Những vùng đất mới "hút" dòng tiền đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
Những địa phương còn thiếu các sản phẩm BĐS du lịch cao cấp 4-5 sao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển...nhưng có nhiều tiềm năng về du lịch, đang là điểm đến của dòng tiền đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng.
Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), Lâm Đồng, Quảng Bình… được xem là những vùng đất mới nhiều tiềm năng để phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng. Làn sóng dịch chuyển của các CĐT lẫn NĐT cá nhân ngày càng rõ nét đến các thị trường nơi đây. Đâu là lý do khiến sự dịch chuyển này ngày càng mạnh mẽ.
Vì sao BĐS nghỉ dưỡng ven biển phát triển mạnh mẽ?
Không thể phủ nhận, sự tăng trưởng vượt trội của du lịch biển đã giúp phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam “lên ngôi” những năm gần đây.
Mới đây, tờ Telegraph (Anh) đã xếp Việt Nam vào top 20 thị trường ngôi nhà mới nổi nhờ sở hữu hệ thống tài nguyên thiên nhiên đa dạng và dịch vụ nghỉ dưỡng giải trí đang phát triển rất đa dạng.
Theo ghi nhận, trước sự bùng nổ của ngành du lịch, BĐS được xem là con gà đẻ trứng vàng. Số liệu của tổng cục thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,3 triệu lượt người, cao hơn mức 6,7 triệu lượt người của cùng kỳ năm 2018.
Tổng Cục du lịch dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 21 triệu lượt khách quốc tế, và đến 2025 con số này sẽ tăng lên 32 triệu lượt. Theo đó, đến năm 2020 dự báo cả nước cần đến 650.000 đến 700.000 phòng lưu trú; đến năm 2025 cần có từ 950.000-1.050.000 buồng lưu trú.
Còn theo CBRE Việt Nam, cùng với cú hích từ hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn khách du lịch gia tăng mạnh mẽ hàng năm sẽ là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Đó cũng là lý do BĐS nghỉ dưỡng nhanh chóng chiếm được vị trí cao trên bảng xếp hạng thị trường BĐS năm 2019.
Chưa kể, Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.400km trải dọc từ Bắc xuống Nam với gần 3.000 ngàn hòn đảo lớn nhỏ, hàng loạt bãi tắm hoang sơ là những điều kiện thuận lợi cho du lịch biển Việt Nam phát triển. Bên cạnh sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên thì những nét văn hóa vùng miền đặc trưng và việc thừa hưởng các di tích lịch sử phong phú cũng là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của các loại hình du lịch biển nước ta so với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Âu, ASEAN, New Zealand- Australia, Canada – Hoa Kỳ...
Theo thống kê của bộ du lịch, số khách đến du lịch biển chiếm khoảng 70% và doanh thu trên 60%. Đây là ngành du lịch mũi nhọn trong các loại hình du lịch của Việt Nam. Trong đó, các khu vực biển có tiềm năng du lịch lớn đã và đang được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là vịnh Hạ Long – Hải Phòng – Cát Bà; Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; Vân Phong – Đại Lãnh – Nha Trang; Vũng Tàu – Long Hải – Côn Đảo; Hà Tiên – Phú Quốc; Phan Thiết – Mũi Né cũng đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu ngành du lịch cả nước.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của vùng đất ven biển mới nổi, thu hút giới đầu tư địa ốc
Nhìn nhận khách quan, BĐS nghỉ dưỡng ven biển Việt Nam có mức giá mềm hơn nhiều so với các quốc gia khác có đường bờ biển dài như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đó cũng là lý do khiến BĐS ven biển thu hút nhà đầu tư mạnh mẽ ở giai đoạn này.
Theo thống kê từ CBRE Thái Lan cho thấy, năm 2017 lượng tiêu thụ biệt thự biển tại Phuket tăng 21% so với năm 2016. Giá trị một căn villa tại khu vực này tăng 48,91% trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, hiện nay đã đạt đến con số 400 triệu Baht tương đương hơn 12 triệu USD, và thời gian sở hữu trong vòng 30 - 50 năm.
Hay tại Indonesia, chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2018, khu vực biển Bali đã đạt đến con số gần 12 triệu khách du lịch đến tham quan, tăng 11,81% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách đông đảo đến du lịch tại đây đã tạo điều kiện cho BĐS biển gia tăng giá trị với tốc độ phi mã. Ước tính, một căn biệt thự tại khu vực Canggu, Bali – địa điểm thu hút nhiều du khách nhất – có giá lên đến 11 triệu USD, cùng quyền sở hữu BĐS trong vòng 25 – 30 năm.
