Thị trường tài chính thế giới nửa đầu năm 2014

Hồng Vân

(Tài chính) FinancePlus.vn điểm lại những diễn biến chính của thị trường tài chính thế giới nửa đầu năm 2014.

Chứng khoán

Được trợ giúp bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, trong khi những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu đã chống đỡ cho nợ công, các TTCK toàn cầu có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp trong nửa đầu năm 2014.

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp khả quan cùng với các số liệu kinh tế khác cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi tốt (sau quý I/2014 sụt giảm do ảnh hưởng của thời tiết) đã giúp TTCK Mỹ liên tiếp lập các đỉnh cao mới trong quý II/2014.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6/2014, chỉ số Dow Jones trên TTCK Mỹ đóng cửa ở ngưỡng 16.826,60 điểm. Chỉ số S&P 500 ở ngưỡng 1.960,23 điểm. Chỉ số Nasdaq là 4.408,18 điểm.

Như vậy, trong quý II/2014, chỉ số Dow Jones tăng 2,2%, chỉ số S&P 500 tăng 4,7%, trong khi Nasdaq tăng tới 5%. Tính trong nửa đầu năm 2014, chỉ số Dow Jones đã tăng 1,5%, chỉ số S&P 500 tăng 6,1% và chỉ số Nasdaq tăng 5,5%.

                                             Diễn biến chỉ số Dow Jones nửa đầu năm 2014

                Thị trường tài chính thế giới nửa đầu năm 2014 - Ảnh 1
                                                                                                                 Nguồn: Bloomberg.com

Không riêng TTCK Mỹ, chứng khoán trên toàn thế giới đều tăng điểm. NHTW châu Âu (ECB) triển khai lãi suất âm cùng một loạt các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ. Chỉ số Stoxx 600 tại châu Âu hào hứng đón nhận đà tăng 2,3% trong quý II vừa qua – nối dài đà tăng 4 quý liên tiếp dài nhất kể từ tháng 3/2010 và thiết lập mức tăng 4,1% trong năm nay.

Kết thúc phiên giao dịch 30/6, chỉ số FTSE tại Anh ở ngưỡng 6.743,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức ở ngưỡng 9.833,07 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp còn 4.422,84 điểm.

Tại châu Á, chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á - Thái Bình Dương ở ngưỡng 145,63 điểm. Chỉ số này đã tăng 2,7% trong tháng 6, ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp và giành được 5,5% trong quý II.

Tiền tệ

Cuối quý II/2014, USD tiếp tục sự suy giảm so với hầu hết các đồng tiền (ngoại trừ Euro) sau khi một loạt những số liệu tốt xấu gây nghi ngờ về sức mạnh sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ và Fed nói sẽ giữ lãi suất thấp thêm một thời gian đáng kể.

USD giảm 1,9% so với yên trong cả quý II, giảm 3,8% trong nửa đầu năm 2014, xuống 101,33 JPY/USD. Bảng Anh tăng 2,7% so với USD trong cả quý II/2014, tăng 3,3% trong nửa đầu năm lên 1,7108 USD/GBP.

Mặc dù giảm so với phần lớn các đồng tiền mạnh nhưng USD lại tăng giá so với Euro. Số liệu ước tính sơ bộ cho thấy, tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro vẫn duy trì ở 0,5%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tiền gửi ở mức thấp kỷ lục lần lượt là 0,15% và -0,1%. Tỷ giá USD/Euro ở mức 1,3695 USD/Euro vào ngày cuối quý II/2014. Euro đã giảm 0,4% so với USD trong nửa năm đầu.

                                                   Tỷ giá USD/Euro nửa đầu năm 2014

                      Thị trường tài chính thế giới nửa đầu năm 2014 - Ảnh 2
                                                                                                                     Nguồn: Bloomberg.com

Giá vàng

Trong những tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh nên mua vàng để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, GDP quý I/2014 sau khi điều chỉnh của Mỹ suy giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp thêm một thời gian nữa cũng hỗ trợ giá vàng tăng.

Đóng cửa giao dịch ngày 30/6 tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay ở mức 1.329,1 USD/ounce – cao nhất hai tháng qua.

Giá vàng thế giới đã tăng hai quý liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2011. Trong quý II/2014, giá vàng tăng khoảng 3,5%. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 10%.

Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng giá vàng tương lai sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu thụ vàng vật chất chứ không phải đầu tư. Giá vàng được kỳ vọng sẽ đạt mức cao trong năm năm tới.

Tuy nhiên, Báo cáo phân tích của ngân hàng Barclays cho rằng sự gia tăng gần đây của giá vàng không lâu dài. Nếu những căng thẳng chính trị hiện nay giảm bớt, giá vàng sẽ quay trở lại mức thấp.

Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) và Societe Generale (Pháp) vẫn giữ nhận định giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm của năm ngoái. Trong báo cáo ngày 23/66, Goldman Sachs cho rằng giá vàng sẽ giảm xuống mức 1.050 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới.

Năm 2013, giá vàng thế giới giảm tổng cộng 28%, mức giảm hiếm thấy trong 30 năm qua.

                                                Diễn biến giá vàng nửa đầu năm 2014 (USD/ounce)

                             Thị trường tài chính thế giới nửa đầu năm 2014 - Ảnh 3

Giá dầu

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đóng cửa phiên giao dịch 30/6/2014 ở mức 105,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent có giá 112,36 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đã tăng 2,6% trong tháng 6, tăng 3,7% trong cả quý II và tăng 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 2,7% trong tháng 6, và 4,3% trong quý II và 1,4% trong nửa đầu năm 2014. Giá dầu tăng chủ yếu bởi lo ngại bất ổn tại Iraq sẽ ảnh hưởng đến cung dầu của thế giới.

Trong dự báo mới đây Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã nâng giá dầu trung bình dự kiến cho năm 2014 và 2015 thêm khoảng 4-6% do những diễn biến tại khu sản xuất dầu Trung Đông.

Ngân hàng BNP Paribas cho rằng “căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông gần đây đã làm dấy lên những lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung, dẫn tới giá dầu thô thế giới được đẩy lên cao”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thiếu hụt nguồn cung chưa từng xảy ra.

                                               Diễn biến giá dầu thô ngọt nhẹ (USD/thùng)
                 Thị trường tài chính thế giới nửa đầu năm 2014 - Ảnh 4
                                                                                                                         Nguồn: marketwatch.com