Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp có thể đóng cửa
Chiều 26/2, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện nhiều doanh nghiệp chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất đến tháng 3 hoặc sang đầu tháng 4. “Sau thời gian này, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, họ có thể sẽ phải dừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ” - ông Trương Thanh Hoài cho biết. Các lĩnh vực đang và sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất là dệt may, da giày, điện tử. Nguyên nhân là do Trung Quốc không chỉ là thị trường tiêu thụ, mà còn là “đầu vào” chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất này. Hiện nay, các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam tại Trung Quốc đang tạm thời ngừng sản xuất, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Dự báo, với ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, sản xuất ô tô tải (do các doanh nghiệp của ta đang phải phụ thuộc hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc), đến cuối quý 1 cũng có thể rơi vào tình trạng phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu linh kiện. Trong khi đó, việc tìm nguồn cung thay thế trong ngắn hạn cũng không đơn giản.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), “cơn sốt” khẩu trang phòng chống dịch đang khiến các doanh nghiệp may đứng trước nỗi lo thiếu nguyên liệu. Bên cạnh sản xuất khẩu trang (đột xuất ngoài dự kiến), các doanh nghiệp thành viên của Vinatex vừa qua vẫn phải lo thực hiện các đơn hàng dệt may xuất khẩu theo hợp đồng với đối tác. Tuy nhiên, nhiều đơn vị phải đàm phán kéo dài thời gian giao hàng cho đối tác thêm 2-3 tuần vì thiếu nguyên liệu sản xuất.
Theo tính toán, nếu chậm nguyên liệu trong nửa tháng có thể khiến toàn ngành dệt may thiệt hại 1,5-2 tỷ USD. Trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều chi phí phát sinh, như chi vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc, chi trả lương ngừng việc cho người lao động...
Hiện nay, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp của Vinatex tìm được một số nguồn nguyên liệu để đảm bảo sản xuất khẩu trang, nhưng với các đơn hàng may mặc vẫn rất khó khăn do thị trường Trung Quốc gần như đóng băng.
Bộ Công Thương cũng đề xuất, để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế, khuyến khích doanh nghiệp tự sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào. Ngân sách nhà nước cần đầu tư nguồn lực để tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào một số mặt hàng quan trọng như: thép chế tạo, vải, vật liệu mới… để khắc phục khó khăn từ bên ngoài; tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Không chỉ lĩnh vực công nghiệp, tại thị trường trong nước, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiêu thụ hàng hóa có dấu hiệu chậm lại. Rõ rệt nhất là 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ chỉ tăng trưởng hơn 8%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện nhiều hàng hóa và sản phẩm của các quốc gia đã gắn bó chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi dịch bệnh lan rộng, tính tương tác phụ thuộc giữa các nền kinh tế cũng bộc lộ một cách rõ rệt. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu phải làm tốt công tác phân tích, dự báo; xây dựng các đối sách để ứng phó kịp thời và hiệu quả.