Thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, người tiêu dùng được lợi
Theo các chuyên gia, hiện thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào, và người tiêu dùng có thêm hy vọng được sở hữu các mẫu xe "đúng với giá trị".
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính đến hết tháng 08/2019, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại về Việt Nam đạt 96 nghìn chiếc, với tổng trị giá đạt 2,1 tỷ USD, tăng 229% về lượng và tăng 205,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là: Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đơn cử như thị trường Indonesia, theo thông tin từ Đại sứ quán Indonesia cho biết: Lượng ô tô từ Indonesia xuất khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, với tốc độ này Indonesia ước tính năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ô tô sang Việt Nam sẽ đạt 600 triệu USD, nghĩa là tăng gấp 3 lần so với 2018...
Xe nhập về tăng đột biến, đồng thời với việc giá xe nhập khẩu trung bình các loại lại giảm mạnh, khoảng 4.000 USD một chiếc. Trong đó, giá nhập trung bình một chiếc xe dưới 9 chỗ cũng giảm hơn 3.000 USD, còn 19.258 USD.
Nguyên nhân xe nhập về tăng đột biến, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh, là do một số dòng ô tô được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dung tích nhỏ theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường. Ngoài ra, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm về 0%, do vậy lượng nhập về từ khu vực này tăng mạnh.
Còn theo báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp, thương mại tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019 của Bộ Công Thương, sản lượng sản xuất ô tô tháng 8/2019 đạt 30,4 ngàn chiếc, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô ước đạt 215,6 ngàn chiếc, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương cho biết các hãng sản xuất xe ô tô cũng như nhập khẩu đều đang dồn lực cho sản xuất cũng như nhập khẩu để đón đợt mua sắm cuối năm và phục vụ cho kỳ triển lãm lớn nhất trong năm Vietnam Motor Show diễn ra vào tháng 10 tới.
Bên cạnh đó, với sự ủng hộ của Chính phủ, cùng sự nỗ lực đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, qua 8 tháng đầu năm 2019 ghi nhận những mốc phát triển quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Như sản xuất trong nước tăng nhanh khi Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã hoàn tất quá trình đầu tư và cho ra những sản phẩm đầu tiên; Thaco và Thành Công ngày một củng cố vị trí dẫn đầu với hàng loạt sản phẩm mới lắp ráp trong nước ra mắt với sản phẩm phong phú, mức giá ngày một cạnh tranh.
Sau 2 năm nhập khẩu, Toyota Việt Nam đã trở lại lắp ráp trong nước mẫu Fortuner. Hãng này mua thêm đất để mở rộng nhà máy cũng như xây dựng đường thử, mục tiêu tăng công suất lên 90.000 xe/năm vào 2023 từ mức 50.000 xe/năm như hiện nay.
Không chỉ Toyota, Mitsubishi đang đẩy mạnh bán hàng cho Xpander, mẫu MPV về nước từ nửa sau 2018 và đang có doanh số tiêu thụ tốt trong 6 tháng 2019 (7.544 xe). Con số 10.000 xe/năm là đích ngắm của liên doanh Nhật tại Việt Nam để thuyết phục hãng mẹ đồng ý lắp ráp Xpander tại Việt Nam.
Mức tăng đầy ấn tượng trên cho thấy những dự đoán về kết quả của ngành công nghiêp ô tô cả năm 2019 rất tươi sáng. Có thể với độ tăng trưởng rất nhanh như này, năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam sẽ sẽ vượt mốc 300.000 xe, đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Theo các chuyên gia, hiện thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào, và người tiêu dùng có thêm hy vọng được sở hữu các mẫu xe "đúng với giá trị".