Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Những dấu hiệu phục hồi ngày càng rõ nét
Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, môi trường lãi suất thấp, cũng như các quy định pháp lý rõ ràng sẽ thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư.
Sôi nổi hơn từ cuối năm 2023
Thị trường TPDN vận hành ảm đạm trong nửa đầu năm 2023 và dần khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nhờ những nỗ lực của cơ quan quản lý.
Ngày 19/7/2023, Sàn giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức đi vào vận hành, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn. Theo thống kê của HNX, tính đến hết ngày 28/12/2023, khối lượng đăng ký giao dịch đạt gần 717 triệu trái phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 208.000 tỷ đồng.
Các nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN đã phát huy hiệu lực, nhất là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (ban hành ngày 05/03/2023), đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản) đã giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Lũy kế cả năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 317 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm ngoái. Theo ước tính, lãi suất trái phiếu bình quân gia quyền năm 2023 đạt khoảng 8%, tương đương năm 2022, bất chấp lãi suất huy động đã giảm đáng kể khoảng 340 điểm cơ bản vào cuối năm 2023.
Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành tăng mạnh mẽ 31% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 56% so với tổng giá trị trong năm 2023, lãi suất bình quân gia quyền của ước tính 6,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,7 năm.
Giá trị phát hành của nhóm ngành Bất động sản tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 25%, lãi suất bình quân gia quyền ước tính 9,9%/năm, kỳ hạn bình quân 3,5 năm.
Trong cả năm 2023, khoảng 244 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 9% so với năm 2022, trong đó nhóm ngành Ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 50% tổng giá trị mua lại, nhóm ngành Bất động sản và Xây dựng lần lượt chiếm tỷ trọng 14% và 13%.
Kỳ vọng khởi sắc trong năm 2024
Tính đến ngày 31/1/2024, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 1/2024 ước đạt hơn 4.563 nghìn tỷ đồng, hoạt động phát hành sụt giảm đáng kể giảm 73% so với tháng trước.
Trong đó, nhóm xây dựng chiếm tỷ trọng lớn với với khoảng 4,1 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu phát hành. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị là 2.813 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm, kỳ hạn là 10 năm.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường TPDN sẽ khởi sắc trong năm 2024 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực từ vĩ mô, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng các quy định pháp lý rõ ràng hơn.
MBS cho rằng, vĩ mô lấy lại đà tăng trưởng sẽ là nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt mức 5,9%-6,1%, cao hơn so với mức 5% của năm 2023, dựa trên cơ sở một số động lực chính của nền kinh tế như xuất khẩu, đồng tư công, tiêu dùng sẽ phục hồi.
Bên cạnh đó, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Môi trường lãi suất thấp cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu vốn cũng như thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư.
Tín hiệu mừng cho thị trường TPDN nữa là triển vọng ngành BĐS sẽ tích cực hơn trong năm 2024. Cùng với Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được thông qua trong kỳ họp Quốc hội khóa XV vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thông qua trong Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường bất động sản và thể hiện quyết tâm của Nhà nước và Chính phủ trong việc khôi phục và phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất Đai (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực đến nguồn cung bất động sản dân dụng trong trung – dài hạn nhờ giải quyết vướng mắc trong vấn đề định giá đất, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với giá thị trường.
Sang năm 2024, thị trường bất động sản dự kiến bước vào chu kì hồi phục nhờ nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện 30% so với cùng kỳ tại Hà Nội và 10% so với cùng kỳ tại TP. Hồ Chí Minh nhờ những vướng mắc pháp lý liên quan đến tiền sử dụng đất được giải quyết.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp được duy trì tác động tích cực tới thị trường khi giảm bớt áp lực tài chính cho Chủ đầu tư và người mua được hưởng lợi nhờ lãi suất ưu đãi. Rủi ro thanh khoản cũng giảm khi các doanh nghiệp chủ động giảm tỷ trọng nợ vay (Nợ vay/tổng tài sản trung bình giảm từ mức 44% xuống 39% trong quý IV/2023).