Thiếu bất động sản du lịch đa công năng

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Việt Nam đã làm rất tốt bất động sản du lịch lưu trú ngắn ngày, nhưng còn thiếu bất động sản du lịch đa công năng để phục vụ tập khách dài ngày đến từ châu Âu, châu Mỹ muốn trải nghiệm du lịch bản địa ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghiên cứu về nhu cầu du lịch của một tổ chức quốc tế cho thấy 54% nhu cầu du lịch thông qua nghỉ dưỡng, trải nghiệm, 15% thông qua hội thảo, 31% du lịch tôn giáo, sức khỏe. Trong đó, du lịch trải nghiệm dựa trên 3 yếu tố chính: giá trị sáng tạo và công nghệ cao; giá trị văn hoá truyền thống (khám phá văn hoá địa phương và con người), giá trị tự nhiên (tìm kiếm những nơi có khung cảnh đẹp mới).

Nhu cầu tăng

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, trong giai đoạn 2018 – 2028, nhu cầu du lịch tăng 4% hàng năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân trước đây. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2030 sẽ tăng 535 triệu lượt khách quốc tế, đứng đầu thế giới.

Ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay, cho biết đối với Việt Nam có 54% du khách có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm và đây là cơ hội lớn. Vì vậy, nên có nhiều quy hoạch chuyển hướng sang loại hình du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế.

“Nếu tập trung đầu tư dự án quy mô lớn, tích hợp nhiều trải nghiệm, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều khách du lịch không chỉ trong nước mà còn cả khách hạng sang quốc tế”, ông Trường nói.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nhìn lại thị trường bất động sản (BĐS) du lịch Việt Nam có thể thấy có rất nhiều dự án “lớn” nhưng so với thế giới thì quy mô vẫn còn nhỏ. Chưa kể thị trường thời gian qua có tự tắc nghẽn nhất định, do khung pháp luật về BĐS du lịch chưa đáp ứng được.

Ông Võ khẳng định không thể phủ nhận tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay là rất lớn, còn nhiều dư địa. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định.

“Trước đây, Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều để du khách nước ngoài khám phá, người phương Tây hay phương Đông đều thấy lạ khi tới Việt Nam. Người Việt Nam cũng rất hiếu khách, vui vẻ. Rồi kể cả văn hóa, chúng ta cũng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng thế giới. Chính vì vậy, tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay.

Tiềm năng của BĐS du lịch Việt Nam còn rất lớn
Tiềm năng của BĐS du lịch Việt Nam còn rất lớn
 

Khắc phục điểm yếu

Giai đoạn vừa qua, du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng tốt, nhưng GS. Đặng Hùng Võ cho rằng mức tăng trưởng đó vẫn ở giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần giải quyết nhiều thách thức.

“Tăng trưởng từ mức thấp lên trung bình thì có thể dễ, nhưng từ trung bình lên cao hẳn thì không đơn giản”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ.

Cụ thể hơn với thị trường BĐS du lịch, trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, việc bán các BĐS du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp tốt để giải quyết bài toán về vốn.

Thị trường BĐS du lịch đã có nhiều dự án đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel, nhưng phân khúc này giai đoạn vừa qua có nhịp chững.

“Từ thực tế đó có thể thấy rằng kinh tế chia sẻ vào Việt Nam nhưng việc tiếp nhận và quản lý nó như thế nào thì vẫn còn nhiều lúng túng”, ông Võ khẳng định.

Để thị trường BĐS du lịch Việt Nam tăng trưởng hơn nữa cần phải khắc phục được những điểm yếu này, đó cũng là cơ hội để các mô hình BĐS du lịch đa công năng có thể phát huy được lợi thế, bởi đây chính là xu thế mới trong phát triển du lịch của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Hiện tại, các dự án của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được các khách du lịch ngắn ngày từ Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng những khách này chủ yếu là tham quan.

“Một nguồn khách tiềm năng hơn từ châu Âu và châu Mỹ, có cả tháng để nghỉ đi du lịch. Hiện nay, xu hướng của họ là trải nghiệm về đời sống người dân bản địa, trải nghiệm mạo hiểm, chữa bệnh nhưng chúng ta chưa mạnh về lĩnh vực này. Để phát triển du lịch trải nghiệm, chúng ta cần phải phát triển các tổ hợp du lịch trải nghiệm quy mô lớn, đa chức năng, có khu vui chơi cho trẻ em, cho người lớn, khu casino…”, ông Võ nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, để phát triển BĐS du lịch đa công năng, trong tổ hợp có nhiều khu vực có thể cho thuê ngắn hạn hay dài hạn. Hơn nữa, các tổ hợp cần gắn với BĐS do các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư quản lý.

“Tôi cho rằng nếu đi được theo hướng đó với khung pháp lý hiện đại, chúng ta có thể có cơ hội để phát triển một thị trường du lịch mạnh”, GS. Đặng Hùng Võ quả quyết.