Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán trong nước chưa thể bứt lên

Theo Thạch Bắc tổng hợp/tinnhanhchungkhoan.vn

VN-Index có phiên tăng nhẹ; Ngân hàng liên tục bán mua trái phiếu; Thận trọng với tham vọng gọi vốn lớn; Cổ phiếu ngành nhựa hút dòng tiền; Đầu tư phái sinh hàng hóa “lên ngôi”; Chứng khoán châu Á phân hóa; Các chuyên gia dự báo sớm thị trường chứng khoán khi Joe Biden thắng cử... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Chứng khoán trong nước chưa thể bứt lên.
Chứng khoán trong nước chưa thể bứt lên.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/8 tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 55,30 – 56,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 26,3 USD lên 1.954,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng rung lắc quanh ngưỡng 1.945 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York giảm 4,8 USD xuống 1.936,9 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,08% xuống 92,94 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày 27/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.208 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,14 USD (-0,32%), xuống 43,25 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,02 USD (-0,04%), xuống 45,62 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích nhẹ

Sau phiên sáng giằng co, áp lực bán mạnh hơn ngay khi mở cửa trở lại trong phiên chiều, và khiến VN-Index có thởi điểm rơi xuống dưới tham chiếu.

Mặc dù vậy, với sự bứt phá của PLX, FPT cùng, trong khi độ rộng thị trường tích cực hơn đã kéo chỉ số tăng trở lại khi đóng cửa.

Các bluechip đáng kể nhất là FPT +3 và PLX +2,7%, MWG +1,8%...

Nhóm cổ phiếu thị trường có các sắc tím được giữ vững là HAP, HMC, ELC, CTI, TTF, TAC, LHG, và thêm VCI trong phiên chiều. 

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,09 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 253,49 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/8: VN-Index tăng 1,24 điểm (+0,14%), lên 874,71 điểm;  HNX-Index tăng 1,03 điểm (+0,83%), lên 124,92 điểm; UpCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,9%), lên 59,05 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall tiếp tục tiến bước trong phiên ngày thứ Tư (26/8), khi nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng.

Theo đó, cổ phiếu Facebook và Netflix lần lượt vọt 8,2% và 11,6%. Cổ phiếu Amazon tăng gần 3%, còn Alphabet và Microsoft lần lượt tiến 2,4% và 2,2%. Cổ phiếu Apple cộng 1,4%.

Phiên hôm nay, cổ phiếu Salesforce bứt phá 26%, mức tăng trong phiên lớn nhất từ trước đến nay sau khi công ty phần mềm này công bố lợi nhuận cao ngất ngưỡng vào chiều ngày thứ Ba (25/08). Salesforce sẽ được thêm vào thành phần của Dow Jones vào cuối tháng 8.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Dow Jones tăng 83,48 điểm (+0,30%), lên 28.331,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,11 điểm (+1,02%), lên 3.478,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 198,59 điểm (+1,73%), lên 11.665,06 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do chịu tác động mạnh từ đà suy yếu của nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng và viễn thông.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,35% xuống 23.208,86 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,53% xuống 1.615,89 điểm.

Thêm vào áp lực đối với thị trường là việc Mỹ đưa vào danh sách đen 24 công ty Trung Quốc và nhắm mục tiêu vào các cá nhân được cho là một phần của các hoạt động xây dựng quân sự ở Biển Đông.

Kiyoshi Ishigane, giám đốc quỹ tại Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management cho biết: “Khả năng bùng phát căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là thấp, nhưng những diễn biến này đủ để gây ra một số áp lực đối với chứng khoán châu Á”.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ dữ liệu mới cho thấy lợi nhuận công nghiệp tăng trong tháng 7 tiếp tục tăng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,61% lên 3.350,11 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,54% lên 4.731,34 điểm.

Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 7 và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/82018 đã thúc đẩy tâm lý thị trường.

Cổ phiếu công nghệ cũng tăng trở lại sau sự sụt giảm của ngày hôm trước, với chỉ số ChiNext vọt hơn 1,7%. Chỉ số STAR 50 của các công ty trên Thị trường STAR tập trung vào công nghệ của Trung Quốc cũng tăng 2,48%.

Chứng giảm Hồng Kông giảm do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đè nặng tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,83% xuống 25.281,15 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,96% xuống 10.201,94 điểm.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi bài phát biểu Chủ tịch Fed vào ngày mai, và dự báo Fed sẽ vạch ra một cách tiếp cận chính sách linh hoạt hơn, bao gồm cả việc theo đuổi tiêu lạm phát trung bình khoảng 2%.

Chứng khoán Hàn Quốc đi xuống, khi quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong một ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3 và ngân hàng trung ương hạ thấp triển vọng kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc quyết định giữ lãi suất ổn định trong thông báo hôm nay, nhưng hạ thấp triển vọng tăng trưởng năm 2020, điều này mở ra cánh cửa cho việc kích thích tiền tệ nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Kết thúc phiên 27/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 5,91 điểm (-0,03%), xuống 23.290,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 43,84 điểm (-1,30%), xuống 3.329,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 5,57 điểm (+0,02%), lên 25.491,79 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,59 điểm (+0,11%), lên 2.369,32 điểm.