Gỡ “nút thắt” pháp lý “cởi trói” cho bất động sản du lịch phát triển

Theo Văn Tuấn/thoibaotaichinhvietnam.vn

Các quy định pháp luật về bất động sản du lịch hiện nằm rải rác trong nhiều luật khác nhau, dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất đang gây lúng túng trong công tác quản lý Nhà nước, tạo "điểm nghẽn" cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch. GS, TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, muốn thu hút đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch, Việt Nam cần phải có khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư - người dân.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Chính sách pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất

Trong những năm qua, phân khúc bất động sản du lịch phát triển vô cùng sôi động với nhiều sản phẩm cao cấp ra đời như: Condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay…, các sản phẩm bất động sản này ra đời đã đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của du khách, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư, người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sự phát triển nhanh và mạnh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, với tốc độ tăng trưởng du khách lên đến khoảng 30%/năm đối với khách du lịch nội địa và khoảng 15%/năm đối với khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, giờ đây, khi đại dịch Covid-19 "quét" qua, không chỉ ngành du lịch chịu ảnh hưởng tiêu cực mà bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận, 10 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 125.000 lượt khách, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo các hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch bị “đóng băng”. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về bất động sản du lịch hiện nằm rải rác trong nhiều luật khác nhau, thiếu thống nhất đang gây lúng túng trong công tác quản lý Nhà nước, điều này tạo ra "điểm nghẽn" cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch.

Trao đổi tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật cho bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, PGS.,TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, thực tế trên đang tạo thành “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch.

Riêng trong Luật Kinh doanh bất động sản, thì bất động sản du lịch được quy định khá mờ nhạt. Loại hình kinh doanh này ẩn trong các quy định về kinh doanh bất động sản có sẵn; kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; kinh doanh quyền sử dụng đất…

Cần có khung pháp luật hấp dẫn thu hút nhà đầu tư

GS, TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, muốn thu hút đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch, Việt Nam cần phải có khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Nếu khung chính sách pháp luật ban hành tạo điều kiện cho các địa phương cấp quyền sử dụng đất dài hạn sẽ thu hút các nhà đầu tư quay lại thị trường. Từ đó, bất động sản du lịch sẽ có dư địa phát triển.

Để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “gượng dậy”, phát triển sau đại dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết; đây cũng là việc làm nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường bất động sản.

PGS., TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và bất động sản du lịch cũng là ngành đóng góp tỷ lệ lớn cho GDP. Tuy nhiên, khung pháp lý của Việt Nam liên quan chưa thống nhất và phù hợp với thị trường. Những chính sách phát triển du lịch của Việt Nam chưa được hưởng những ưu đãi so với các ngành kinh tế mũi nhọn khác.

PGS., TS. Bùi Quang Tuấn nhìn nhận, một số hạn chế lớn trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản có thể kể tới như thủ tục đầu tư phức tạp, chưa có cơ chế quy định cụ thể về quản lý và sử dụng đất cho mục đích hỗn hợp. Việt Nam cũng chưa có quy định chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch...

Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, các sản phẩm bất động sản du lịch đang được xây dựng trên đất du lịch, dịch vụ hiện nay đang bị xáo trộn, dẫn đến những lúng túng trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động... Đây chính là “nút thắt” cần có khung pháp lý “cởi trói” đầu tiên để đảm bảo thị trường bất động sản du lịch hồi phục trong giai đoạn hiện nay.