Điều đó cũng cho thấy, để sở hữu một sản phẩm BĐS ven biển, người mua phải chi số tiền rất lớn. Rõ ràng, ở một số quốc gia, BĐS biển khá xa xỉ bởi giá trị nghỉ dưỡng, sinh thái mà khu vực ven biển mang lại là rất lớn.
Do đó, theo các chuyên gia, việc sở hữu BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam còn khá dễ do giá còn mềm hơn khoảng 15-35% so với thị trường ngoài nước ngoài.
Hiện nay, NĐT đang dồn sự quan tâm về các vùng đất mới nổi, còn nhiều dư địa để tăng trưởng như: Bà Rịa – Vũng Tàu; Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), thậm chí là Lâm Đồng…
Các chuyên gia đã chỉ ra những lợi thế của từng vùng miền khiến BĐS ven biển các địa phương này thu hút mạnh giới đầu tư địa ốc.
Chẳng hạn như, Bà Rịa- Vũng Tàu có lợi thế về điều kiện sinh thái tự nhiên đa dạng, khí hậu thuận lợi, đường bờ biển dài 200km có khoảng 100km bãi tắm, nơi đây được đánh giá không thua kém gì so với các nước bạn như Phuket hay Bali.
Theo số liệu từ sở du lịch của Tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2018 Bà Rịa – Vũng Tàu đón hơn 10,3 triệu khách tham quan, trong đó 2,67 triệu lượt khách lưu trú tăng 12,3% so với cùng kì. Những chính sách thu hút các NĐT BĐS cùng các dự án du lịch nghỉ dưỡng và định hướng phát triển, địa phương kì vọng đến 2025 sẽ đón 8,6 triệu lượt khách lưu trú với tổng thu từ du lịch đạt 31.000 tỉ đồng và 17 triệu lượt khách với 102.000 tỉ đồng vào năm 2030.
Ngoài những yếu tố tự nhiên, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thu hút NĐT nhờ lợi thế của địa phương được quy hoạch để trở thành trung tâm về du lịch, dầu khí, cảng biển hàng đầu của cả nước, trong đó Cảng quốc tế Cái Mép lớn thứ 2 Việt Nam là một trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu lớn; dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được quy hoạch và khởi công; các tuyến tuyến cao tốc kết nối với siêu đô thị TP HCM, các tỉnh Đông và Tây Nam bộ.
Do đó, theo dự báo của các chuyên gia, BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ, là kênh đầu tư được tìm kiếm nhiều trong giới địa ốc.
Tương tự, Phan Thiết, Bình Định, Hạ Long cũng là những cái tên được nhắc nhiều ở thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Do chưa có nhiều áp lực về nguồn cung nên công suất BĐS nghỉ dưỡng nơi đây đang trên đà tăng trưởng.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường, chúng ta quen thuộc với những điểm nóng của thị trường như Đà Nẵng, Hội An, hay Nha Trang. Đến một lúc nào đó, các thị trường này sẽ bão hòa. Và có thể các địa điểm này không còn nóng nữa, mà sẽ chuyển sang các địa điểm khác như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phú Yên, Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận). Các khu vực này cũng không khác nhau mấy về tiềm năng và có thể sẽ trở thành địa bàn có tốc độ phát triển nhanh hơn.
Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, thời gian tới, cơ hội cho những vùng đất mới giàu tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác tối đa. Đó có thể kể đến như Hạ Long, Quảng Bình, Quy Nhơn, Phú Yên, Phan Rang, Phan Thiết, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được nhắc đến thường xuyên hơn trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian gần đây.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, với những vùng đất đã phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng như Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc, nguồn cung đã rất nhiều và có thể dư thừa cung so với nhu cầu. Trong khi ở các vùng như Phan Thiết, Long Hải, Hồ Tràm có lợi thế biển thì các dự án BĐS nghỉ dưỡng còn khá ít. Do đó, đây chính là cơ hội cho các DN BĐS và các NĐT cá nhân tìm đến khai phá.
Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, những vùng đất ven biển mới sẽ là điểm ngắm của các ông lớn BĐS trong thời gian tới. Mặc nhiên một điều, khi làn sóng dịch chuyển về khai thác BĐS nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp lớn ở các vùng đất mới nổi thì sẽ kéo theo hoạt động đầu tư cá nhân gia tăng. “Không chỉ các thị trường mới nổi như Phan Thiết, Quy Nhơn, Bà Rịa - Vũng Tàu… mà thời gian tới có thể thị trường “mới tinh” như Lâm Đồng cũng là địa danh rơi vào tầm ngắm của giới đầu tư địa ốc”, đại diện Tập đoàn này nhấn mạnh.