháng 4/2018. Ông đánh giá thế nào về khả năng này?

Việc “fix” về dự đoán điểm số thường không mang lại độ chính xác cao vì tính bất ổn định của thị trường tài chính chứng khoán, nên tôi thường dùng câu chuyện định giá tương đối để quan sát và có chiến lược đầu tư hợp lý.

Về mặt bằng định giá chung, hiện tại P/E của chúng ta đang ở mức quanh 16x, mức rẻ so khu vực Đông Nam Á và so với các thị trường EM Đông Á và Trung Á như Ấn Độ thì càng hấp dẫn hơn vì P/E của Ấn lên tới gần 28x lần, P/E của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc 16x và Đài Loan 14x.

gap-go-thu-4

Việc so sánh như thế để thấy chúng ta hấp dẫn về mặt định giá so với khu vực và dễ hứng các dòng “capital flight” (tháo vốn) hơn cả, kết hợp với việc dịch chuyển xu hướng FDI, FII sau hiêụ ứng tradewar thì rõ ràng thị trường Việt đang là một điểm trũng để hút vốn.

Tuy nhiên, xét về nội tại việc mặt bằng lãi suất của ta đang duy trì ở mức cao hơn so với trung bình khu vực cũng chính là tác nhân của việc định giá tương đối theo thu nhập chúng ta rẻ.

Nói như vậy để thấy chúng ta cũng có nhiều vấn đề đang tắc như tín dụng tăng chậm lại, mức độ dễ tổn thương của thị trường hay chi phí ngầm lớn… gây cản trở và làm giảm kỳ vọng thu nhập của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp lớn trong đó.

Vì vậy về mặt dự phóng thì tôi thấy rằng với trạng thái hiện tại cũng như những nhân tố kỳ vọng tương lai thì Việt Nam xứng đáng có một mức P/E cao hơn 10-15% cho 1-2 năm tới.

Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung mua nhóm cổ phiếu nào?

Nhóm ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, tiện ích tiêu dùng. Hiện tại, tôi kỳ vọng sự phân hoá chất lượng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và có nhiều mã đã thích nghi với tình hình mới, triển vọng thu nhập sau thời gian cơ cấu 2018-2019 sẽ sáng hơn.

Kế đến là dòng bất động sản khu công nghiệp đã phản ánh nhiều vào giá sau gần 6 tháng hiệu ứng, tuy nhiên nhìn kỹ vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp tiềm năng.

Tiếp theo sẽ là nhóm tiện ích và tiêu dùng vẫn là những nhóm ngành phòng thủ chất lượng đi kèm với nhóm ngành năng lượng.

Cuối cùng các thương vụ thoái vốn chất lượng từ nhóm doanh nghiệp nhà nước vẫn rất đáng dể theo dõi và đón đầu. Về tỷ trọng tôi nghĩ rằng khó có một đáp án chung chung được.

Xin cảm ơn ông!