Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt tăng mạnh nhất Đông Nam Á
Trong khi thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm trong quý I/2013, theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Việt Nam là quốc gia trong khu vực có tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu Chính phủ cao nhất là 64,6% đạt giá trị 29 tỷ USD do việc đẩy mạnh phát hành tín phiếu kho bạc, trái phiếu ngân hàng trung ương và trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Ngược lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã giảm 47,2% xuống còn 1 tỷ USD.
Ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB cho biết: “Chúng ta sẽ có thể chứng kiến sự tăng trưởng hơn nữa của các thị trường trái phiếu trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đang tiếp tục phát triển và với việc các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ngày càng yên tâm hơn với các khoản nợ bằng các đồng nội tệ ở khu vực châu Á. Các Chính phủ và các doanh nghiệp hiện đang quản lý các khoản nợ một cách tốt hơn so với những gì họ thực hiện một thập kỷ trước đây".
Báo cáo hàng quý Theo dõi Trái phiếu châu Á đánh giá các thị trường trái phiếu tại Trung Quốc; Hong Kong; Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Singapore; Thái Lan và Việt Nam.
Các thị trường trái phiếu bằng nội tệ trong khu vực hiện chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong quy mô của các nền kinh tế so với các con số của 3 tháng và thậm chí là của một năm trước. Tỷ lệ này là 54,8% tổng sản phẩm quốc nội tính đến cuối tháng 3/2013 so với 54,6% vào cuối tháng 12/2012 và 52,8% vào cuối tháng 3/2012.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của khu vực tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,6% so với quý trước, đạt mức 2,4 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3. Trong khi đó, thị trường trái phiếu Chính phủ tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, 2,0% so với quý trước và đạt mức 4,3 nghìn tỷ USD.
Indonesia có tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý I cao nhất trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng đạt 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 20 tỷ USD. Đứng tiếp sau là Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong khu vực với tổng trị giá 1,1 nghìn tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này là 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với các trái phiếu Chính phủ niêm yết bằng đồng nội tệ ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi tiếp tục tăng cao trong quý I do lợi tức từ các trái phiếu này vẫn hấp dẫn hơn so với nhiều thị trường ở châu Âu và Mỹ và nhận định rằng độ tín nhiệm của châu Á cũng ngang bằng, nếu không phải là tốt hơn, so với các nền kinh tế phát triển.
Tính đến cuối tháng 3, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 32,6% giá trị trái phiếu bằng nội tệ của Indonesia. Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số các nền kinh tế Đông Á mới nổi. Malaysia bám sát ở vị trí thứ hai với tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,2%.
Lợi tức của hầu hết các trái phiếu Chính phủ trong khu vực có xu hướng thấp hơn kể từ cuối năm 2012 do lạm phát không cao và các mức lãi suất chính sách hầu như không thay đổi. Chỉ có ngoại lệ đối với 3 thị trường là Hong Kong, Trung Quốc; Indonesia và Singapore. Tại ba thị trường này lợi tức của trái phiếu Chính phủ đã tăng đối với hầu hết các kỳ hạn kể từ đầu năm 2013 do những lo ngại về lạm phát.