Thị trường trái phiếu Chính phủ tiếp tục huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển

PV.

Năm 2021, trước tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, song việc hoạt động huy động vốn cho đầu tư phát triển thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong năm 2021, đã huy động thành công 332.467 tỷ đồng trong tổng giá trị gọi thầu 449.124 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ lệ huy động thành công đạt 74,02%

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 15/12/2021, HNX đã tổ chức 213 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh huy động vốn cho đầu tư phát triển với tổng giá trị gọi thầu 449.124 tỷ đồng, huy động thành công 332.467 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ huy động thành công đạt 74,02%.

Trong đó, riêng trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động được 313.243 tỷ đồng, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 83,97% kế hoạch năm 2021 (373.000 tỷ đồng); Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 11.024 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2021; Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2020. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm giảm khoảng từ 0,12%/năm đến 0,46%/năm. Tính trung bình, lãi suất phát hành bình quân năm 2021 giảm 0,58%/năm so với năm 2020. Như vậy, nếu so sánh với các năm trước đó, lãi suất phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đã giảm từ mức 10,7%/năm vào năm 2010 xuống 6,5%/năm vào năm 2015 và xuống còn 2,27%/năm vào năm 2021, giúp tiết kiệm chi phí huy động vốn cho Chính phủ.

Trên thị trường thứ cấp, tính đến ngày 15/12/2021, quy mô niêm yết trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tại HNX đạt 1.498.650 tỷ đồng, tăng 11,91% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11.232 tỷ đồng/phiên, tăng 11,46% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị giao dịch Repos chiếm 32,67%. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 2,82% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giảm 1,38% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị mua ròng năm 2021 của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9.721 tỷ đồng. Như vậy, giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 đã đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua với tăng 9,36% so với năm 2020 và tăng 29,9 lần so với năm 2010.

Sức hút từ phương thức mới

Để tăng thêm hiệu quả hoạt động quản lý ngân quỹ, HNX đã phối hợp với KBNN triển khai các nghiệp vụ mua lại trái phiếu trước hạn từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi và triển khai thí điểm phương thức đấu thầu đa giá trong đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

Theo đó, nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ được KBNN thực hiện theo quy định tại Thông tư số 107/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của KBNN đã mở ra cơ chế cho phép KBNN được thực hiện các giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ với các ngân hàng thương mại là thành viên giao dịch trái phiếu Chính phủ.

Trong khi đó, phương thức đấu thầu đa giá, áp dụng nhiều mức lãi suất trúng thầu, tùy mức lãi suất đặt thầu tương ứng của từng nhà đầu tư đặt thầu, giúp tạo ra cạnh tranh hơn trong đấu thầu, đồng thời giúp các nhà đầu tư có cơ hội trải nghiệm phương thức đấu thầu mới theo thông lệ quốc tế. Ngày 27/10/2021, lần đầu tiên, KBNN đã huy động thành công 250 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tại phiên đấu thầu đa giá, đặc biệt phiên đấu thầu ngày 17/11/2021, lãi suất trúng thầu đạt 0,76%/năm là mức lãi suất thấp nhất đối với kỳ hạn 5 năm từ trước đến nay. Thống kê cho thấy, từ khi triển khai đến nay, thông qua hệ thống đấu thầu điện tử của HNX, KBNN đã tổ chức được 9 phiên đấu thầu theo phương thức đa giá, huy động thành công 920 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX, sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX có sự đóng góp hết sức tích cực của các tổ chức phát hành trái phiếu, điển hình như KBNN trong việc cải tiến hoạt động đấu thầu, đa dạng phương thức đấu thầu, đưa hoạt động đấu thầu trái phiếu thực sự trở thành kênh huy động vốn tiết kiệm và hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc cơ cấu sản phẩm phát hành trên thị trường sơ cấp của KBNN, tập trung phát hành các kỳ hạn dài (trên 10 năm) giúp kỳ hạn giao dịch trên thị trường thứ cấp tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ tập trung giao dịch các kỳ hạn ngắn (dưới 3 năm) sang giao dịch các kỳ hạn trung và dài hạn, giúp ổn định nguồn vốn đầu tư dài hạn của Chính phủ. Tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động phát hành trên sơ cấp.

Tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và giao dịch trái phiếu Chính phủ

Trong năm 2022, Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX Nguyễn Duy Thịnh cho biết, HNX sẽ tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và giao dịch trái phiếu Chính phủ nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, sẽ nâng cấp và mở rộng chức năng của hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ, cho phép giao dịch các sản phẩm mới, cơ chế giao dịch mới theo định hướng và lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ mà Thủ tướng đã phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài chính xanh và các hoạt động phát triển thị trường trái phiếu.

Cùng với đó, HNX cũng sẽ tích cực phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) để xây dựng dự thảo mẫu hợp đồng tương lai trên chỉ số mới sau khi VNX ban hành Quy chế niêm yết và giao dịch hợp đồng tương lai. Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai thí điểm đấu thầu đa giá đối với trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, HNX và KBNN sẽ nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính xem xét quyết định việc triển khai tiếp hoặc mở rộng triển khai đối với các loại kỳ hạn khác trong thời gian tới nếu phù hợp.