Xây dựng chính sách tín dụng phù hợp để phát triển nhà ở xã hội

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng chính sách tín dụng tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

 Xây dựng chính sách tín dụng phù hợp để phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng chính sách tín dụng tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội. Nguồn: inetrnet

Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục nghiên cứu cải cách các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư các dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhằm rút ngắn thời gian, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) tại Thông báo số 177/TB-VPCP.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường BĐS, đặc biệt là các thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến giao dịch nhà ở.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát toàn bộ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân.

Các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 2196/CT-TTg ngày 6/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS; cần hạn chế tối đa các dự án nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới, Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể.

Khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê

Về vấn đề nhà ở cho thuê, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư loại nhà ở này.

Đối với nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng cần tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, đề xuất giải pháp tháo gỡ để phát triển nhà ở công nhân, đặc biệt là nhà ở do người dân tạo lập cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp.

Thời gian qua thị trường BĐS tiếp tục xu hướng tích cực hơn, giá cả hàng hóa BĐS nhìn chung tiếp tục giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường, giúp lượng giao dịch tăng trở lại và thanh khoản của thị trường tốt hơn. Chính sách của Nhà nước đối với nhà ở và thị trường BĐS đã đạt được nhiều mục tiêu như giảm hàng tồn kho, từng bước khắc phục lệch pha cung-cầu, ổn định thị trường…

Tính đến đầu năm nay, lượng tồn kho nhà ở khoảng 94.458 tỉ đồng, trong đó căn hộ chung cư khoảng 20.000 căn, nhà thấp tầng 13.600 căn, đất nền nhà 10,8 triệu m2, đất nền thương mại 2 triệu m2. Đến đầu tháng 3/2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 266.728 tỉ đồng, tăng trưởng 1,8% so với cuối năm 2013.

Theo số liệu ước tính, tổng diện tích nhà ở tăng thêm trong năm 2013 khoảng 79 triệu m2 sàn (tại khu vực đô thị tăng khoảng 36,5 triệu m2 sàn; khu vực nông thôn tăng khoảng 42,5 triệu m2 sàn). Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc năm 2013 khoảng 19,6m2 sàn/người (khu vực đô thị khoảng 23,1m2 sàn/người; khu vực nông thôn khoảng 18m2 sàn/người).