Vướng mắc của bất động sản du lịch vẫn chờ tháo gỡ

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Bên cạnh niềm vui khi đoàn du khách quốc tế đầu tiên vừa trở lại Phú Quốc sau gần 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19 các chuyên gia vẫn băn khoăn khi những vướng mắc với bất động sản (BĐS) du lịch vẫn còn đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vướng mắc vẫn... còn đó

Theo các chuyên gia, thời gian qua những vấn đề vướng mắc của BĐS du lịch chỉ tạm lắng đi do COVID-19 chứ chưa hề được giải quyết và hiện nay, khi trạng thái bình thường mới dần hình thành, hoạt động du lịch trở lại thì câu chuyện đặt ra vẫn còn đó.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) trong thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật đã có hiện tượng không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là đối với những phân khúc mới như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hầu như vẫn thiếu khung pháp luật về đất đai.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA cho rằng trước đại dịch COVID-19, thị trường BĐS du lịch đã có giai đoạn phát triển mạnh, tuy nhiên cùng với việc nhiều loại hình mới xuất hiện pháp luật có khi còn chưa theo kịp để điều tiết dẫn đến một vài sự đổ vỡ và những tắc nghẽn, rủi ro tiềm ẩn vẫn hiển hiện trên thị trường.

Một trong những tồn tại liên quan đến BĐS du lịch được Tổng Thư ký VNREA chỉ ra là việc chưa có được những quy hoạch tốt và đủ tầm nhìn dài hạn, bởi quy hoạch được duyệt sẽ là cơ sở để hình thành dự án, duyệt, giao đất, cho thuê đất… hình thành những sản phẩm BĐS du lịch dựa trên và phù hợp với quy hoạch quy hoạch mạng lưới các cơ sở lưu trú du lịch trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Cũng theo ông Chiến những vướng mắc liên quan đến BĐS du lịch nghỉ dưỡng hiện nay vẫn còn rất nhiều nhưng các chủ thể liên quan đang cố lờ đi để mong đến một ngày có thể hợp thức hóa và đây là một tâm lý có thể đem lại nhiều hệ lụy không tốt.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật hợp danh Minh Bách cho rằng mặc dù đã có hướng dẫn của Bộ TN&MT, tuy nhiên đây không phải là giấy khai sinh cho BĐS du lịch, cũng không phải phao cứu sinh, thậm chí việc hướng dẫn dựa trên các quy định hiện hành vốn áp dụng cho các loại hình BĐS truyền thống còn khiến hệ thống luật pháp trở nên nặng nề, chồng chéo.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, việc những tồn tại, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết thấu triệt sẽ tiếp tục là rào cản lớn cho thị trường BĐS du lịch có thể phát triển, nhất là trong bối cảnh phân khúc này vốn đã chịu rất nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 thời gian qua.

Rà soát lại quy hoạch

Theo TS. Phan Hữu Thắng dù tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn nhưng trong bối cảnh chưa có khung pháp luật phù hợp khi giải quyết nội dung liên quan đến bản chất của các sản phẩm như Condotel thì rất cần phải có những thay đổi, quy định mới để loại hình này phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định chặt chẽ trong quy hoạch để không được băm nát, xé lẻ các khu du lịch của cộng đồng trở thành tài sản sở hữu cá nhân.

Nhận định về giải pháp để phát triển bền vững các loại hình BĐS du lịch hiện nay, theo ông Đỗ Viết Chiến rà soát lại quy hoạch là một trong những giải pháp tháo gỡ những nút thắt hiện có nhằm khơi thông các điểm nghẽn và cũng là giải pháp để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong tương lai.

Cụ thể, cần rà soát một cách cụ thể, chi tiết để làm rõ hiện đang có bao nhiêu cơ sở lưu trú, chất lượng ra sao, thuộc các loại hình như thế nào, có thể đáp ứng cho lượng khách bao nhiêu và cần phải xây dựng thêm ra sao,… làm căn cứ để xác lập quy hoạch.

"Bên cạnh đó, để gia tăng hiệu quả của công cụ quy hoạch thì nhà nước cần đi trước một bước, xây dựng hệ thống hạ tầng khung đồng bộ để kết nối các khu du lịch, các dự án BĐS du lịch" - Tổng Thư ký VNREA phân tích.

Bên cạnh giải pháp về quy hoạch, một trong những vấn đề cũng được nhiều chuyên gia phân tích là việc cần sớm nhận diện các vướng mắc và sớm hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình BĐS du lịch.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh cần phải sớm định hình khung pháp lý cho thị trường BĐS du lịch, đặc biêt là hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh BĐS và thủ tục đầu tư.

Cụ thể, việc cần thiết nhất là cần bổ sung vào Luật đất đai sửa đổi quy định về nhóm đất phi nông nghiệp, cụ thể là đất xây dựng BĐS du lịch gồm có khách sạn, condotel, shophouse, resort villa,…là một loại đất phi nông nghiệp và căn cứ vào mục sử dụng và hoạt động thường xuyên của từng loại để xác định cụ thể là loại nào là đất thương mại dịch vụ hay đất ở hay tùy trường hợp để cấp giấy chứng nhận.

"Đây sẽ là căn cứ để tháo gỡ các vướng mắc khác liên quan đến Luật kinh doanh BĐS, Luật đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Du lịch,.. nhằm hướng đến khung pháp lý tối ưu cho BĐS du lịch phát triển" - Luật sư Tuấn Anh phân tích.