Thị trường tiền tệ tháng đầu năm: Ổn định và áp lực giảm đáng kể
Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 1/2019, trong đó nhận định thị trường tiền tệ ổn định, các áp lực với lãi suất, tỷ giá đã giảm đáng kể, dự trữ ngoại hối tăng mạnh.
Theo SSI, trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và tình trạng đóng cửa Chính phủ kéo dài, ngay từ những ngày đầu năm 2019, FED đã đưa ra thông điệp chậm lại lộ trình tăng lãi suất và chính thức phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất sau phiên họp hai ngày vào cuối tháng 1. Chu kỳ tăng lãi suất của FED kéo dài 3 năm qua được cho là đã chấm dứt, thậm chí mở ra cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong trường hợp cần thiết. Đồng USD vì thế cũng giảm giá khá mạnh trong tháng 1 vừa qua, với chỉ số DXY mất mốc 96, giảm về 95,6 vào cuối tháng.
Cùng với diễn biến hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD, nguồn cung USD mùa vụ dồi dào đã khiến cho tỷ giá tại các ngân hàng ổn định ở mức 23.160/23.250 đồng/USD (giảm 5 đồng/USD so với tháng trước) và giảm mạnh trên thị trường tự do, về mức 23.200/23.220 đồng/USD (giảm 70 đồng/USD so với tháng trước).
Bước vào giai đoạn cao điểm về kiều hối chuyển về nước, ngay từ đầu tháng 1, NHNN đã tăng mạnh giá mua vào USD thêm 500 đồng, lên 23.200 đồng/USD và hút được tới 4 tỷ USD trong tháng. Đây là diễn biến rất tích cực khi gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối, đồng thời tăng lượng tiền VND lưu thông trong tháng cận Tết.
Bên cạnh kênh mua ngoại tệ, NHNN bơm ròng 66.868 tỷ đồng qua kênh mua kỳ hạn trong khi kênh tín phiếu vẫn không phát sinh giao dịch, số dư tín phiếu duy trì ở mức 0. Nhờ vậy, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh trong nửa đầu tháng 1.
Trên thị trường 1, lãi suất VND tiếp tục duy trì ổn định ở mức 4,8-5,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,5%/năm kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,8-8,0%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng. Đến cuối tháng 1, một số ngân hàng có điều chỉnh giảm 10-20 điểm cơ bản trên biểu lãi suất công bố, nhưng lãi suất thỏa thuận thực tế ít thay đổi, cá biệt có trường hợp còn nhích nhẹ ở kỳ hạn dài 12-13 tháng.
Việc đón nhận các thông tin tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 trong khi áp lực bên ngoài giảm bớt và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đã giúp giải tỏa áp lực với tỷ giá. Do đó, việc dự đoán xu hướng lãi suất 2019 đã được đặt trong bối cảnh hoàn toàn khác so với 1-2 tháng trước đây.
“Với bối cảnh hiện tại, lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thậm chí có thể giảm. Tuy vậy, các rủi ro từ diễn biến quốc tế vẫn còn và có thể thay đổi cục diện rất nhanh nên rất khó để đưa ra đoán định diễn biến trong trung và dài hạn”, Báo cáo nhận định.
Với môi trường lãi suất bên ngoài ít có khả năng tăng thêm (như các thông điệp chậm dần lộ trình tăng lãi suất của FED gần đây), thanh khoản dồi dào trở lại sau cao điểm Tết Nguyên đán cùng với dự thảo về cắt giảm dự trữ bắt buộc của NHNN với một số đối tượng có thể sẽ khiến cầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) trên thị trường sơ cấp tăng lên, giúp cho việc phát hành trên thị trường sơ cấp sẽ tương đối thuận lợi và lợi suất TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp khả năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trên thị trường thứ cấp trong tháng 1 vừa qua, lợi tức TPCP đã sụt giảm mạnh từ 20-73 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn trong đó mức giảm mạnh nhất là ở các kỳ hạn từ 1-5 năm, kỳ hạn 10 năm mất mốc 5%/năm, độ dốc của đường cong lợi tức tăng lên rõ rệt so với cuối tháng trước.
Cụ thể, lợi tức các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm tại 31/1/2019 là 3,36%; 3,51%; 3,75%; 4,81% và 5,11%. Lãi suất trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp đã gần như ngang bằng nhau. Đáng chú ý trong tổng khối lượng giao dịch tháng 1 (đạt 157 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước) thì khối ngoại đã tham gia tích cực hơn với tổng khối lượng giao dịch là 8.224 tỷ đồng - tăng 50% so với tháng trước và tiếp tục mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp với giá trị mua ròng là 2.121 tỷ đồng.