Thị trường trái phiếu dần phục hồi, khẳng định kênh huy động vốn quan trọng

Minh Lâm

Mặc dù có nhiều biến động trong năm 2023, nhưng những giải pháp quyết liệt của cơ quan quản lý đã góp phần duy trì và phát triển thị trường trái phiếu bền vững, bắt đầu xuất hiện những tín hiệu phục hồi tốt huy động vốn cho ngân sách nhà nước và doanh nghiệp.

Phát hành trái phiếu Chính phủ cao gấp 1,38 lần so với năm 2022

Trái phiếu chính phủ (TPCP) tính đến hết ngày 25/12/2023 đã phát hành 296.678 tỷ đồng, gấp hơn 1,38 lần so với cả năm 2022, bằng 74,2% kế hoạch của năm (400.000 tỷ đồng), bằng 78,1% kế hoạch điều chỉnh của năm (380.000 tỷ đồng).

Trong đó, 100% trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên; kỳ hạn phát hành bình quân TPCP là 12,54 năm, giảm 0,1 năm so với bình quân năm 2022 (12,67 năm). Lãi suất phát hành bình quân TPCP tính đến cuối tháng 12/2023 đạt 3,21%/năm, giảm 0,27% so với bình quân năm 2022 (3,48%/năm). Trong năm 2023, TPCP bảo lãnh đã phát hành được 21.250 tỷ đồng.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân 11 tháng đầu năm đạt 17.448 tỷ đồng/phiên, giảm 13,5% so với bình quân năm 2022. Trong đó, thanh khoản thị trường TPCP được cải thiện trong các tháng cuối năm, lãi suất có xu hướng giảm đối với kỳ hạn 10-15 năm (từ 0,05-0,06% so với tháng 10). Nhà đầu tư bắt đầu quay lại đầu tư vào các kỳ hạn dài 20 năm (2.000 tỷ đồng), 30 năm (9.400 tỷ đồng).

Như vậy, lợi suất trái phiếu trong nước đã giảm mạnh từ đầu năm và quay trở lại mặt bằng của năm 2021, đồng thời lợi suất của các nước trên thế giới cũng cho thấy xu hướng giảm điểm trong tháng vừa qua.

Trong tháng 11/2023, giao dịch trên thị trường TPCP thứ cấp sôi động trở lại với lượng giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 96% so với tháng trước. Trong đó, giao dịch outright chiếm 79% khối lượng trong kỳ với hơn 151.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị khối ngoại mua ròng 274 triệu đồng TPCP trong kỳ. Tính đến ngày 22/12, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng khoảng 4.526 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần phục hồi

Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp quyết liệt của cơ quan quản lý được triển khai nhằm tháo gỡ các nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt thị trường TPDN riêng lẻ đã có nhiều khởi sắc về cả chất và lượng.

Hoạt động phát hành TPDN lũy kế 12 tháng năm 2023, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 268.000 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ. Lãi suất TPDN bình quân trong 12 tháng đạt 8,3%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 138.300 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 51% so với tổng giá trị. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu Ngân hàng là 6,7%/năm, kỳ hạn bình quân 4,8 năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), kết quả phát hành trên thị trường TPDN đã có nhiều cải thiện và tích cực hơn. Đây là cộng hưởng của các chính sách chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường. 

"Trước một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành TPDN gây ra những bất ổn trên thị trường TPDN như chúng ta đã biết, Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ TPDN nói riêng", ông Dương cho biết.

Về TPDN riêng lẻ, triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và căn cứ chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngày 19/7/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã khai trương hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tập trung. Đây là một trong những bước đi quan trọng mà Chính phủ đã đề ra nhằm hướng tới xây dựng một thị trường TPDN phát triển bền vững, minh bạch cũng như góp phần khôi phục niềm tin vào thị trường, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua, bán trái phiếu, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch TPDN riêng lẻ.

Sau 5 tháng đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại HNX được vận hành an toàn, thông suốt, các vấn đề kỹ thuật được đảm bảo. Quy mô thị trường và thanh khoản giao dịch có sự tăng trưởng.

Lũy kế đến ngày 25/12/2023, thị trường có 19 mã TPDN riêng lẻ đăng ký giao dịch. Tính đến hết ngày 30/11/2023, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống là 760 mã trái phiếu của 206 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 519.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường từ khi thị trường khai trương đến 30/11/2023 đạt 119.678 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1.259,8 tỷ đồng/phiên.

Ông Nguyễn Anh Phong - Tổng Giám đốc HNX cho biết, hệ thống kể từ ngày đi vào hoạt động đến giờ rất suôn sẻ, qua đó tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.

"Kể từ tháng 7 trở lại đây, cùng với tác động của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì việc đưa hệ thống tra cứu riêng lẻ này vào hoạt động, các hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp đã quay trở lại tích cực hơn", ông Phong chia sẻ.