Nhiều nhà băng "lỡ hẹn" tăng vốn năm 2018
Tổng số vốn cổ phần các ngân hàng dự kiến tăng thêm trong năm 2018 là 78.291 tỷ đồng, trong đó đã hoàn tất tăng 45.951 tỷ đồng, chưa thực hiện được là 32.340 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,3%.
Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của 29 ngân hàng thương mại cổ phần, 8 nhà băng không có kế hoạch tăng vốn, là Vietinbank, Vietcombank, MSB, Saigonbank, Sacombank, PGBank, Eximbank và BaoVietBank, 5 ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn, 6 đơn vị hoàn thành một phần và 12 còn lại vẫn lỡ hẹn trong năm vừa qua.
5 ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn là ACB (tăng thêm 1.627 tỷ lên 12.886 tỷ đồng), TPBank tăng 1.850 tỷ lên 6.533 tỷ đồng, Techcombank tăng vốn gấp 3 lần lên 34.966 tỷ đồng, MBBank tăng 3.445 tỷ đồng lên 21.600 tỷ đồng, Kienlongbank tăng 237 tỷ đồng lên 3.237 tỷ đồng.
Những ngân hàng mới hoàn thành một phần kế hoạch tăng vốn là SeABank (kế hoạch tăng 2.222 tỷ lên 8.999 tỷ đồng, mới hoàn tất tăng lên 7.688 tỷ đồng); Nam A Bank kế hoạch tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, mới phát hành được 33,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn thêm 332 tỷ đồng; VPBank kế hoạch tăng 12.093 tỷ đồng lên 27.799 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên được 25.300 tỷ đồng; OCB kế hoạch tăng gấp rưỡi vốn lên 7.500 tỷ đồng, đến nay tăng lên 6.599 tỷ đồng; VIB kế hoạch tăng 2.456 tỷ đồng lên tối đa 8.100 tỷ, đã tăng đến 7.835 tỷ đồng); VietBank kế hoạch tăng 1.007 tỷ đồng lên 4.256 tỷ đồng song đến nay mới tăng lên được 4.104,5 tỷ đồng.
10 ngân hàng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm là BacABank (538 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng), NCB tăng 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, HDBank tăng 2.162 tỷ đồng, SHB tăng 1.204 tỷ đồng lên 13.240 tỷ đồng, VietABank tăng 700 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng, LienVietPostBank tăng 2.869 tỷ đồng lên 10.369 tỷ đồng, SCB tăng thêm 600 tỷ đồng lên 16.600 tỷ đồng, VietCapital Bank tăng thêm 700 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng, ABBank tăng gấp đôi lên 10.640 tỷ đồng, BIDV tăng 9.451 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng.
Tổng số vốn cổ phần các ngân hàng dự kiến tăng thêm trong năm 2018 là 78.291 tỷ đồng, trong đó đã hoàn tất tăng 45.951 tỷ đồng, chưa thực hiện được là 32.340 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,3%.
Điểm sáng lớn nhất phải kể đến Techcombank. Nhà băng này có cú "áp phe" gây náo động làng chứng khoán khi tăng vốn gấp 3 lần rồi niêm yết cổ phiếu giữa năm ngoái. VPBank, dù chưa hoàn thành kế hoạch song cũng là đơn vị đáng chú ý khi tăng tới gần 10.000 tỷ đồng vốn cổ phần. Tương tự là các ngân hàng tư nhân được đánh giá khá cao (MBBank, ACB, TPBank, VIB...).
Trong khi đó, không ít cái tên "lỡ hẹn" với Nghị quyết ĐHĐCĐ. Đáng kể nhất là ABBank với kế hoạch tăng vốn gấp đôi đầy tham vọng, LienVietPostBank lẫn NCB đều chưa hoàn tất tăng tổng cộng gần 4.900 tỷ đồng vốn cổ phần và phải dời sang đầu năm 2019. SCB vẫn chưa có động tĩnh về đợt phát hành 60 triệu cổ phần trả thưởng, trong khi kế hoạch tăng 1.700 tỷ đồng từ năm 2017 cũng mới thực hiện được già nửa (937 tỷ đồng).
Về khối các nhà băng do Nhà nước chi phối, Trong khi Vietinbank vẫn tiếp tục "án binh bất động" với bài toán tăng vốn khó giải, thì BIDV lẫn Vietcombank đều có những chuyển động đáng chú ý, nhất là vài tháng trở lại đây.
BIDV đầu năm 2018 làm tốn nhiều giấy mực của báo giới với kế hoạch tăng vốn 28% lên 43.638 tỷ đồng, thông qua phát hành ra công chúng hoặc riêng lẻ (5%), ESOP (5%) và bán cho nhà đầu tư nước ngoài (17,65%). Trong khi hai phương thức đầu vẫn chưa được thực hiện, thì ĐHĐCĐ BIDV trung tuần tháng 11 năm ngoái mới thông qua nghị quyết bán hơn 600 triệu cổ phần (17,65%) cho Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc.
Với Vietcombank, dù ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 không có kế hoạch phát hành cổ phần, song tới cuối năm nhà băng này đã làm bất ngờ giới đầu tư khi được chấp thuận bán 10% vốn, tương đương khoảng 360 triệu cổ phần với giá 270 triệu USD cho hai nhà đầu tư nước ngoài là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản.