Miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, khẩu trang vẫn khan hiếm
Thị trường khẩu trang vẫn không bớt khan hàng sau quyết định của Bộ Tài chính về miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu khẩu trang cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo tính toán, nhu cầu hiện nay trong cả nước đối với loại khẩu trang 3 lớp cho cộng đồng dân cư vào khoảng 100 tấn/tháng tương đương khoảng 150 triệu chiếc. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên cả nước cho biết đang phải sản xuất cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp (DN) đã dừng hoạt động do không nhập khẩu được nguồn nguyên liệu để sản xuất.
90% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc
Nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính, hiện có đến 90% được các DN nhập khẩu. Trong đó, nguyên liệu sản xuất khẩu trang dùng một lần có màng lọc kháng khuẩn phải nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70%, 30% còn lại từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu (Pháp, Ý).
Trước tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất khẩu trang, theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam vẫn cần trang bị các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, trong đó có khẩu trang. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang đáp ứng nhu cầu ở trong nước.
Tuy nhiên, vừa qua, Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm khẩu trang và nguyên liệu sản xuất khẩu trang; Hàn Quốc và Nhật Bản khan hàng, không có để bán và xuất khẩu; Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu; trong khi nguyên liệu nhập khẩu ở châu Âu có giá rất cao lên mức 10-12 USD/kg nhưng cũng không dễ dàng nhập khẩu được ngay, khiến các DN "đói" nguyên liệu.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Trung Hiếu, đại diện CTCP Công nghệ và Vật tư y tế ECOMEDI, cho biết từ ngày có chính sách miễn thuế nhập nguyên liệu xuất khẩu khẩu trang, DN vẫn chưa hưởng được ưu đãi này do không nhập được nguyên liệu. Một số đơn vị có nguyên liệu nhưng không bán mà chỉ thuê gia công.
Thậm chí, Công ty TNHH dược phẩm Hoàng An có năng lực sản xuất 20.000 sản phẩm mỗi ngày, nhưng hiện đang tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu lọc khuẩn.“Hiện, DN đang sản xuất cầm chừng bởi chỉ còn vài cuộn vải trong kho. Công ty chỉ có thể sản xuất thêm trong vòng 1-2 ngày nữa là hết nguyên vật liệu”, ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Đình Thuỵ, đại diện Công ty cho biết: “DN có tìm nguồn nguyên liệu từ nguồn khác, nhưng giá rất cao, khi ra thành phần tăng giá gấp 10 lần. Hiện, DN chỉ hoạt động "chống cháy", sản xuất chủ yếu để tặng miễn phí cho người dân không mua được khẩu trang”.
Hưởng ưu đãi thuế nhưng "ôm" hàng xuất khẩu?
Trong khi nhiều DN khẳng định không đủ nguyên liệu sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước thì cơ quan chức năng gần đây liên tục phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn khẩu trang y tế đang chờ xuất khẩu.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Hải quan TP.HCM), từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xuất khẩu khẩu trang qua đường hàng không tăng mạnh. Chỉ tính riêng từ ngày 30/1 - 4/2, Chi cục đã làm thủ tục xuất khẩu khoảng 36 tấn khẩu trang.
Về xuất xứ nguồn nhập, Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết số khẩu trang trên được xuất khẩu đi Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc.
Thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, từ ngày 1/1 - 3/2, các đơn vị hải quan trên địa bàn tỉnh đã làm thủ tục hải quan cho 15 bộ tờ khai với số lượng 3.970.000 chiếc, trị giá 92.137 USD được các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cho các lô hàng hóa là khẩu trang y tế của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Những con số trên là nghịch lý trong bối cảnh không chỉ người dân khó mua được khẩu trang, mà các bệnh viện trên cả nước cũng rơi vào tình trạng khan hiếm khẩu trang để sử dụng phòng chống dịch Covid-19. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), tận dụng thời gian giải lao giữa trưa, các bác sĩ và nhân viên y tế phải tự may khẩu trang cá nhân.
Theo các chuyên gia, khó có thể yêu cầu doanh nghiệp không được xuất khẩu khẩu trang, bởi điều này không mang tính thị trường. Ngoài ra, khẩu trang là mặt hàng không bị cấm xuất khẩu, nếu các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu chính ngạch, qua các cửa khẩu theo đúng quy định thì hàng hóa vẫn được thông quan bình thường.
Hiện chưa rõ trị giá khai báo hàng khẩu trang tại các chi cục hải quan, song chắc chắn sẽ chênh cao hơn nhiều so với giá bán trong nước, bởi vậy mới có chuyện hàng khẩu trang trong nước xuất khẩu tăng đột biến trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu cơ quan nhà nước chứng minh được doanh nghiệp hưởng lợi về thuế nhập khẩu đối với hàng là nguyên liệu nhưng không thực hiện đúng mục đích tại Công văn số 197/TTg-KTTH ngày 7/2/2020 có thể sẽ bị xử lý theo diện sai phạm về thuế.