Thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cải thiện
Thanh khoản của trái phiếu riêng lẻ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có sự cải thiện đáng kể với giá trị giao dịch bình quân ngày ở mức 1,33 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp và 3,5 nghìn tỷ đồng trên thị trường thứ cấp.
Sôi động trên thị trường sơ cấp
Theo Báo cáo Cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 11/2023 của FiinRatings, phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp đã bước đầu hồi phục kể từ tháng 6/2023.
Tháng 11/2023 tiếp tục chứng kiến sự sôi động nhất định với tổng giá trị phát hành đạt 38,6 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm 35,5 nghìn tỷ đồng phát hành riêng lẻ và 3,1 nghìn tỷ đồng phát hành công chúng.
Đây là tháng thứ 6 liên tiếp tổng giá trị phát hành qua kênh TPDN đạt trên 29 nghìn tỷ đồng sau giai đoạn trầm lắng phần lớn nửa đầu năm 2023.
Hình 1: Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành sơ cấp hàng tháng năm 2023
Tính lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành cả trái phiếu riêng lẻ và chào bán ra công chúng đạt 252,9 nghìn tỷ đồng, trong đó kênh trái phiếu riêng lẻ đạt 227,8 nghìn tỷ đồng và phát hành ra công chúng đạt 25,1 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù chỉ hồi phục trở lại từ tháng 6/2023, tổng giá trị phát hành sơ cấp 11 tháng năm 2023 đã bằng khoảng 80% tổng giá trị phát hành cả năm 2022.
Về cơ cấu phát hành, ngành Ngân hàng vẫn là nhóm tổ chức phát hành lớn nhất trong 11 tháng qua với giá trị phát hành đạt 120,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,5%, ngành Bất động sản đứng thứ hai với 82,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,8%, còn lại một số công ty chứng khoán, doanh nghiệp xây dựng và vật liệu; và các ngành khác.
Với trái phiếu ngân hàng, lãi suất danh nghĩa phát hành bình quân ở mức 6,94% với kỳ hạn phổ biến là từ 3-5 năm, bên cạnh đó đã có nhiều ngân hàng phát hành với kỳ hạn dài trên 7 năm với lãi suất danh nghĩa cao hơn khoảng 100 điểm phần trăm so với mức lãi suất bình quân kỳ hạn dưới 3 năm.
Với trái phiếu bất động sản, lãi suất coupon tương đối ổn định ở mức bình quân 11,92% với kỳ hạn bình quân 3,65 năm. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động trái phiếu bất động sản có biên độ giao động lớn từ 6% – 14,5% tùy theo chất lượng tổ chức phát hành và yếu tố cấu trúc thương vụ.
Bước đầu gặt hái thành quả trên thị trường thứ cấp
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch lũy kế từ khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức vận hành đạt 121 nghìn tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch bình quân ngày ở mức 1,33 nghìn tỷ đồng.
Đây là con số còn nhỏ so với quy mô lưu hành 1,1 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 11/2023. Tuy nhiên, đây vẫn là những thành quả bước đầu với kỳ vọng gia tăng khi số lượng trái phiếu được đưa vào giao dịch tập trung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hình 2: Thanh khoản giao dịch trái phiếu riêng lẻ 10 ngày gần nhất đến 6/12/2023
Bên cạnh đó, giá trị thanh khoản bình quân ngày cũng đã tăng lên đáng kể và đạt giá trị bình quân khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng vào những ngày đầu tháng 12 vừa qua. Đây là kết quả của hoạt động đưa trái phiếu riêng lẻ lên giao dịch được đẩy mạnh (752 mã vào cuối ngày 06/12/2023).
Tuy nhiên, trái phiếu phát hành ra công chúng có mức thanh khoản bình quân ngày vẫn còn khiêm tốn ở mức khoảng 200 tỷ đồng do quy mô kênh phát hành còn nhỏ khi tổng giá trị lưu hành chỉ đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng.
Điểm nhấn của thị trường trong tháng vừa qua là trái phiếu ngân hàng duy trì trạng thái sôi động. Các ngân hàng vẫn đẩy mạnh hoạt động phát hành nhằm tận dụng môi trường lãi suất thấp và đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn nhằm phục vụ tăng trưởng tín dụng các năm sau.
Hiện nay, một số ngân hàng đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12 này bao gồm BIDV (2,5 nghìn tỷ đồng), HDBank (3 nghìn tỷ đồng) và HDBank cũng đã công bố kế hoạch phát hành 2 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Hầu hết kỳ hạn phát hành khá dài, từ 5 hoặc 7 năm.
Về áp lực nợ trái phiếu đến hạn năm 2024, theo FiinRatings, tổng giá trị thanh toán trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) đến hạn cả năm 2024 ở mức cao, lên tới 376,5 nghìn tỷ đồng. Trái phiếu của tổ chức phát hành phi ngân hàng đến hạn ở mức 282 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm giá trị cao nhất, đạt 154,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, giá trị gốc trái phiếu là 122,2 nghìn tỷ đồng và chi phí lãi trái phiếu dự kiến là 32,6 nghìn tỷ đồng.