Thị trường chứng khoán Việt Nam “trưởng thành” sau một phần tư thế kỷ

Minh Lâm

Sau 28 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chất và lượng, đang có những cơ hội để nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi như mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Kênh dẫn vốn quan trọng và bền vững

Thị trường chứng khoán xuất hiện trên thế giới cách đây hàng thế kỷ nhưng mới hình thành tại thị trường Việt Nam cách đây khoảng 28 năm, mở đầu bằng việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN) vào ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ.

Hai năm sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh khi Nghị định số 48/CP của Chính phủ được ký vào ngày 11/7/1998. Đến năm 2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh - HOSE) được thành lập và đi vào hoạt động với chỉ 2 mã cổ phiếu.

Từ 2 mã cổ phiếu khi mới thành lập, đến nay HOSE có 476 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch.
Từ 2 mã cổ phiếu khi mới thành lập, đến nay HOSE có 476 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch.

Năm 2005, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX) ra mắt với hoạt động đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 2006, khi Luật Chứng khoán được ban hành, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn thay đổi mạnh mẽ (từ chỗ vốn hóa chỉ khoảng 1% GDP giai đoạn 2000 - 2005, vượt qua biến động lớn vào năm 2008 để đạt trên 30% vào năm 2015, có thời điểm đạt trên 80%).

Dấu mốc tiếp theo đánh dấu sự phát triển của thị trường chứng khoán là sự ra đời của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (nay là Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam - VSDC). VSDC có chức năng tổ chức thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán; giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán...

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế với quy mô huy động vốn trên HOSE đạt hơn 5,19 triệu tỷ đồng (tính đến 31/10/2024), tương đương 50,85% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), chiếm hơn 94,16% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường.

Đến nay, HOSE có 476 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch, gồm 394 mã cổ phiếu, 04 mã chứng chỉ quỹ đóng, 16 mã chứng chỉ quỹ ETF và 62 mã chứng quyền có bảo đảm với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt hơn 167,53 tỷ chứng khoán.

Sau một phần tư thế kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam từng bước khẳng định được là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế và là kênh đầu tư hấp dẫn, kênh tích sản hiệu quả cho nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Việt Nam không những trở thành kênh dẫn vốn ở trong nước, mà còn là kênh dẫn vốn, kết nối dòng vốn của các ngân hàng, các quỹ tài chính quốc tế để gia tăng nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển bền vững hơn, “xanh” hơn.

Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư, người dân… Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn.

Hành lang pháp lý và cơ chế quản lý ngày càng hoàn thiện

Theo TS. Đỗ Ngọc Trâm – Giảng viên Học viện Ngân hàng, với tinh thần tiến kịp, đi cùng và tăng tốc, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từng bước được xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ và trình độ, yêu cầu phát triển của đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Các văn bản Luật Chứng khoán được Quốc hội lần lượt được ban hành vào các năm 2006, 2010, 2019 cùng các nghị định của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, mở ra những điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, có khả năng hội nhập sâu hơn với các thị trường vốn quốc tế.

FTSE Rusell và Morgan Stanley làm việc với UBCKNN về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
FTSE Rusell và Morgan Stanley làm việc với UBCKNN về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là văn bản pháp lý quan trọng, tạo cơ sở để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với thị trường chứng khoán các nước phát triển.

Gần đây nhất, ngày 29/11, Quốc hội đã thông qua luật sửa 9 luật, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Chứng khoán 2019. Đây là tiền đề pháp lý để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch và an toàn hơn trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường vốn phát triển không ngừng.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, dù có nhiều yếu tố cơ hội và thách thức đan xen, nhưng năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có thêm các bước chuyển tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. UBCKNN đã và đang hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 hiệu quả.

Đồng thời, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các định chế thị trường và nhà đầu tư tham gia.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán dựa trên các trụ cột chính đã đề ra, trong đó, chú trọng, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề chứng khoán; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân”, Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

Ngoài ra, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.