Thị trường địa ốc đầu tháng 7 “nóng” hơn bao giờ hết

Theo kinhtedothi.vn

Thị trường địa ốc đầu tháng 7 đang “nóng” hơn bao giờ hết khi chứng kiến cuộc đua khốc liệt cho một suất thuê dự án nhà ở xã hội (NƠXH).

Ảnh minh họa: thanhnien.vn
Ảnh minh họa: thanhnien.vn

Nhu cầu lớn nhưng chỉ tiêu ít khiến nhiều người thu nhập thấp đứng ngồi không yên vì tỷ lệ “chọi” cao.

Theo GS.,TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: “Việc phát triển nhà cho thuê dù có thể cứu cánh hàng triệu người lao động nghèo nhưng cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp thua thiệt về hiệu quả kinh tế. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà cần xây dựng khung pháp lý cụ thể với phân khúc cho thuê. Từ đó rộng đường cho DN xây dựng phương hướng đầu tư dài hơi”

“1 đấu 20”

Theo Bộ Xây dựng, tính chung cả nước, quỹ nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm hơn 6,3% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chiếm 14%. Theo Dự thảo Nghị định Quản lý phát triển NƠXH đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, Bộ này đề xuất quy định các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 20% diện tích đất để xây dựng NƠXH.

Ngay sau khi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê căn hộ tại dự án NƠXH Đại Kim, nhóm đối tượng thu nhập thấp hết sức hứng khởi, hân hoan. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang khi chỉ tiêu cho thuê vỏn vẻn 136 căn trên tổng số 630 căn hộ.

Liên quan đến vấn đề này, chị Nguyễn Thị Đào (Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng: “Còn khoảng 2 tuần nữa là hết hạn nhận hồ sơ (20/7), dù chủ đầu tư chưa thông báo chi tiết số hồ sơ đăng ký nhưng ước lượng của chúng tôi thì con số đã lên đến vài trăm người. Trường hợp này, đến 99% khả năng Công ty sẽ tiến hành bốc thăm, xác suất thuê căn hộ bỗng chốc trở nên quá xa vời”.

Trong khi đó, anh Trần Hùng (Triều Khúc, Hà Nội) đăng ký hồ sơ thuê căn hộ tại NƠXH Đại Kim cho biết: “Ngày đầu (28/6) đến nộp hồ sơ, tôi đã hoang mang khi thấy có gần 300 người nộp và vài trăm hồ sơ trước đó. Như vậy, để có được một suất thuê phải "đấu" với gần 20 người. Ở vòng chấm điểm tới, nếu gia đình tôi không đạt điểm cao sẽ khó lòng được tham gia bốc thăm quyền thuê căn hộ”.

Do cạn nguồn cung

Khảo sát của phóng viên cho thấy, cầu của phân khúc NƠXH cho thuê tỷ lệ nghịch với cung khi các dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, việc hàng trăm người thu nhập thấp chen chân nộp hồ sơ thuê căn hộ NƠXH chứng tỏ sự màu mỡ của thị phần này cần được khai phá.

Tuy nhiên, do đặc thù cần thời gian lâu để thu hồi vốn nên yêu cầu chủ đầu tư triển khai các dự án NƠXH cho thuê phải có vốn tự có hùng hậu. Hoặc tìm ra được nguồn vốn với lãi suất khoảng 5%/năm thì mới có thể nghĩ đến phương án xây căn hộ cho thuê.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hầu hết đối tượng cần thuê căn hộ là gia đình trẻ đủ tiêu chuẩn mua NƠXH nhưng chưa đủ tài chính. Cho nên họ dự tính thuê nhà trước để giành quyền được mua sau 5 năm sử dụng.

Vì vậy, mục tiêu phát triển nhà ở quốc gia cần có loại hình căn hộ cho thuê giá bình dân, khoảng trên dưới 2 triệu đồng/căn hộ/tháng, để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người thu nhập thấp đô thị. Việc phát triển NƠXH cho thuê không chỉ tốt cho thị trường mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức và thói quen cũ là sở hữu nhà, thay vào đó sẽ chuyển qua mô hình ở nhà thuê như tại nhiều nước trên thế giới.

“Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực thì Nhà nước cần ban hành hành lang pháp lý rõ ràng, trong đó có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế (20 - 30m2 là phù hợp với nhu cầu hiện nay), được tăng các chỉ tiêu quy hoạch như hệ số sử dụng đất, tầng cao, số dân cư…; ban hành quy chế, trách nhiệm của người đi thuê tại khu vực đô thị” - ông Long nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia bất động sản (BĐS) Nguyễn Thành Tiến cho rằng, trong khi phân khúc căn hộ bán đang gặp nhiều khó khăn thì nhu cầu của thị trường căn hộ cho thuê vẫn tăng mạnh. Việc phát triển các dự án nhà cho thuê là phù hợp với nhu cầu thực tế. Bởi hiện tại, dù có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều người lao động ngoại tỉnh không thể với tới gói hỗ trợ này do tổng thu nhập không thuộc diện được hỗ trợ. Ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng và doanh nghiệp BĐS ra sức ưu đãi về giá cả thì người dân cũng còn đắn đo khi sở hữu một căn hộ. Thực tế, chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội vẫn tập trung vào xây bán hơn là cho thuê, bởi hình thức kinh doanh này không sinh lời nhanh, lâu hoàn vốn. Chính vì lẽ đó, Nhà nước cần có hành lang pháp lý cụ thể, chính sách ưu đãi linh hoạt để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào phân khúc này, đồng thời có thể giúp người dân có nhà ở giá rẻ trong thời gian dài.