TP. Hồ Chí Minh: 5 huyện cửa ngõ được đầu tư lên quận

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Trước năm 2030, dự kiến 5 huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) sẽ lên quận theo Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận của thành phố. Tuy nhiên, muốn lên quận trước hết các huyện phải giải được bài toán quy hoạch.

Một góc huyện Bình Chánh.
Một góc huyện Bình Chánh.

Được biết, theo Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP. HCM) giai đoạn 2021 - 2030 do UBND TP. HCM vừa ban hành, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trước năm 2025; Huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025 - 2030.

Cụ thể, cả 5 huyện nói trên đều nằm ở các vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Những năm qua, các địa phương này có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành.

Thời điểm hiện nay, đối chiếu với các thông số để trở thành quận như dân số, diện tích, phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị... của 5 huyện theo Nghị quyết số 1211/2016 và Nghị quyết số 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, huyện Bình Chánh đạt 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí, Hóc Môn 22/30 tiêu chí, Cần Giờ thấp nhất với 19/30 tiêu chí.

Theo UBND TP.HCM, sẽ ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại; Huy động mạnh mẽ nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp ngoài nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài.

TP. HCM cũng sẽ cân đối nguồn thu phát sinh trên địa bàn các huyện để phát triển hệ thống hạ tầng, tiện ích đô thị và tạo quỹ đất sạch. Áp dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất tại các đô thị mới, các điểm dịch vụ, các loại đất có thể sinh lời cần thiết để tạo vốn phát triển hạ tầng. Khi nâng cấp từ huyện lên quận, định hướng phát triển đô thị phải sẵn sàng.

Là huyện có lộ trình lên quận trước năm 2025, nhưng tốc độ đô thị hóa của Bình Chánh lại không đều. Chẳng hạn, xã Bình Hưng có tốc độ đô thị hóa rất cao thì Bình Lợi là xã thuần nông.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh ông Trần Văn Nam cho biết, Huyện đang phải đối mặt với tốc độ đô thị nhanh, dân số tăng cơ học hàng năm trên 30.000 người. Trong khi đó, đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012 đến nay không còn phù hợp.

Tỷ lệ cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, đất nông nghiệp chiếm hơn 58% đất tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của Huyện.

Cùng với đó, việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bình Chánh sẽ khắc phục được sự chồng chéo, bất cập trong các đồ án quy hoạch hiện hữu, tạo đà phát triển cho giai đoạn tới.

Ông Trần Văn Khuyên - Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho rằng, Huyện còn hơn 5.000 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 48% diện tích) được quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa sử dụng. Đây là nguồn lực, tài sản rất quý làm tiền đề cho bước đường phát triển của Hóc Môn thành quận trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cũng đồng quan điểm nói rằng, huyện này sẽ phát triển thành Thành phố nghỉ dưỡng sinh thái du lịch. Huyện đang phối hợp với các sở ngành Xây dựng đề án, tiếp thu góp ý của các nhà khoa học để hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư.

Các huyện nếu không giải quyết được bài toán quy hoạch thì khó mà lên quận hoặc thành phố. Vào năm 2020, khi xác định lộ trình đưa huyện Bình Chánh lên quận thì cần 10 năm vì hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều vấn đề phải làm.

Do đó, việc xác định lộ trình và nguồn lực đầu tư cần cân nhắc kỹ để tránh tình trạng giá đất tăng, ảnh hưởng đến việc bồi thường khi thực hiện công trình phúc lợi, dự án thương mại.