Giá nhà đất không giảm và các đại gia tiếp tục săn thêm quỹ đất

Thanh Sơn

Năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát càng khiến nguồn cung BĐS toàn thị trường khan hiếm, một phần vướng mắc về thủ tục pháp lý, một phần các quỹ đất ngày càng ít. Riêng đối với phân khúc đất nền, do mặt bằng giá sơ cấp tại TP. Hồ Chí Minh ở mức cao đã khiến nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, ở những vùng đất mới nổi đang trên đà phát triển, dư địa tăng giá lớn.

Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City của Tập đoàn Novaland. Ảnh NVL
Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City của Tập đoàn Novaland. Ảnh NVL

Giá nhà khó giảm

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, cho biết thị trường bất động sản của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh cho biết nếu trong năm 2018 nguồn cung chỉ giảm ở mức 20%, thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có một dự án mới đủ điều kiện bán hàng, nên bước sang năm 2020 không có nguồn hàng. Lĩnh vực bất đâộng sản luôn có độ trễ, từ khi dự án triển khai cho tới khi đi vào vận hành, từ chính sách tác động đến hoạt động đến các doanh nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng dịch Covid-19.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết các luật, quy định, nghị định và cả thủ tục hành chính chồng chéo khiến bất động sản bị đội vốn.

Ông Dũng cho rằng, việc một dự án đắp chiếu lâu năm thì các chi phí tài chính phát sinh doanh nghiệp buộc phải cộng vào giá bán và đương nhiên giá bất động sản sẽ tăng lên.

“Giá trị bất động sản khó giảm vào lúc này. Nếu có giảm là do chủ đầu tư giảm lợi nhuận để đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Nếu chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng lợi nhuận như trước đây thì giá bất động sản sẽ tăng”, ông Dũng nói thêm.

Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, tính đến hết Quý II năm nay, giá bất động sản tại một số thành phố lớn có tăng nhẹ, như giá căn hộ chung cư TP. Hồ Chí Minh cũng tăng khoảng 3,5%, cao nhất là dự án bình dân với 3,78%, theo sau đó là căn hộ trung cấp và cao cấp lần lượt ở mức tăng khoảng 3,72% và 2,75%.

Xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vùng đất mới nổi

Nắm bắt được xu hướng đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp bất động sản như Hưng Thịnh, Nam Long, An Gia, Khang Điền, Thắng Lợi, Trần Anh... dồn hàng nghìn tỷ đồng tranh thủ thu gom các khu đất khủng chuẩn bị cho những năm tới.

Điều này kéo theo chiến lược phát triển mở rộng quỹ đất của nhiều ông lớn bất động sản tại nhiều địa phương trên cả nước, khu vự phía Nam nổ lên những thương hiệu lớn như Vingroup, FLC, Nam Long, Him Lam, Đất Xanh, Thắng Lợi Group. Trần Anh Group...rót vốn đầu tư vào thị trường Long An  khiến thị trường này khá sôi động thời gian qua.

Theo lý giải của một số chuyên gia, nguyên nhân thị trường Long An được quan tâm là bởi khu vực này đang được xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý là dự án đô thị ven sông Waterpoint của Nam Long đang được triển khai xây dựng khá mạnh.

Ngoài ra Tập đoàn Nam Long công bố vẫn dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để săn thêm đất, hiện doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực để mở rộng quỹ đất dù đang nắm tổng quỹ đất 681 ha khắp các tỉnh thành. Mục tiêu thu mua của doanh nghiệp này là quỹ đất phải có quy mô lớn và vị trí thuộc các tỉnh, thành phố vệ tinh hoặc tọa lạc tại cửa ngõ của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thậm chí vươn ra cả phía Bắc.

Theo thông cáo mà An Gia vừa công bố về thương hiệu The Standard - nhằm phát triển nhà ở theo chuẩn sống tại các khu biệt lập, khác biệt trong thiết kế, tiện ích lẫn không gian sống. Mục tiêu của doanh nghiệp này là trong 3 đến 5 năm tới đây là trở thành một nhà phát triển đô thị, đã được ĐHĐCĐ thường niên tháng 6 mới đây đã thông qua. Đây cũng là bước đi chiến lược của An Gia để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh việc duy trì phát triển các khu căn hộ phân khúc vừa túi tiền và trung cấp.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị An Gia, đây là thương hiệu mới của tập đoàn trong chiến lược định nghĩa lại tiêu chuẩn sống tại các khu nhà ở thấp tầng biệt lập, sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tập đoàn thời gian tới. An Gia dự kiến sẽ chi từ 3.000 đến 5.000 tỷ mỗi năm để phát triển thêm, nhắm đến những khu đất có quy mô lớn hơn có thể triển khai xây dựng những khu phức hợp biệt lập.

Trước đó, từ cuối năm 2019 doanh nghiệp này cũng đã chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại Bình Định, trong đó có dự án khu đô thị biển quy mô lên đến hơn 1.000 ha. Tập đoàn Hưng Thịnh Group tiếp tục xúc tiến đầu tư một quỹ đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng

Tập đoàn Novaland đầu tư Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City ghi điểm với khách hàng nhờ nằm tại tâm điểm các tuyến giao thông huyết mạch liên vùng, dễ dàng di chuyển đến TP.HCM và các vùng kinh tế - du lịch trọng điểm trong tứ giác vàng TP. Hồ Chi Minh - Đồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu.

Đồng Nai hiện là địa phương hưởng nhiều lợi thế khi nơi đây tập trung loạt công trình trọng điểm quốc gia. Tập đoàn Đất Xanh với vai trò là nhà phát triển dự án đã hiện thực hóa ý tưởng kiến tạo khu đô thị thương mại giải trí sôi động hàng đầu tại khu vực này mang tên Gem Sky World cạnh sân bay Long Thành

Hàng loạt dự án giao thông như Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang khẩn trương tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng và sẵn sàng để khởi công vào tháng 10/2020; Hương Lộ 2 kết nối Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dầu Giây - Phan Thiết... Không chỉ giúp Đồng Nai kết nối với TP. Hồ Chí Minh, những dự án trên còn liên kết Đồng Nai với toàn vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Điều này giúp cho bất động sản khu vực này tiếp tục được nhiều nhà đầu tư hướng tới.